Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải mã những đồn thổi dị đoan của cây cầu nơi đất thiêng

Không phải cây cầu có quy mô lớn, nhưng Hoàng Long lại được xây dựng trên một địa thế đặc biệt cả về thổ nhưỡng, sông ngòi lẫn các yếu tố văn hóa, tâm linh và lịch sử.


Cầu Hàm Rồng và Hoàng Long chạy song song cách nhau 500m.

Nan giải vì… chạm núi Rồng

Quá trình xây dựng cầu Hoàng Long đã xảy ra nhiều tranh luận, thậm chí nhiều quan điểm đối nghịch nhau về hướng tuyến và cả những lời đồn thổi dị đoan.  

Núi Rồng còn có tên là núi Đông Sơn, với 99 ngọn núi quây quần bên nhau và một hòn núi đứng riêng gọi là núi Ngọc (hay núi Nít). Ngoài ra, còn có các dãy núi đơn lẻ như: Bằng Trình, Đại Khánh (Đại Khánh là khúc đuôi con Rồng bị chém văng ra). Tùy theo hình thức và sự tích trong dãy núi Rồng mỗi ngọn núi đều mang tên riêng. Ngọn đầu Rồng có hình tượng Rồng nên thường gọi là núi Hàm Rồng (tên chữ Hán là Long Hạm).

Đứng trên đỉnh núi Rồng cao hơn 100m có thể nhìn ra “bốn phương tám hướng”. Đứng ở đây có thể cảm nhận như sông núi làng quê đâu đâu cũng chầu về nơi “rồng thiêng ngự trị”. Phía Nam và Tây Nam cũng toàn những ngọn núi nổi tiếng như: Nhồi, Long, Hổ, Ngọc Nữ, Kim Đồng...

Cầu Hoàng Long được khởi công xây dựng vào năm 1997. Đến tháng 6/2000, cầu được hoàn thành, đưa vào khai thác, thay thế cầu Hàm Rồng lịch sử, trong niềm vui của không chỉ người dân Thanh Hóa mà với đồng bào cả nước. Từ đây, tuyến huyết mạch quốc lộ 1 đã không còn phải chịu cảnh nút thắt cổ chai khi đến cầu Hàm Rồng và khi đi qua đây, mọi người vẫn được chiêm ngưỡng một cây cầu nổi tiếng trong lịch sử và thưởng ngoạn cảnh quan linh thiêng và tuyệt sắc tại nơi Rồng, Phượng chầu ngọc.

Đặc biệt núi Long và núi Hổ, đầu thế kỷ XIX được các nhà phong thủy học chọn làm “bình phong” cho toà thành tỉnh Thanh Hóa mang cái tên đầy ý nghĩa là “Hạc Thành”. Hạc Thành cuối thế kỷ trước là nguồn cảm hứng vô tận của nhiều thi nhân.

Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông và nhiều văn nhân khác đã có thơ lưu lại trên động Long Quang trên núi Hàm Rồng. Trên động này có hai cửa nhìn sang hai bên được ví như mắt rồng nên được gọi là Long nhãn.

Không chỉ nổi tiếng vì được xây tại một địa thế đặc biệt như thế, cầu Hàm Rồng còn được coi là một tượng đài chiến thắng của mặt trận giao thông vận tải trên con đường chi viện của miền Bắc cho miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Cầu Hàm Rồng là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa ta và địch để bảo vệ huyết mạch giao thông.

Năm 1965, chỉ trong hai ngày ta đã bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ. Chiếc máy bay thứ 2.000 của quân Mỹ rơi trên miền Bắc do chính quân dân Hàm Rồng bắn vào ngày 5/6/1967. Sau nhiều lần đánh phá không thành công, đến năm 1972, không lực Mỹ phải dùng đến bom laze mới đánh sập được cầu. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, cây cầu chiến lược này lại được khôi phục.

Kỹ sư Lê Văn Chiến khi ấy được Ban quản lý các dự án 18, nay là Ban quản lý dự án 2 (PMU2) giao làm Giám đốc dự án cầu Hoàng Long kể lại: “Khi bắt đầu lập dự án, tư vấn thiết kế, đề xuất phương án bắc cầu về phía thượng lưu cầu Hàm Rồng. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thì nhận thấy nếu làm cây cầu này sẽ xảy ra rất nhiều hệ lụy.

Cầu xây tại vị trí này sẽ phá vỡ toàn bộ cảnh quan của khu vực núi Ngọc và Hàm Rồng. Một đầu cầu sẽ bắt vào núi Ngọc, đầu kia (phía Bắc) chạm vào núi Rồng linh thiêng và chạy theo hai sườn núi để đi xuống. Hơn thế, nếu theo phương án này sẽ phải có giao cắt giữa đường dẫn với đường sắt chạy trên cầu nên bắt buộc phải làm hầm hoặc phải di chuyển đường sắt sang vị trí khác… Đây là điều hết sức nan giải”.

Trước thực tế này, đại diện chủ đầu tư đã đề xuất phương án xây cầu tại một vị trí hoàn toàn mới, cách cầu Hàm Rồng 500m về phía hạ lưu. Với phương án này ngoài việc loại bỏ những bất cập nêu trên còn tạo ra một quỹ đất cho Thanh Hóa để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Sau nhiều lần tranh luận nảy lửa, cuối cùng các bên cũng thống nhất được việc thay đổi vị trí hướng tuyến ban đầu.

