Từ đầu mùa giải đến giờ, Lionel Messi đã ghi tổng cộng 4 bàn thắng từ chấm đá phạt trực tiếp. Đây là con số nhiều hơn bất cứ đội bóng nào khác ở châu Âu (Squawka). Tiền vệ Ivan Rakitic khẳng định mỗi khi Leo chuẩn bị thực hiện một quả đá phạt trực tiếp, anh và những người khác sẵn sàng ăn mừng.
Tuy nhiên, khi bắt đầu sự nghiệp, Messi chưa bao giờ nổi tiếng với khả năng sút phạt. Sự rèn luyện chăm chỉ cùng với đôi chân thiên bẩm giúp Messi có khả năng thực hiện các tình huống cố định một cách "chết chóc" như bây giờ.
Messi và cú sút phạt vào lưới Liverpool ở bán kết Champions League 2018/19. Ảnh: Getty. |
Sự tiến bộ của Messi
Hơn một thập niên trước, Messi hiếm khi bước lên chấm đá phạt trực tiếp. Nhìn vào biểu đồ số bàn thắng từ đá phạt trực tiếp của Messi từ mùa 2008/09 (tính đến tháng 11/2019), chúng ta có thể thấy sự tiến bộ vượt bậc trong nhiều mùa giải trở lại đây.
Mùa 2008/09, Messi chỉ ghi được 1 bàn từ chấm đá phạt trực tiếp. Đến mùa 2015/16, Messi đã ghi tới 9 bàn từ các tình huống cố định (không tính các quả 11 m). Trong 4 mùa giải gần nhất, Messi ghi trung bình 7,25 bàn/mùa từ các pha bóng cố định.
Mùa này, Messi đã ghi được 4 bàn. Theo Barca Universal, trong 8 năm qua, Messi đã ghi bàn từ chấm đá phạt nhiều hơn bất cứ CLB nào khác trên thế giới. Khả năng ghi bàn từ sút phạt của Messi không chỉ vượt trội các đồng nghiệp, mà còn bỏ xa các CLB khác.
Anh ghi được 22 bàn từ chấm đá phạt trực tiếp, nhiều hơn CLB xếp sau là Juventus với chỉ 15 bàn.
Đồ họa thể hiện số bàn thắng (Goals) từ sút phạt của Messi từ mùa 2008/09 đến 2018/19. Ảnh: Barca Universal. |
Bí quyết từ Maradona
Trong cuốn tự truyện của mình, Fernando Signorini - người từng giữ là HLV thể lực của tuyển Argentina tại World Cup 2010 - tiết lộ sự dìu dắt của Diego Maradona là một phần giúp Messi tiến bộ trong khả năng sút phạt.
"Tháng 2/2009, vài tháng sau khi Maradona trở thành HLV trưởng ĐTQG, chúng tôi chơi một trận giao hữu với đội bóng địa phương ở Marseille", Signorini viết. "Javier Mascherano, Carlos Tevez và Messi là những người được giao nhiệm vụ đá phạt và họ phải tập luyện. Messi đá vọt xà một quả nên cảm thấy xấu hổ. Anh ấy định đi nhanh vào phòng thay đồ để né tránh".
Signorini sau đó kể lại với Maradona và "Cậu bé vàng" của bóng đá Argentina ngay lập tức thị phạm cho học trò. "Đừng quá nôn nóng khi sút. Vung chân chậm thôi bởi trái bóng sẽ không nghe lời nếu cậu vội vàng đâu", Maradona nói. "Hãy tính toán mọi thứ như cự ly, sức gió, khoảng cách với hàng rào, khoảng cách đến mục tiêu rồi đưa ra lực sút hợp lý'.
Maradona sau đó làm mẫu, thực hiện một quả đá phạt đưa bóng bay thẳng vào góc chữ A khung thành. Kể từ đấy, Messi ngày nào cũng tập luyện đá phạt cho dù thi đấu ở tuyển Argentina hay Barca.
Khi sút phạt, chân Messi luôn tạo thành góc 50 độ. Cầu thủ của Barca đặt gần như toàn bộ phần bàn chân của mình trên mặt đất trong thời gian thực hiện cú sút. Anh không nhón gót hay tập trung vào phần mũi chân như phong cách của Cristiano Ronaldo và nhiều cầu thủ khác. Điều này giúp Messi có sự ổn định, cân bằng và kiểm soát lực sút tốt nhất.
Để cải thiện độ chính xác, ngôn ngữ cơ thể của Messi cũng phải điều chỉnh theo như vai và ngực đều cong khi thực hiện cú sút xoáy dựa phần lớn vào phần lòng trong chân trái.
Trong bài phân tích trên Sports, các nhà nghiên cứu từ Đại học Barcelona nhận định Messi đã sử dụng Hiệu ứng Magnus (Magnus Effect) để tạo ra những cú sút phạt với độ cong hoàn hảo trong bóng đá.
Hiệu ứng Magnus được đặt tên dựa trên tên của nhà vật lý người Đức Gustav Magnus. Khi một cầu thủ thực hiện cú sút tạo ra quỹ đạo xoáy của quả bóng, sự không cân bằng và chênh lệch về áp suất tĩnh tạo ra một lực tác động lên trái bóng, khiến nó bị sang một bên và bay theo quỹ đạo parabol.
Tất nhiên lý thuyết chỉ là lý thuyết, và để thực hiện thành công thường xuyên các quả phạt đưa bóng đi xoáy với độ cong hoàn hảo, cầu thủ phải có đôi chân thiên tài cùng sự tập luyện chăm chỉ.
Rất nhiều người chơi bóng đá nghiệp dư có thể thực hiện một cú sút phạt xoáy theo Hiệu ứng Magnus. Tuy nhiên, để có thể thành bàn theo một tần suất nhiều như Messi là không tưởng.
Một trong những bí quyết sút phạt của Messi là luôn đặt toàn bộ phần bàn chân của mình trên mặt sân trước, trong và sau khi thực hiện quả đá. Ảnh: Getty. |
Lật tẩy định kiến
ESPN từng bình luận phong cách đá phạt sử dụng lòng trong, đưa bóng đi xoáy của Messi không có gì mới mẻ. Điều làm nên sự đặc biệt của Messi là tần suất thành công ổn định. Và Leo làm điều đó nhờ bí quyết lớn nhất: Sự chăm chỉ.
"Sau mỗi buổi tập, tôi luôn ở lại và mất rất nhiều thời gian để luyện tập các quả sút phạt của mình", Messi nói trên Marca. "Đến cuối cùng, mọi thứ đều là thành quả của quá trình tập luyện".
Lucas Olaza, một chuyên gia sút phạt khác của La Liga thừa nhận "Messi là cầu thủ sút phạt hay nhất" mà anh từng chứng kiến.
Các con số đủ nói lên nhận định của ngôi sao đang chơi cho Celta Vigo. Messi đã ghi được 52 bàn thắng từ sút phạt trong sự nghiệp của mình. Anh còn kém huyền thoại Juninho 12 bàn. Cựu danh thủ người Brazil đã ghi 77 bàn trong 20 năm chơi chuyên nghiệp. Messi đã ghi 52 bàn sút phạt trong hơn 10 năm.
Javier Aguirre, HLV trưởng Leganes, từng bông đùa đội bóng của ông đã thử 20.000 cách để chặn các quả sút phạt của Messi nhưng không thể.
"Nếu Messi thực hiện 10 quả phạt, anh ta sẽ ghi 11 bàn", Aguirre nói. Với Messi, cách tốt nhất để ngăn anh không ghi bàn từ chấm đá phạt là đừng phạm lỗi. "Nhưng điều đó là bất khả, rồi anh ta sẽ lừa bóng qua bạn mà thôi", cựu HLV tuyển Nhật Bản kết luận.
Rất nhiều CĐV bóng đá trong nhiều năm qua mang một định kiến "Messi là món quà của tạo hóa, còn Ronaldo là sản phẩm của nỗ lực và tập luyện". Khả năng sút phạt thần sầu của Messi đã lật tẩy định kiến đó.