Tinh tinh phát ra tiếng huýt và tiếng rống khi di chuyển nhưng chỉ những con đực mới tạo tiếng trống làm tín hiêu liên lạc. Ảnh: Katie Slocombe |
Khi nghiên cứu cộng đồng vượn Sonso trong rừng Budongo ở Uganda, các nhà sinh học tại Đại học York, Mỹ phát hiện tinh tinh đực tạo ra tiếng trống để truyền tin. Chúng tạo tiếng trống bằng cách đá chân vào rễ cây. Âm thanh có thể truyền lan xa tới hơn 1 km, ngay cả trong các khu rừng nhiệt đới rậm rạp. Các chuyên gia phát hiện tiếng trống có nhịp điệu đặc biệt, trở thành dấu hiệu đặc trưng của mỗi cá thể. Mỗi con đực tạo ra số tiếng khác nhau, sử dụng nhịp đôi và ngắt nhịp để những con khác phân biệt.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy tinh tinh có xu hướng sử dụng tiếng trống thường xuyên hơn khi cả nhóm di chuyển, Science đưa tin.
Tiến sĩ Katie Slocombe, nhà tâm lý học tại Đại học York, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết bà có thể phân biệt các con tinh tinh bằng tiếng động do chúng tạo ra. Bà tin những phát hiện của nhóm sẽ là manh mối quan trọng để tìm hiểu nguồn gốc âm nhạc của loài người.
“Tiếng trống là một tín hiệu liên lạc lý tưởng. Nó giúp đàn xác định vị trí của các cá thể và phối hợp nhịp nhàng với nhau khi di chuyển. Thực tế này chứng tỏ con người không phải loài duy nhất biết sử dụng nhịp điệu. Khi di chuyển trên các vùng rộng lớn và rậm rạp, tinh tinh có thể sử dụng tiếng huýt và tiếng rống để truyền tin nhưng chỉ những con đực đánh vào cây để tạo tiếng trống. Vì thế, chúng tôi đoán nó còn là một cách thể hiện sự thống trị của tinh tinh đực”, Katie nói.
Sau khi phân tích 293 tiếng huýt và tiếng trống của 13 con đực, nhóm nghiên cứu phát hiện các con đực già, giàu kinh nghiệm tạo nhiều tiếng trống hơn các thành viên khác. Ngoài ra, hoạt động của bầy cũng ảnh hưởng đến tần suất tạo tiếng trống. Ví dụ, khi di chuyển, nó chiếm khoảng 75% số tín hiệu nhưng chỉ chiếm 40% khi cả đàn nghỉ và 10% khi chúng ăn.
Dựa vào số liệu, các nhà khoa học suy đoán tinh tinh tạo tiếng trống để cả đàn phối hợp chuyển động và điều chỉnh khoảng cách giữa các cá thể trong đàn.