Thiên Sơn được biết đến nhiều như là một cây bút tiểu thuyết với những tác phẩm có trường độ lớn. Truyện ngắn cũng là một niềm yêu thích đặc biệt của anh.
Thường mỗi truyện ngắn của anh hướng đến một tứ riêng làm bừng tỉnh sự thức nhận và gợi suy ngẫm của người đọc.
Sách Cây mạ ly huyền bí. Ảnh: Vũ Yến. |
Lần theo từng trang sách, người đọc sẽ gặp những ấn tượng thật đáng nhớ. Năm tháng nhớ thương hướng về miền ký ức trong trẻo của nhân vật “tôi” với biết bao nghĩa tình đằm thắm thuở ngây thơ, những con người trên một miền đất thân thương gắn bó.
Tiếng đàn trong đêm trăng là câu chuyện một người con gái đã giết chết người tình của mình vì người đó hủy hoại vẻ đẹp thuần khiết của tình yêu. Ở viện hàn lâm nghệ thuật nói về sự lên ngôi phi lý của đồng tiền đang chà đạp lý tưởng nghệ thuật và cái đẹp.
Những khuôn mặt khái quát hiện tượng phi lý khi người cha cố gắng phục dựng lại những nét đặc trưng của người Việt trong quá khứ, còn người con lại chấp nhận cuộc đại phẫu mang gương mặt của người khác chỉ vì tiền.
Con bệnh nói về đứa trẻ bị bỏ rơi trong thế giới hung bạo của công nghệ thời hiện đại.
Tác phẩm chủ đề của sách, Cây mạ ly huyền bí, nói về sự chiếm hữu tự do và lòng ích kỷ đã dẫn đến những hậu quả thảm khốc…
Mỗi câu chuyện là một niềm tâm sự, một cảnh đời hoặc một ý niệm đớn đau đã được hình tượng hóa. Toàn bộ các truyện ngắn ở đây hợp lại như một thế giới đa chiều, phong phú, gợi ngẫm suy.
Thiên Sơn coi truyện ngắn như một nơi thể nghiệm nghệ thuật, bộc lộ những dấu ấn sáng tạo và sự đột phá trong ý tưởng cũng như cách thức thể hiện.
Nhà văn Thiên Sơn. Ảnh: Y Nguyên. |
Chỉ 12 truyện ngắn được in trong tập này, nhưng đã cho thấy sự đa dạng trong lối viết. Có khi là lối kể chuyện truyền thống, trữ tình với ngôn ngữ thuần khiết như Năm tháng nhớ thương, Tình yêu còn lại; có khi đậm đặc tính ẩn dụ, gợi mở những suy tư không dứt Những khuôn mặt, Cây mạ Ly huyền bí; có khi dữ dội và kìm nén đầy bất ngờ đến kinh ngạc như Gió đêm, Tiếng đàn trong đêm trăng; ảo diệu như Trăng vỡ; hiện thực nghiệt ngã như Ở viện hàn lâm nghệ thuật, Lão Hành, Con bệnh; Lệ…
Thiên Sơn chủ trương đứng ngoài mọi chủ nghĩa, mọi khuôn thức mà với mỗi truyện ngắn, tùy vào đề tài và mục tiêu cụ thể sẽ sử dụng lối viết khác nhau.
Tập truyện này vì thế mang những màu sắc thẩm mỹ phong phú, bút pháp linh hoạt. Nếu bạn đọc toàn bộ cuốn sách sẽ cảm nhận được những biểu hiện đa dạng cả về tư tưởng và nghệ thuật mà tác giả mong muốn mang lại. Nó vượt xa khỏi những khuôn thước xơ cứng, nó gợi những miền tâm tư và cảm thức sâu lắng.
Cái khó của một tập truyện ngắn là vượt qua sự đơn điệu và nghèo nàn của bút pháp và tư tưởng. Thiên Sơn không chỉ hướng đến sự đa dạng mà còn chú trọng đến mối tương liên trong mạch cảm xúc để tạo nên sự cộng hưởng của các thiên truyện.
Và, điều đáng nói trong tập truyện này còn ở chỗ, hầu như trong phần lớn tác phẩm ở đây đều có khả năng làm bừng lóe trong người đọc những cảm xúc mạnh mẽ hoặc làm bung vỡ những cách nhìn, cách quan niệm cũ.
Hay nói cách khác, khi mỗi truyện ngắn khép lại, thì một hành trình cảm xúc và suy tưởng mới thực sự bắt đầu. Mỗi truyện thường có một “hộp đen” bí ẩn, đòi hỏi sự giải mã không ngừng.