Với “Vợ người ta”, Phan Mạnh Quỳnh bị cho là “không có đóng góp gì cho đời sống âm nhạc”. Nhưng 4 năm sau, chàng trai xứ Nghệ đã có bước tiến dài và đang ở một vị trí rất khác.
Phan Mạnh Quỳnh, 30 tuổi, mới đây được xướng tên “Nhạc sĩ của năm” ở giải Cống hiến 2020. Chiến thắng của nam singer/songwriter được đánh giá là thuyết phục, giữa các đề khác như: Nguyễn Văn Chung, Vũ Cát Tường, Thắng (Ngọt) và Nguyễn Vĩnh Tiến.
Nhưng cũng ở giải thưởng âm nhạc này, 4 năm trước, khi báo giới đặt thắc mắc về lý do Vợ người ta dù cán mốc trăm triệu view nhưng vắng mặt trong danh sách đề cử, đại diện ban tổ chức thẳng thắn nhận xét sáng tác của Phan Mạnh Quỳnh “không có đóng góp thiết thực cho sự phong phú, phát triển của đời sống âm nhạc Việt Nam”.
Phan Mạnh Quỳnh đang là một trong những gương mặt singer/songwriter nổi bật trên thị trường. Ảnh: Bá Ngọc. |
Người bị… ngó lơ
Thực ra, không phải đến khi Vợ người ta “làm mưa làm gió” trên thị trường, Phan Mạnh Quỳnh mới được khán giả biết đến. Anh thực tế đã được để mắt từ những năm 2013 khi tham gia Bài hát Việt, và ở một chừng mực nào đó cũng là một gương mặt lạ.
Từ những ngày đầu xuất hiện, Phan Mạnh Quỳnh đã sở hữu một âm sắc rất riêng. Anh mang dáng dấp của một “trai quê” làm nhạc, không có những bảnh bao, hào nhoáng bên ngoài nhưng cho thấy một tinh thần bền bỉ và hơn cả là thái độ cầu thị với nghề.
Nhưng những “tính chất” ấy không đủ giúp chàng trai xứ Nghệ trở thành gương mặt nổi bật. Dù được cho là sáng tác khỏe, tác giả của nhiều ca khúc hit được bán cho giới ca sĩ, gia tài của Phan Mạnh Quỳnh thời điểm đó vẫn nhanh chóng bị vùi lấp giữa cuộc đua tranh của thị trường.
Màu ballad truyền thống, những câu chuyện tình yêu đau khổ, chia tay, tiếc nuối không mang đến những giá trị khác biệt.
Phan Mạnh Quỳnh chỉ thực sự nổi tiếng khi Vợ người ta trở thành một ca khúc quốc dân, vang khắp đầu làng ngõ xóm, trong mọi ngóc ngách của thành thị, nông thôn. Ca khúc với những diễn tả hài hước về việc người yêu cũ đi lấy chồng đã đưa Phan Mạnh Quỳnh trở thành một hiện tượng.
Song, hiện tượng ấy bị giới chuyên môn ngó lơ. Nói về Vợ người ta, đại diện giải Cống hiến cho rằng “không phải cứ bài hát nào được nghe nhiều đã có giá trị nghệ thuật”. Trong khi, nhiều ý kiến khác cũng nhận định ca khúc hời hợt, xập xình, thậm chí - nặng lời hơn - "rẻ tiền", "nhạc chợ".
Giữa những tung hô về lượt xem/nghe và cả những chỉ trích về chất lượng âm nhạc, Phan Mạnh Quỳnh chọn cách thi Sing My Song 2016. Không trở thành người thắng cuộc nhưng cuộc thi dành riêng cho mô hình singer/songwriter này đã giúp công chúng, truyền thông và cả giới chuyên môn nhận diện khác về Quỳnh.
Với Con tim tan vỡ, Hồi ức, Có chàng trai viết lên cây, chàng trai Nghệ An cho thấy một chân dung âm nhạc hoàn toàn khác. Trái ngược với những định kiến viết nhạc hời hợt trước đó, loạt ca khúc trong Sing My Song là một Phan Mạnh Quỳnh thấm thía, sâu sắc trong một chất giọng phát huy tối đa những mộc mạc, dung dị, tự nhiên nhưng cũng đầy ắp tiết tấu.
Từ ấy, Phan Mạnh Quỳnh có một bước tiến dài.
Sing My Song được đánh giá là cột mốc trong con đường âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh. |
Bước tiến của Phan Mạnh Quỳnh
Người chiến thắng Sing My Song năm ấy là Cao Bá Hưng, hậu duệ 7 đời của nhà thơ nổi tiếng Cao Bá Quát. Nhưng sau 4 năm, chính quán quân sinh năm 1998 cũng phải thành thật rằng singer/songwriter thành công nhất của cuộc thi là Phan Mạnh Quỳnh.
Với Phan Mạnh Quỳnh, Sing My Song đúng nghĩa là một bệ phóng. Game show này không chỉ giúp anh xóa đi những định kiến từ giới chuyên môn mà còn giúp giọng ca Hồi ức bắt đầu được săn đón, “chọn mặt gửi vàng”.
Năm 2017, Phan Mạnh Quỳnh là tác giả của một số ca khúc được yêu thích trong album Tâm 9 của Mỹ Tâm là Chuyện buồn và Anh chưa từng biết.
Trong album của "họa mi tóc nâu", hai sáng tác này cũng có nhiều khác biệt về tiết tấu. Bản thân Mỹ Tâm trong âm nhạc Phan Mạnh Quỳnh cũng có những xử lý rất mới, khác hẳn cách hát truyền thống của cô. Hai ca khúc đã góp phần không nhỏ vào thành công vang dội của Tâm 9 cách đây gần 3 năm.
Sau Tâm 9, Phan Mạnh Quỳnh có một cú bắt tay khác gây chú ý là hợp tác với Bùi Lan Hương trong phim Người bất tử của Victor Vũ. Ngoài ca khúc Hồi ức được sử dụng trong phim, Ngày chưa giông bão, do Phan Mạnh Quỳnh sáng tác và Bùi Lan Hương thể hiện trở thành một trong những ca khúc nhạc phim thành công nhất năm 2018.
Ngoài viết nhạc phim, cuối 2018, Phan Mạnh Quỳnh đặc biệt thành công khi ra mắt MV Huyền thoại. Thành phẩm thể hiện những biến báo tài hoa của giọng ca sinh năm 1990. Đến nay, đây vẫn được coi là ca khúc đẳng cấp nhất của anh.
Nhờ vận dụng ý tứ của thơ ca, Huyền thoại của Phan Mạnh Quỳnh trở thành ca khúc đầy hình ảnh. Trong đó, ám ảnh nhất có lẽ là câu hát “Và vầng trăng đi theo ta từ khi ấy buông tơ thành mắt môi nàng, cho đêm cô quạnh ôm lấy thi nhân thổn thức và bẽ bàng”. Câu hát của người quan sát, câu hát của người hậu thế, nhưng cũng như một sự nhập vai xuất sắc của Phan Mạnh Quỳnh trong việc nói lên tiếng lòng của cố thi nhân.
Từ thành công của Huyền thoại, Phan Mạnh Quỳnh tiếp tục có bước tiến dài trong năm 2019 với loạt ca khúc trong phim Mắt biếc của Victor Vũ, bao gồm Có chàng trai viết lên cây, Tôi chỉ muốn nói, Từ đó, Hà Lan.
Ngoài ra, anh còn là tác giả những ca khúc trong live show Truyện ngắn của Hà Anh Tuấn.
Đặc biệt, trong năm vừa qua, Nước ngoài - một khúc ca đẫm lệ về phận đời của những người Việt lao động xa xứ - cũng đã lấy đi nước mắt của không ít khán giả. Dù đã được sáng tác cách đây vài năm, Nước ngoài một lần nữa chạm vào tình cảnh của nhiều gia đình Việt, trở thành nỗi xót xa, đồng cảm không gì có thể diễn tả.
Nước ngoài, về mặt âm nhạc, cũng khẳng định một Phan Mạnh Quỳnh rất khác số đông nhạc sĩ trẻ hiện nay, đó là không thờ ơ trước thời cuộc. Nói như đạo diễn Cao Trung Hiếu: “Phan Mạnh Quỳnh đã sáng tác như rút ruột gan”.
Phan Mạnh Quỳnh ghi dấu với pop-ballad, đôi khi có pha với màu của soul. |
Điều làm nên sự khác biệt?
Có một điểm rất dễ nhận ra ở Phan Mạnh Quỳnh là anh có thể vừa sáng tác vừa thể hiện. Anh cũng có một chất giọng rất riêng với những nguyên âm còn mang tính địa phương nhưng lại rất phù hợp với những tiết tấu tự mình sáng tạo.
Nhiều ca khúc của Phan Mạnh Quỳnh mới nghe cảm giác rất khó tiếp nhận, điển hình như Nhạt hay mới đây nhất là Cuộc gọi. Nhưng như nhiều khán giả đồng tình, đó đều là những ca khúc càng nghe càng thấy thấm.
Trong những ca khúc do chính mình thể hiện, Phan Mạnh Quỳnh giữ cách hát không tuân theo những ngắt nghỉ, nhịp điệu thông thường. Nhiều câu hát của anh thậm chí rất dài, lặp từ, ngắt không đúng cấu trúc câu nhưng vẫn tạo ra những hợp lý và bản sắc riêng.
Phan Mạnh Quỳnh cũng là người biến báo trong nhiều màu sắc âm nhạc. Anh đặc biệt có thế mạnh với pop nhưng kiểu pop của Phan Mạnh Quỳnh khác hẳn với màu pop-ballad truyền thống. Trong nhiều ca khúc, anh đã pha pop với soul tạo nên những chiều sâu tự sự, mênh mang, hoang hoải.
Nói với Zing về chặng đường của Phan Mạnh Quỳnh, Bùi Lan Hương cho rằng đồng nghiệp là người đã có những thay đổi trong đường hướng âm nhạc.
“Anh Quỳnh đã xóa đi ‘mác’ viết nhạc thị trường. Anh ấy đã làm sản phẩm mang tính chất nghệ thuật hơn, trau chuốt hơn. Tôi hết sức ủng hộ”, nữ ca sĩ bày tỏ.
Bùi Lan Hương cũng nhận định Phan Mạnh Quỳnh có biệt tài trong việc hiểu cộng sự. Ví như, Ngày chưa giông bão vốn được viết theo dòng pop-ballad. Nhưng sau đó, ca khúc được điều chuyển sang hướng dream-pop để phù hợp với phong cách Bùi Lan Hương.
Đây cũng là quan điểm của đạo diễn Cao Trung Hiếu, người đứng sau thành công live show Truyện ngắn của Hà Anh Tuấn, trong một bài phỏng vấn với Zing. Nam đạo diễn cho biết trong dự án này, Phan Mạnh Quỳnh đã sáng tác "đo ni đóng giày" cho Hà Anh Tuấn.
“Cậu ấy làm hơn cả chữ "tốt", anh nói.
Cao Trung Hiếu cũng đánh giá Phan Mạnh Quỳnh là của hiếm trong thế hệ âm nhạc hôm nay.
“Ở cậu ấy, chúng ta nhận ra bản sắc đậm nét khó lẫn cả về chất liệu âm nhạc và giọng hát. Trong thời đại bùng nổ ‘media’ và ‘content’, chẳng phải tính bản sắc ấy sẽ quyết định tính sống còn của một tư duy sáng tạo hay sao? Hơn hết, nhạc và ca từ của Quỳnh thật sự hay", nam đạo diễn khẳng định.