Làm trụ cầu… trên đất sét

Khó khăn nhất khi xây cầu Hoàng Long là quá trình thi công trụ cầu. Theo các kỹ sư của Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Sông Mã được coi là một trong những con sông chảy siết nhất trên dải đất hình chữ S. Không những thế, địa chất dưới lòng sông cũng là một bí ẩn khó giải mã.

Ông Phan Quốc Hiếu, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, cho biết, ngày đó Tổng công ty đã cử nhiều đơn vị mạnh tham gia cầu Hoàng Long như Cầu 3, Cầu 7… Dù đã có những khảo sát về địa chất nhưng mãi sau này mới phát hiện ra ở đây có đến hai tầng đất sét cứng và xen giữa hai lớp đất sét ấy là lớp cát dày đến 15m. Về nguyên tắc, để làm móng trụ cầu thì phải vượt qua các lớp đất này để chạm tới lớp đá gốc mới bảo đảm được độ bền vững. Vì thế, sau khi khoan sâu xuống lòng sông 30m, các chuyên gia cầu mới phát hiện những đặc thù về thổ nhưỡng của lớp đất tại đây.

Khi xây xong cầu Hoàng Long, có nhiều vụ việc trùng hợp rất ngẫu nhiên. Chẳng hạn như nhiều người tham gia dự án hay lãnh đạo địa phương gặp phải bệnh tật, tai nạn hay một số người bị ảnh hưởng về đường công danh nên trong dư luận đã dấy lên những đồn thổi thiếu căn cứ về sự trừng phạt vì đã phạm vào long mạch. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với những người tham gia dự án này, người viết đều nhận được câu trả lời: “Đó chỉ là những trùng hợp ngẫu nhiên”.

Để vượt qua hai tầng đất sét cứng, những thợ cầu phải đóng cọc ván thép đơn và vòng vây kép giữa trong khi thông thường chỉ cần cho vòi xuống xói hút hết lớp đất cát trên bề mặt để lộ ra lớp móng. Rất may là khi ấy, 2 nhà thầu Sumitomo - Thăng Long đều có kinh nghiệm thi công các công trình cầu phức tạp.

Một cải tiến kỹ thuật rất quan trọng được các kỹ sư, công nhân áp dụng tại cầu Hoàng Long là sử dụng công nghệ bê tông dự ứng lực nhưng các nhịp cầu lần đầu tiên được đúc dài đến 3,1m trong khi thường chỉ đúc dài 2,5m. Để làm được việc này, tất cả các xe đúc khi đó đã được thiết kế to hơn và bố trí lại cốt thép dự ứng lực phù hợp với nhịp cầu mới. Bên cạnh đó, tất cả các yếu tố kỹ thuật khác cũng phải tính toán lại. Cũng chính vì cải tiến kỹ thuật này mà tiến độ thi công được đẩy nhanh lên rất nhiều vì số lần đúc nhịp ít đi.

Hóa giải những đồn thổi dị đoan

Trong những đồn đoán nhuốm màu tâm linh suốt những ngày thi công cầu có chuyện khi làm trụ, cứ mỗi lần đổ đất, đá, bê tông xuống bệ trụ là bấy nhiêu lần trôi đi sạch sẽ mà không ai hiểu lý do.

Đem câu chuyện này hỏi ông Lê Văn Chiến, ông chỉ cười rồi bảo: “Đúng là có chuyện ấy thật. Khi ấy cứ đổ đất, đá xuống trụ cầu mà mãi không thấy đầy. Đắp đất lên thì nó lại tụt xuống rồi trượt đi. Đắp cát lên bao nhiêu thì bị lún bấy nhiêu. Lúc đầu mọi người cũng hoang mang, không hiểu vì sao. Công trình phải dừng lại đến 6 tháng để nghiên cứu, tìm hiểu lý do. Và cuối cùng chúng tôi cũng phát hiện ra căn nguyên của nó”.

“Nguyên nhân của tình trạng trên là do trước đây, khu vực này là một thung lũng, lớp bùn dưới lòng sông quá dày nên cứ đổ thứ gì xuống đều bị nhão ra, trượt đi. Đất, đá, bê tông gặp phải bùn nên trượt ngầm hết sang hai bên mố cầu làm cho phần đất ở đây bị phồng lên do bị dồn đẩy từ dưới. Để xử lý tình trạng này, các chuyên gia đã phải cho móc hết lớp đất cũ lên, đầm lại rồi làm cho tầng đất cũ ép xuống để làm lớp móng vững chắc hơn.

Tiếp sau đó, để xử lý hai đầu mố cầu bị đùn phồng lên, phải làm các bệ phản áp ở đầu mố cầu phía Thanh Hóa. Các bệ phản áp này thực chất là một lớp bê tông cứng được đổ tại lớp mặt của móng cầu để chống lại áp lực từ lớp đất yếu phía dưới đẩy lên trên. Còn đối với đầu cầu phía Bắc, phải đóng cọc ván thép làm thành tường bao quanh mố, cao đến 9m”, ông Chiến kể.

http://giaothongvantai.com.vn/giao-thong-phat-trien/ha-tang/201401/ky-uc-ve-nhung-cay-cau-giai-ma-nhung-don-thoi-xay-cau-noi-dat-thieng-ham-rong-443379/

Theo Giao Thông

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm