Sao mai mới của bóng đá châu Âu trông có vẻ không được thoải mái trong bức ảnh được phóng viên Roberto Salomone chụp cho tờ New York Times.
Bối cảnh của bức ảnh ấy gần như hoàn hảo: Kvaratskhelia được “chỉ đạo” đứng tựa vào lan can bằng sắt trên sân thượng của Grand Hotel Parker, khách sạn cổ và sang trọng bậc nhất Naples. Phía dưới anh, thành phố như thể tràn ra biển; còn phía sau lưng, núi Vesuvius lấp ló trong sự bao phủ của những đám mây.
Song như đã nói, việc lựa chọn tư thế chụp ảnh khiến Kvaratskhelia bối rối. Anh dường như không thể quyết định nên làm gì với hai tay của mình: Nếu để quá sát người, anh dễ trông cứng nhắc, căng thẳng; còn nếu để chúng trượt đi quá xa, lại dễ bị nói là vụng về. Kvaratskhelia không thể tìm thấy một lựa chọn hợp lý và thoải mái.
Đó có lẽ là thời khắc hiếm hoi mà anh trở nên bối rối trong suốt nhiều tháng qua.
Kvaratskhelia bối rối trong bức ảnh chụp cho tờ New York Times. |
Trường hợp quái dị
Chính xác là trong khoảng 9 tháng vừa qua, thật khó để tìm thấy điều gì có thể khiến Kvaratskhelia mất cân bằng. Mọi thứ diễn ra thật tốt, suôn sẻ đến mức chính anh có lúc phải sửng sốt.
“Kể từ khi đến nơi này, tôi có cảm giác mình đang ở trong một cơn mơ”, Kvaratskhelia miêu tả.
Với các khán giả nói chung, đúng là đôi khi cũng có cảm giác ấy. Bởi lẽ ra, những quỹ đạo thăng tiến như của Kvaratskhelia không còn xảy ra nữa. Cái kiểu “thành công chỉ sau một đêm” trong bóng đá hiện đại, lẽ ra đã tuyệt chủng rồi.
Trong thời đại bùng nổ truyền thông, những cầu thủ được cho là ngôi sao hay vĩ nhân tiếp theo đã được chú ý từ khi còn tuổi teen hay thậm chí là trước đó nữa.
Chuyện những thần đồng bóng đá ngày nay có người đại diện từ khi mới 10 tuổi đã là bình thường. Họ có thể được chuyển nhượng lần đầu khi mới 12 tuổi hoặc có cả triệu lượt xem trên YouTube trước khi bước sang tuổi 14.
Những sao mai ấy sẽ được các CLB lớn nhất triệu tập từ rất lâu trước khi thổi nến sinh nhật 16 tuổi. Các huyền thoại sẽ diễu qua diễu lại trước mặt họ để động viên, còn các CLB đối thủ thì tìm đủ mọi cách để tranh giành tình cảm và chữ ký của họ một cách đầy sốt sắng.
Nói chung, loại tài năng kiệt xuất có thể thắp sáng một trong những giải đấu lớn của châu Âu thường xuyên được xác định và nuôi dưỡng trong khi nó còn đang nảy mầm.
Nhưng dù chỉ cách một tích tắc khác biệt, “thường xuyên” vẫn không tuyệt đối như “luôn luôn”: Kvaratskhelia chính là ngoại lệ thú vị nhất.
Theo quan điểm thông thường, người ta sẽ không gọi một cầu thủ đã 21 tuổi mà vẫn còn chơi cho Rubin Kazan, một CLB hạng trung ở một giải đấu vẫn được xem là hạng hai của châu Âu (giải VĐQG Nga) là tài năng kiệt xuất. Sẽ rất khó tin nếu đó là xuất phát điểm của một trong những cầu thủ tấn công thuộc tốp tinh hoa đầu thế giới.
Nhưng đó lại chính xác là những gì đã xảy ra.
Kvaratskhelia cập bến Napoli vào Hè 2022 với mức phí chuyển nhượng chỉ hơn 10 triệu euro. Anh gia nhập từ Dinamo Batumi, một CLB ở quê nhà Georgia. Đó là nơi anh tạm dung thân sau khi phải rời Rubin Kazan vì ảnh hưởng của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine.
Báo chí Italy tiết lộ, Napoli đã theo dõi kỹ càng Kvaratskhelia trong vòng hai năm. Để rồi chỉ trong vòng vài tháng, nước cờ mang lại hiệu quả không thể ngờ tới: Các CĐV ở đội bóng mới đã bắt đầu gọi anh với biệt danh mà có nằm mơ cũng không thể nghĩ tới, Kravadona.
