Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải mã cuộc chiến âm ỉ ở miền Nam Thái Lan

Nằm cách những khu du lịch nổi tiếng bậc nhất của Thái Lan chỉ vài giờ xe chạy là vùng đất được coi là tâm điểm của những cuộc xung đột âm ỉ, cướp đi mạng sống của hàng ngàn sinh mệnh.

Giải mã cuộc chiến âm ỉ ở miền Nam Thái Lan

Nằm cách những khu du lịch nổi tiếng bậc nhất của Thái Lan chỉ vài giờ xe chạy là vùng đất được coi là tâm điểm của những cuộc xung đột âm ỉ, cướp đi mạng sống của hàng ngàn sinh mệnh.

Nisea Nisani ngồi khoanh chân trên một chiếc chiếu nhựa trải bên ngoài khu vực chăm sóc đặc biệt của bệnh viện. Vợ anh nằm bên trong đang phải giành giật với tử thần để giữ gìn mạng sống. Cô là nạn nhân của một vụ nổ bom thảm khốc trong khu vực.

Hai mắt đẫm lệ, Nisea Nisani cho biết mảnh bom đã cắt đứt cả 2 chân, đâm xuyên qua lồng ngực vợ anh. Trong khi vợ đang giành giật mạng sống với tử thần trong bệnh viện, Nisani phải nuốt nước mắt về lo tang lễ cho cậu con trai duy nhất mới chỉ lên 9 tuổi. Không may mắn như mẹ, cậu bé tội nghiệp bị mảnh bom cướp đi mạng sống.

Khu vực xa xôi ở miền Nam Thái Lan luôn chìm trong bất ổn.

Gia đình Nisani gặp nạn trong vụ nổ bom hôm thứ 5 tuần trước tại thành phố Pattani ở miền Nam Thái Lan. Gia đình họ là những nạn nhân mới nhất trong cuộc xung đột giữa các phiến quân ly khai và Chính phủ. Âm ỉ suốt nhiều năm qua, giao tranh đang biến khu vực này thành “vùng chiến sự”, với những thương vong không nhỏ về người.

Các nhà chức trách cho biết, số nạn nhân thiệt mạng bởi các cuộc giao tranh trong khu vực đã lên tới con số 5.000 người kể từ khi bùng phát năm 2004. Đáng nói, tâm điểm của các cuộc xung đột chỉ diễn ra cách Krabi, khu nghỉ dưỡng thu hút số lượng lớn khách nước ngoài của Thái Lan, chỉ vài giờ xe chạy.

Sở dĩ, các cuộc xung đột bùng phát ở khu vực này bởi 90% dân số của 4 tỉnh Narathiwat, Pattani, Yala và Songkhla là người Hồi giáo Malay chứ không phải người theo đạo Phật. Ba trong số các tỉnh này từng là Vương quốc Hồi giáo độc lập Pattani nhưng nó được sáp nhập vào Thái Lan vào năm 1909.

Chính vì lẽ đó, các băng nhóm ly khai Hồi giáo nỗ lực gây ra các cuộc xung đột nhằm bảo vệ quyền hải quan, ngôn ngữ và tôn giáo. Mỏng về số lượng cũng như trang thiết bị nên phần lớn lực lượng ly khai sử dụng biện pháp tấn công ám sát và đánh bom nhằm vào quân đội và các quan chức Chính phủ.

Cùng với cảnh sát và binh sĩ, rất nhiều quan chức địa phương và giáo viên cũng trở thành nạn nhân của các hoạt động ly khai. Bên cạnh đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế ước tính, 2/3 nạn nhân của những vụ tấn công này là dân thường vô tội. Thậm chí, các vụ tấn công xảy ra thường xuyên tới mức, người dân địa phương chỉ dám nấp trong nhà khi nghe tiếng súng dù biết bên ngoài có người cần giúp đỡ.

Sapeing Sulong là cha của 8 người con. Ông cũng trợ lý của người đứng đầu ngôi làng yên bình Suannok, cách Pattani hơn 20 km. Trên đường lái xe về nhà hôm 16/3, ông bị một tay súng vũ trang một khẩu AK-47 và một khẩu súng lục nã đạn liên tiếp. Nhảy ra được khỏi xe và ẩn nấp vào những bụi cây ven đường, Sulong thoát khỏi sự truy sát của tay súng.

Tuy nhiên, vết thương quá nặng khiến người đàn ông bị bắn không thể di chuyển. Trong khi đó, dân làng sợ hãi không dám ra cứu dù biết có người bị bắn khiến tình trạng của Sulong trở nên nguy kịch. Các bác sĩ tại bệnh viện địa phương cho biết, họ có thể cứu sống được Sulong nếu như nạn nhân được đưa tới bệnh viện sớm hơn.

Dù gia đình từ chối đưa ra suy đoán về kẻ xả súng nhưng cảnh sát địa phương tin rằng, các tay súng ly khai là những kẻ chủ mưu tiến hành vụ tấn công. “Anh ấy làm việc cho Chính phủ. Thông thường, các quan chức Chính phủ luôn là mục tiêu tấn công”, một viên cảnh sát quen biết Sulong cho biết với điều kiện giấu tên.

Song song với các hoạt động trấn áp, các nhà chức trách Thái Lan cũng đang tiến hành đàm phán với các nhóm nổi dậy thông qua gặp gỡ tại các quốc gia trung gian. Tờ Independent dẫn nguồn tin khẳng định, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra vẫn đang tiến hành các cuộc gặp mặt không chính thức với đại diện của lực lượng đòi ly khai.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này thường rất ít đạt được hiệu quả. Trên thực tế, Chính phủ Thái Lan thường xuyên bị “phân tâm” bởi những bất ổn chính trị trong nước, khiến việc đàm phám với các tổ chức ly khai bị gián đoạn. Trong khi đó, nhận thức của lãnh đạo lực lượng ly khai ngày càng cao hơn, khiến việc đạt thỏa thuận với Chính phủ càng trở nên khó khăn.

Trịnh Duy

Theo Infonet

Trịnh Duy

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm