Kết quả của những thí nghiệm chụp cắt lớp bộ não cũng dẫn đến dự đoán về một trong những câu hỏi lâu đời nhất của cả nhân loại, mà cụ thể là của giấc ngủ: Những giấc mơ đến từ đâu?
Trước khi có ngành khoa học mới về giấc mơ, và trước cả khi có sự luận bàn không có hệ thống về chủ đề này của Freud, những giấc mơ đến từ mọi nguồn gốc. Người Ai Cập cổ đại tin rằng những giấc mơ được gửi xuống từ các vị thần trên cao.
Người Hy Lạp cũng có luận điểm tương tự, xem các giấc mơ như những cuộc thăm viếng từ các vị thần, cung cấp thông tin của thần thánh.
Tuy nhiên, Aristotle đã trở thành một ngoại lệ đáng chú ý trong lĩnh vực này.
[…]
Vẫn luôn điềm đạm như mọi khi, Aristotle đã gạt bỏ ý tưởng về những giấc mơ được gửi tới từ thiên đường và thay vào đó, ông đã chia tách một cách mạnh mẽ với niềm tin tự trải nghiệm nhiều hơn rằng nguồn gốc của những giấc mơ chính là từ những sự kiện trong lúc thức gần đây.
Nhưng thực ra chính Freud là người, mà theo quan điểm của tôi, đã đưa ra đóng góp khoa học đáng chú ý nhất cho lĩnh vực nghiên cứu giấc mơ, đóng góp mà theo tôi thấy khoa học thần kinh đương đại chưa có được sự công nhận đầy đủ đối với ông.
Trong cuốn sách có ảnh hưởng sâu rộng của ông mang tên Giải Mộng (năm 1899), Freud đã đặt giấc mơ ở vị trí không thể bác bỏ được là bên trong bộ não (nghĩa là, ở tâm trí, vì ông cho rằng không có sự khác biệt về mặt bản thể giữa hai cái này) của một người.
Ngày nay điều đó có vẻ hiển nhiên, thậm chí hết sức bình thường, nhưng tại thời điểm đó, điều này bị coi là hoàn toàn không được, đặc biệt ở thời kì quá khứ trước đây.
Freud đã có những giấc mơ được giành giật đơn phương độc mã khỏi quyền sở hữu của những chúng sinh nơi cõi trời, và khỏi cả vị trí không rõ ràng về mặt giải phẫu của linh hồn.
Khi làm như vậy, Freud đã làm cho giấc mơ trở thành một miền rõ ràng của những gì sẽ trở thành khoa học thần kinh - nghĩa là, địa hình của bộ não.
Đề xuất của ông rằng, những giấc mơ xuất hiện từ bộ não đã đúng và truyền cảm hứng, vì nó ngụ ý rằng câu trả lời chỉ có thể được tìm thấy bằng cách nghiên cứu thật kỹ có hệ thống về bộ não. Chúng ta phải cảm ơn Freud vì sự thay đổi có tính biến hóa này trong suy nghĩ.
Nhưng Freud đã đúng 50% và sai 100%. Mọi thứ nhanh chóng lao dốc ngay từ điểm này, vì học thuyết đó đã rơi vào vũng lầy không thể chứng minh được.
[…]
Các phương pháp chụp cắt lớp bộ não đã đưa ra những ý niệm mơ hồ đầu tiên về sự thật của cơ quan này trong tương lai gần đối với nguồn gốc của những giấc mơ.
Vì những vùng ký ức tự truyện của bộ não, bao gồm cả đồi hải mã, hoạt động rất tích cực trong suốt giấc ngủ REM (Rapid Eye Movement, giấc ngủ mắt chuyển động nhanh), nên chúng ta mong đợi việc ngủ mơ chứa đựng các yếu tố về trải nghiệm mới đây của một người và có thể đưa ra những manh mối về mặt ý nghĩa, nếu có, của giấc mơ, điều được Freud mô tả thật tao nhã là “dư lượng ngày”.
Đó là một dự đoán rõ ràng, có thể kiểm chứng mà trên thực tế, người bạn lâu năm cũng là đồng nghiệp của tôi, Robert Stickgold tại Đại học Harvard, đã lịch thiệp chứng minh rằng, hoàn toàn không đúng sự thật… cùng với lời cảnh báo quan trọng.
Stickgold đã tiến hành thử nghiệm có thể xác định được chừng mực những giấc mơ nào là sự phát lại chính xác về những trải nghiệm tự truyện khi thức gần đây của chúng ta.
Suốt 2 tuần liền, ông yêu cầu 29 người trưởng thành trẻ khỏe ghi lại nhật kí chi tiết các hoạt động ban ngày, các sự kiện họ tham gia (đi làm, gặp gỡ bạn bè, những món họ ăn, các môn thể thao họ đã chơi, v.v..). và cả những mối quan tâm về mặt cảm xúc hiện tại của họ. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu họ ghi nhật ký bất cứ giấc mơ gợi nhớ nào mà họ có khi thức dậy mỗi buổi sáng.
Sau đó, ông đã nhờ những giám khảo bên ngoài so sánh một cách có hệ thống các bản tường thuật hoạt động khi thức của người tham gia với các bản tường thuật giấc mơ của họ, tập trung vào mức độ tương đồng của những đặc điểm được xác định rõ, chẳng hạn như vị trí, hành động, đối tượng, nhân vật, chủ đề và cảm xúc.
Trong tổng số 299 bản tường thuật giấc mơ mà Stickgold thu thập được từ những người tham gia này qua suốt 14 ngày, ông đã tìm thấy sự phát lại rõ ràng các sự việc trong cuộc sống khi thức trước đó - dư lượng ngày - chỉ chiếm 1-2%.
Do đó, những giấc mơ không phải là sự phát lại toàn bộ cuộc sống khi thức của chúng ta. Chúng ta hoàn toàn không đơn giản chỉ tua lại video về trải nghiệm được ghi lại trong ngày và hồi tưởng nó vào ban đêm, rồi trình chiếu trên màn hình lớn vỏ não của mình.
Nếu có điều gì như “dư lượng ngày”, thì cũng chỉ là vài thứ còn sót lại của điều đó trong những giấc mơ vô vị của chúng ta.
Nhưng Stickgold đã tìm thấy một tín hiệu ban ngày mạnh mẽ và có tính dự đoán trong sự tĩnh lặng của những bản tường thuật giấc mơ đêm: đó là cảm xúc. Khoảng 35-55% các chủ đề và những mối quan tâm về mặt cảm xúc mà người tham gia đã có khi họ thức trong ngày được xuất hiện trở lại thật mạnh mẽ và rõ ràng trong những giấc mơ họ có vào ban đêm.
Những điểm tương đồng trở nên rõ ràng hẳn với chính những người tham gia, những người đã đưa ra các đánh giá tự tin giống như vậy khi được yêu cầu so sánh các bản tường thuật giữa giấc mơ và hoạt động lúc thức của mình.
Nếu có một sợi chỉ đỏ nối từ cuộc sống khi thức đến cuộc sống trong mơ của chúng ta, thì đó chính là những mối quan tâm về mặt cảm xúc.
Trái ngược với những giả định của Freud, Stickgold đã chỉ ra rằng không có bộ kiểm duyệt, không có khăn trùm và cũng không có sự ngụy trang nào hết. Nguồn gốc giấc mơ là minh bạch - đủ rõ ràng cho bất cứ ai muốn xác định và nhận ra mà không cần tới một thông dịch viên.