Một công ty ở Georgia đã bắt đầu sắp xếp các tour du lịch đến Naples với địa điểm chính là sân nhà của Napoli. Họ muốn đảm bảo rằng mỗi khi Kvaratskhelia sải bước ra thảm cỏ Stadio Diego Armano Maradona, một góc nhỏ của cầu trường sẽ được phủ bởi cờ của Georgia và vài trăm đồng hương ở đó.
Người dân Georgia cổ vũ Kvaratskhelia trên khán đài sân Maradona. |
Vào dịp Giáng sinh năm ngoái, người đại diện của anh thường xuyên phải nói giảm nói tránh về việc Manchester City đang bận lục tung chiếc ví không đáy của mình để tìm ra "tờ" USD giá 100 triệu hoặc hơn thế nữa để thuyết phục Napoli nhả tay khỏi ngôi sao mới của mình.
Ngày 15/8/2022, Kvaratskhelia ra mắt Serie A với 1 bàn thắng và 1 đường kiến tạo trước đối thủ Hellas Verona. Đúng một tuần sau, ngày 21/8/2022, anh lập tiếp một cú đúp vào lưới Monza. Đó là khởi đầu như một giấc mơ mà cầu thủ trẻ này đề cập.
“Nhưng sau đó sớm thôi, tôi đã phải thu mình lại và nhắc nhở bản thân rằng đây chính là thực tế. Tôi cần phải tìm được sức mạnh nội tại để chợp lấy cơ hội, duy trì phong độ và tiếp tục phát triển”, Kvaratskhelia tự răn.
Chín tháng sau, Kvaratskhelia vẫn chưa sở hữu vẻ ngoài hào nhoáng của một ngôi sao đang lên. Tóc tai vẫn bù xù, không phải do cố ý mà rõ ràng là lơ đãng. Bộ râu của anh vẫn dày nhưng không được cắt tỉa kỹ càng; nó loang lổ, lởm chởm đến nỗi dẫn đến một biệt danh khác, Che Krava (phỏng theo tên của anh hùng du kích Che Guevara). Anh trông giống một nhà thơ tình hay một chàng sinh viên trẻ trung đi theo cách mạng.
Kvaratskhelia nói tiếng Anh ổn, đủ tốt để có thể giải thích chi tiết và hợp lý về những lợi ích của rượu vang Georgia. Thế nhưng trong buổi phỏng vấn quan trọng đầu tiên kể từ khi sang Serie A, anh viện nhờ một phiên dịch đồng hương để đảm bảo mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.
Kvaratskhelia giải thích rằng phiên dịch viên này là bạn của mẹ bạn gái anh, và là một người làm việc trong Quốc hội Georgia. “Cô ấy thường tiếp xúc với những người quan trọng”, anh nói, mộc mạc đến nỗi không tính đến rủi ro người khác nghĩ mình “ra vẻ”.
Sự chân phương ấy là lý do điển hình cho câu hỏi vì sao Kvaratskhelia có thể khoác lên địa vị mới một cách nhẹ nhàng như thế. Cũng như, anh không bị ngộp trước sức nặng của kỳ vọng dù nhanh chóng bị những áp lực ấy bủa vây.
“Tôi luôn nghĩ đến sự biết ơn. Tôi biết ơn mọi tình cảm và sự quan tâm mọi người dành cho mình. Tôi biết sự nguy hiểm của những lời khen ngợi, nhưng đó cũng là động lực và nguồn cảm hứng của tôi. Với trách nhiệm to lớn, tôi phải chứng minh trong mọi trận đấu bằng việc hiện thực hóa những lời mình hứa”, anh khẳng định.
"Vũ khí" của người nghệ sĩ
Cho đến thời điểm này, Kvaratskhelia chưa có vấn đề với nhiệm vụ ấy. Trong 22 trận đã qua ở mùa giải đầu tiên thi đấu ở Serie A, anh ghi 11 và kiến tạo 11 bàn. Bàn thắng gần nhất đến vào cuối tuần trước, khi anh như bị Maradona nhập, đi bóng vặn sườn một rừng cầu thủ đối phương trước khi sút cháy lưới và trượt cỏ ăn mừng đầy dũng mãnh.
Kvaratskhelia solo tuyệt hảo trong vòng vây của một rừng cầu thủ Atalanta. |
Đó là bàn thắng mở ra chiến quả 2-0, giúp Napoli nới rộng khoảng cách với đội nhì bảng Inter Milan lên tận 18 điểm. Đội bóng miền biển đang trên con đường thênh thang hướng đến danh hiệu Scudetto đầu tiên sau 33 năm. Phong độ rực rỡ một cách ổn định của Kvaratskhelia góp công rất lớn trên hành trình ấy.
Trong khi đó, màn trình diễn tại Champions League chứng minh Kvaratskhelia không chỉ hay ở mỗi Serie A. Đóng góp đầu tiên của anh ở đấu trường thượng thặng lục địa già là “hành” Trent Alexander-Arnold tới nơi tới chốn, thậm chí đẩy đàn anh vào một cuộc khủng hoảng tâm lý mà dường như, đến nay vẫn chưa dứt ra được.
Gần đây hơn, Kvaratskhelia tung một đường kiến tạo bằng gót phi thực tế trong chiến thắng của Napoli trước Eintracht Frankfurt ở lượt đi vòng 1/8.
Kỹ năng năng điêu luyện và đầy lãng tử đó đang dần trở thành thương hiệu của Kvaratskhelia, và có cảm giác như, tài sản lớn nhất của anh chính là trí tưởng tượng vẫn chưa được khai phá hết. “Sự tự do chính là chữ ký của tôi. Đó là điều tôi tự nhận ra ở bản thân. Tôi yêu những gì tôi làm. Khi chơi bóng, tôi như thể được giải thoát”, anh khẳng định.
Tuy vậy, đó không phải là điều mà Kvaratskhelia cho là gốc rễ thành công của mình. Trước khi gia nhập Napoli, anh đã điện thoại rất lâu với Luciano Spaletti, HLV đầy kinh nghiệm và khôn ngoan của CLB. Điều khác biệt với các chiến lược gia khác là Spaletti không chỉ cố thuyết phục mục tiêu chuyển nhượng đến với đội, mà còn sớm cảnh báo cho anh về bản chất nhiệm vụ của mình.
“Đó là một trò chuyện chất lượng”, Kvaratskhelia nhớ lại. Khi ấy HLV tương lai đã không hứa về việc để anh toàn quyền tự do thể hiện mình khi thi đấu. “Ông ấy nói về những gì tôi có thể giúp cho đội. Chúng tôi bàn rất nhiều về việc tập trung vào hỗ trợ phòng ngự, về việc trở thành một phần trong lối chơi tập thể và tầm quan trọng của tinh thần đồng đội. Tinh thần là điều thực sự quan trọng đối với ông ấy”.
Ngay từ khi còn đang thuyết phục, HLV Spatelli đã yêu cầu Kvaratskhelia phải cố gắng hòa nhập vào lối chơi chung của Napoli. |
Theo thói thường, đó không phải những điều dễ nghe với với một cầu thủ đầy năng khiếu như Kvaratskhelia. Một người sở hữu sự ngẫu hứng đáng tự hào trên sân cỏ như thế, hoàn toàn có thể khó chịu nếu biết mình “bị” giới thiệu với tư cách một thành phần trong ban nhạc, thay vì là nghệ sĩ độc tấu. Nhưng với góc nhìn của anh, đó lại là những lời có ý nghĩa hoàn hảo.
Một phần, Kvaratskhelia nhận ra cách tiếp cận của Spatelli có thể giúp anh hoàn thiện bộ kỹ năng. “Các HLV Italy rất nổi tiếng và tài năng. Họ biết cách giúp cầu thủ thể hiện khả năng một cách phù hợp nhất”, anh nhận định.
Nhưng phần còn lại và quan trọng nhất, là cách tiếp cận đó cũng phù hợp với cách Kvaratskhelia nhìn nhận về tài năng của mình. “Bạn chơi bóng bằng trái tim và niềm đam mê, nhưng bạn cũng chơi bằng lý trí. Đó là điều bạn cần ý thức được và cần khắc sâu hơn bất kỳ điều gì khác. Vì để rút tỉa được điều đó đó, bạn đã phải học từ rất nhiều buổi tập, trận đấu, từ những sai lầm đã mắc phải và kinh nghiệm của những người thầy đáng kính”.
Một người với lối tư duy đúng đắn như thế, hiển nhiên cũng sớm nhìn thấy những thử thách tiếp theo.
Kvaratskhelia thừa nhận đã phát hiện ra các đội khác - đặc biệt là ở Italy - bắt đầu kèm và phòng ngự trước anh theo cách khác đi. Tiền đạo này có thể không hành động như một ngôi sao, không cảm thấy mình như một ngôi sao nhưng chắc chắn là đã bắt đầu được đối xử như một ngôi sao.
Các đối thủ sẽ đối phó với Napoli bằng các phương án đẩy Kvaratskhelia ra khỏi vùng an toàn, hệt như cái cách phóng viên của New York Times khiến anh phải bối rối khi tựa lưng vào ban công của sân thượng Grand Hotel Parker.
Kvaratskhelia sẽ vượt qua những thử thách mới như thế nào? Cả thế giới bóng đá, chứ không riêng gì Serie A, sẽ háo hức theo dõi câu chuyện đó trong thời gian tới.
Mục Thể thao giới thiệu Soccernomics của hai tác giả Simon Kuper và Stefan Szymanski, cuốn sách phơi bày phần nào sự thật về nền công nghiệp bóng đá với đại diện tiêu biểu là những ông lớn như Real Madrid, Barcelona, Manchester United...