Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải mã ý đồ của hải quân Trung Quốc trên 'biển xa'

Hải quân Trung Quốc phát triển ở mức độ chưa từng thấy, hiện đại hóa nhanh chóng, tăng tốc mở rộng phạm vi hoạt động trong 15 năm qua.

Sự thúc đẩy phát triển của hải quân Trung Quốc làm dấy lên nhiều quan ngại về ý định cuối cùng của nước này, ít ra theo quan điểm của Carl Schuster, cựu chỉ huy hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, cựu giám đốc vận hành của Trung tâm Tình báo của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ.

Tại một cuộc hội thảo đầu tháng 5, hơn 200 chuyên gia về hải quân đã tập trung tại trường Hải chiến Hải quân Mỹ để thảo luận về những mối lo ngại nói trên và thách thức lớn hơn từ sự mở rộng sức mạnh hải quân của Trung Quốc. Ông Schuster, hiện làm việc tại Đại học Harvard, có bài viết trên CNN về tham vọng trên "biển xa" của hải quân Trung Quốc.

Phát triển rầm rộ các chương trình vũ khí

Ông Schuster dẫn lời James Fanell, đại úy hải quân đã về hưu và từng là lãnh đạo tình báo Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, lưu ý rằng Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã đưa vào hoạt động số lượng tàu nhiều gấp bốn lần so với Hải quân Mỹ trong thập kỷ qua.

Một chuyên gia khác tại hội thảo cho biết tỷ lệ sức mạnh hải quân tại Tây Thái Bình Dương đã chuyển biến theo hướng có lợi cho Trung Quốc, với PLAN sở hữu 106 bệ phóng tên lửa so với 22 chiếc của hải quân Mỹ.

Hai quan Trung Quoc phat trien manh anh 1
Hải quân Trung Quốc trình làng tàu khu trục Type 055 mới tại Thanh Đảo, phía đông Trung Quốc tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân nước này vào ngày 23/4. Ảnh: Getty.

Đáng chú ý hơn, các chuyên gia hướng sự quan tâm tới khẳng định của Trung Quốc rằng nước này đã có những bước tiến nhanh chóng trong phát triển các chương trình vũ khí laser, siêu thanh và xung điện từ cũng như các hệ thống không người lái.

Tuy nhiên, Trung Quốc và PLAN cũng đang đối mặt với nhiều thách thức và thiếu hụt, khiến những tiến bộ nói trên chưa thực sự đạt mức đe dọa đúng tầm của nó.

Một vấn đề nổi cộm đó là các nhánh quân sự của Trung Quốc vẫn chưa hợp tác trơn tru với nhau dù cho Chủ tịch Tập Cận Bình không ngừng thúc đẩy mạnh sự gắn kết này và những cải tổ gần đây cũng nhằm vào mục tiêu đó. Các cuộc diễn tập chung tiếp tục ở quy mô nhỏ và vai trò của các bên vẫn tách biệt về nhiều mặt.

Điều này có nghĩa là khoảng cách vẫn còn trong các hoạt động tác chiến đa lực lượng, đặc biệt trong các tác chiến bên ngoài Chuỗi đảo thứ nhất (First Island Chain) hay tác chiến biển xa (Far Seas).

Trung Quốc thể hiện sự vượt trội về giám sát đối với vùng biển gần bờ (Near Seas) chứ không phải vùng biển xa. Việc thiếu sức mạnh không quân trên biển và các căn cứ ở nước ngoài để cung cấp hỗ trợ trên không đã hạn chế khả năng để phát huy sức mạnh trên bờ bằng tên lửa hành trình tấn công mặt đất hoặc các hệ thống không người lái.

Trong khi PLAN đã gia tăng đáng kể các hoạt động ở nước ngoài kể từ khi bắt đầu các chiến dịch chống cướp biển từ 11 năm trước, lực lượng này vẫn chưa thể hiện khả năng bảo vệ các tuyến liên lạc trên biển của mình qua Ấn Độ Dương. Tới 70% nhu cầu năng lượng và hơn 80% hoạt động thương mại của của Trung Quốc đi qua tuyến đường biển này.

Trung Quốc có căn cứ hỗ trợ hải quân ở Djibouti và các thỏa thuận tiếp cận trong khu vực nhưng chuỗi hậu cần của PLAN thiếu năng lực hỗ trợ các lực lượng được triển khai cần thiết để chống lại một đối thủ lớn.

Cần giải pháp toàn diện để đối trọng

Dù vậy, thách thức hàng hải từ Trung Quốc là có thật, chuyên gia tại Harvard nhận định.

Trung Quốc đã khởi xướng một nỗ lực nghiên cứu và khảo sát hải dương học quy mô lớn ở hầu hết đại dương trên thế giới. PLAN đang hoạt động trên toàn cầu, thực hiện các cuộc tập trận với hơn 30 quốc gia, tác chiến ở tất cả các đại dương trên thế giới và xuất hiện ở bốn trong số bảy vùng biển.

Hai quan Trung Quoc phat trien manh anh 2
Trung Quốc dự định đóng mới 8 tàu khu trục Type-055. Chiến hạm này đang được đóng mới với tốc độ rất nhanh. 6 tàu đang được đóng mới cùng lúc ở các nhà máy đóng tàu khác nhau. Ảnh: China Daily.

Và chiến lược hàng hải của Trung Quốc, tác giả là Bộ Thương mại Hàng hải nước này, đã mang lại những con số lấn lướt so với các quốc gia khác, bằng cách tích hợp chặt chẽ các hoạt động dân sự, thương mại, ngoại giao và hải quân.

Chẳng hạn, các công ty và hãng vận tải biển của Trung Quốc là những nơi phản hồi đầu tiên với Mozambique sau cơn bão tàn phá nặng nề gần đây. PLAN nắm vai trò hỗ trợ trong chiến lược đó, thúc đẩy lợi ích kinh tế và chính trị của Trung Quốc.

Theo CNN, trong khi các mục tiêu khu vực, trong đó có thống lĩnh các “vùng biển gần” - bao gồm Đài Loan và Biển Đông, vẫn là trọng tâm của PLAN, giới lãnh đạo Trung Quốc đang nhắm tới các tham vọng toàn cầu của PLAN và lên kế hoạch thực hiện những mục tiêu đó trước 2050.

Các chuyên gia và cộng đồng tình báo phương Tây được cho là phải theo sát bước tiến của PLAN, gạt bỏ các nhận định cũ khi đánh giá thông tin mới để cung cấp cho các nhà hoạch định những hiểu biết cần thiết phục vụ việc dự đoán và nắm bắt mọi ý đồ của Trung Quốc.

Ngăn chặn xung đột đòi hỏi lực lượng phù hợp và hiểu biết rõ ràng về tất cả những hành động và ý định của các bên. Tới nay, phương Tây vẫn chưa làm tốt điều đó.

Đại úy Fanell gọi đó là sự tính toán nhầm của giới học thuật và cộng đồng tình báo Mỹ về phạm vi, quy mô và thời gian của hiện đại hóa của PLAN và tác động của nó đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Trung Quốc hiện vẫn duy trì sự hiện diện ở vùng biển gần trên các đại dương của thế giới, hạm đội của nước này cũng đang phát triển nhanh chóng và ý định của họ dường như lớn hơn những gì có trong các tuyên bố chính thức từ Bắc Kinh.

Nếu thống lĩnh các vùng biển xa là mục tiêu của Trung Quốc thì đợi tới khi “gạo đã thành cơm” mới hành động không phải là một lựa chọn để theo đuổi đảm bảo hòa bình.

Trung Quốc đang thực hiện cách tiếp cận đa thành phần tích hợp để mở rộng ảnh hưởng ở mọi châu lục. Nước này cũng thiết lập các liên kết kinh tế với các quốc gia trên toàn thế giới và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đang vươn rộng trên cả lục địa lẫn trên biển.

Truyền thông, các công ty thương mại, giới ngoại giao và quân sự đều góp sức vào chiến lược quốc gia của Bắc Kinh. Theo cựu chỉ huy hải quân Mỹ, đối phó chiến lược của Trung Quốc đòi hỏi một giải pháp toàn diện tương tự, hài hòa giữa ngoại giao, kinh tế và quân sự.

Đô đốc Mỹ: Trung Quốc quan tâm quá mức đến tuần tra Biển Đông

Lãnh đạo hải quân Mỹ nói hoạt động tuần tra hàng hải của nước này trong khu vực không có sự gia tăng đột biến, không leo thang khiêu khích và Trung Quốc đang quan tâm quá mức.

Mỹ - Việt Nam 'đang làm việc về chuyến thăm thứ hai của tàu sân bay'

Tư lệnh hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson nhấn mạnh Mỹ đánh giá cao quan hệ đối tác với Việt Nam và vai trò của ASEAN đối với hòa bình và ổn định tại khu vực.

Thu Hằng

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm