Không náo nhiệt như các MV Tết kinh điển, các nghệ sĩ chọn những khoảnh khắc rất “đời” để khơi dậy cảm xúc, từ đó giải mã ý nghĩa “Cái Tết giàu” - điều mà ai cũng trăn trở.
Ngay ngày đầu năm mới, Lương Bích Hữu ra mắt MV “Cái Tết giàu”, đánh dấu màn kết hợp đặc biệt cùng gia đình Đông Nhi - Ông Cao Thắng cùng ca sĩ, nhạc sĩ Bùi Công Nam. Để truyền tải trọn vẹn thông điệp, ê-kíp chọn xây dựng MV theo trình tự tuyến tính - điểm kết thúc mỗi câu chuyện là khởi đầu cho câu chuyện tiếp theo. Và mỗi mảnh ghép lại uyển chuyển “giải mã” một khía cạnh của cái giàu ngày Tết.
Trải qua năm 2022 với các biến cố khôn lường, chúng ta - bằng cách này hay cách khác - học được cách bước tiếp. Dẫu vậy, mất mát, khó khăn sau hai năm đại dịch Covid-19 vẫn len lỏi trong những mái ấm. “Cái Tết giàu” tái hiện rõ điều này khi nối liền khung cảnh chợ quê ngày cuối năm nhộn nhịp bằng góc máy tả thực hình ảnh người mẹ ngược xuôi, loay hoay trong những mưu cầu. Ước mơ của chị là con gái có cái Tết đủ đầy.
Vô tình đọc được dòng chữ nắn nót trong câu đối đỏ - “Chúc mẹ mạnh khỏe để có thời gian chơi với con” cùng lời chia sẻ xót xa của con gái trong cái ôm ấm áp, người mẹ xúc động khi nhận ra ý nghĩa thật sự của Tết giàu - dành thời gian nhiều hơn để cùng người thân yêu đón Tết, chuẩn bị cho năm mới. Dòng chữ trên câu đối còn nhắc nhớ người mẹ về niềm hoan hỉ, háo hức vẹn nguyên của một đứa trẻ khi Tết về.Tết của người lớn phức tạp, nhiều lo toan bao nhiêu thì dưới lăng kính con trẻ, Tết lại trong veo, ngọt ngào và ấm áp bấy nhiêu.
Khoảnh khắc đọc được “tâm sự” của con gái cũng là lúc nhân vật nhận ra giữa lúc quay cuồng mưu sinh để Tết thêm sung túc, có đôi lúc chị bỏ quên điều mà con gái thật sự khao khát - “giàu của con là gia đình mạnh khỏe, là ba với mẹ vẫn ở cạnh bên”. Đó cũng là lúc chị trút bỏ nỗi lo, gánh nặng trên vai để dành trọn thời gian bên người thân trong những ngày háo hức đón năm mới Tết đến.
Bắt nhịp từ thông điệp trên, MV dẫn lối để mọi người tìm thấy câu trả lời cho riêng mình về Tết giàu: Không phải tiền bạc hay chiếc áo mới đánh đổi bởi giọt mồ hôi và những đêm thức trắng, khao khát của người thân giản đơn như lời chúc sức khỏe, khoảnh khắc sum vầy. Ý nghĩa nhân văn đọng lại ở hình ảnh kết, với cặp câu đối đỏ do hai mẹ con chấp bút. Mỗi câu đối tương ứng với ý nghĩa thực sự của Tết giàu - gia đình mạnh khỏe và bình an.
Trong chúng ta, ai cũng có ký ức về Tết. Đó là những ngày cùng mẹ đi chợ mua con gà, chậu bông, củ kiệu, lá dong, gạo nếp, thịt heo… rồi chạy vội về nhà để quây quần gói bánh, chuẩn bị mâm cỗ cúng ông bà. Ký ức quý giá và đẹp đẽ này lần nữa được tái hiện trong “Cái Tết giàu”, với câu chuyện nhỏ về đại gia đình “tứ đại đồng đường”.
Khung cảnh kết của câu chuyện đầu tiên bắc cầu sang mảnh ghép thứ hai bằng hình ảnh em bé cùng mẹ và bà dạo chợ Tết. Trên tay là thịt gói bánh chưng, cô bé hào hứng trở về nhà để khoe với người thân. Cũng trong khung cảnh sum vầy ấy, gian thờ - tượng trưng cho truyền thống, nếp nhà và nét văn hóa tưởng nhớ tổ tiên - được trang hoàng lộng lẫy, trang nghiêm nhưng vẫn gần gũi. Cả gia đình nhẩn nha trà nước, chuyện xưa chuyện nay hay quây quần bên bàn cờ làm vài ván, người lớn hướng dẫn con trẻ về những trò dân gian.
Từng ánh mắt, tiếng nói cười, những trải nghiệm “quen đến không thể quen hơn” mở ra sợi dây kết nối để mọi người tìm về cội nguồn, nơi gia đình luôn hiện hữu. Cảm xúc lo lắng vì dịch bệnh, khủng hoảng... tan biến ngoài cửa, căn nhà luôn tươi thắm lá hoa và thơm mùi thức quà Tết.
Cũng chỉ ngày đầu năm, cả gia đình mới có dịp quây quần bên bếp lửa, canh nồi bánh chưng thơm nức mũi. Bánh chưng không hẳn nhắc nhớ đến đồ ăn, món ngon ngày Tết mà là câu chuyện lớn lao của truyền thống, văn hóa và yêu thương. Bởi ý nghĩa thiêng liêng của Tết và phong tục ẩn chứa trong hình ảnh nồi bánh tồn tại mãi trong tâm khảm mỗi người, bất chấp sự khắc nghiệt của thời đại hay những quan niệm mới.
Bên cạnh nghiên cứu về nét văn hóa truyền thống của Việt Nam, ê-kíp đồng thời nhấn nhá bằng chất liệu hiện đại, khéo léo lồng ghép hình ảnh những vật dụng “mới mà cũ” như chai nước rửa tay - “người bạn” chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình trong và sau hai năm đại dịch Covid-19. Như cách mà Bùi Công Nam giải mã - “chỉ cần cả nhà ta, có bố có mẹ có ông bà, có sức khỏe luôn sạch khuẩn vui cười, thì Tết năm nay giàu to”. Đây cũng là điểm khác biệt trong bức tranh đoàn viên Tết của những MV vốn xưa cũ.
Với người trẻ xa xứ mưu sinh, chỉ cần được sum vầy cùng gia đình là có Tết. Điều này được truyền tải đậm đà trong câu chuyện thứ 3 của MV “Cái Tết giàu”.
Khung cảnh đắt giá nhất trong câu chuyện là hình ảnh người con tay cầm bánh mì, quay cuồng trong áp lực kiếm tiền đặt bên khung hình người mẹ thầm lặng, nắn nót viết thư cho sếp của con để “mua” thêm ngày nghỉ phép. Kẹp trong lá đơn là tập tiền nhàu cũ buộc bằng dây chun được mẹ chắt chiu để đổi lại vài ngày bên con.
Trong lá đơn, những lời tâm sự xót xa của mẹ khi “2-3 năm nay, cứ đến 30 Tết cháu mới về tới nhà” hay “ráng gom thêm tiền lương, để rồi mệt mỏi cả mùa Tết” không khỏi khiến người xem chạnh lòng.
Với người mẹ trong câu chuyện, no đủ và giàu sang ba ngày Tết không gói gọn trong mâm cao cỗ đầy, tiền muôn bạc vạn mà đong đầy trong lời chúc mạnh khỏe, thời gian bên nhau. Đó cũng là lời khẩn cầu được người mẹ gửi gắm trong đoạn cuối lá đơn: “Tôi mong cô cho nó về sớm năm nay. Về sớm để gia đình tôi mạnh khỏe, hạnh phúc bên nhau là tôi vui lắm rồi”.
Chỉ những người bố, mẹ luôn ngóng đợi con về nhà dịp Tết mới thấm được rằng “Thêm một chút, hơn một chút đâu có thêm giàu, mà dành từng phút, nhiều một chút để ở bên nhau” mới là ý nghĩa thực sự của ngày Tết. Trên tất cả, MV đã nói lên hiện thực nhiều gai góc: Có lớp người đủ lớn để kiếm trời kiếm bể, nhưng chưa đủ lớn để hiểu lòng cha mẹ.
Điểm khéo léo của đạo diễn là mô tả “cảm giác sum vầy” - điều chúng ta luôn khao khát khi ở giữa nghịch cảnh, cũng là tình cảm không thể đánh đổi bởi tiền bạc hay giá trị vật chất. Mỗi người có cả năm để vẫy vùng với cuộc đời, lao vào công việc, nhưng chỉ có vài ngày để sum vầy bên gia đình. Đó là lý do người con lập tức “bứt khỏi” guồng quay công việc để trở về nhà - cội nguồn của nỗi nhớ và hạnh phúc. Chuyến hành trình ấy dẫu có nước mắt, cảm xúc ngọt đắng lẫn hòa thì đích đến vẫn là yêu thương vẹn tròn trong vòng tay cha mẹ.
“Đơn xin nghỉ Tết sớm” của nhân vật trong MV vốn là “chất liệu” được lấy từ đời thực, cụ thể là câu chuyện của anh G - từng được đăng tải và gây bão trên mạng xã hội. Từ câu chuyện đẹp đẽ ấy, đạo diễn đã ghi chép lại bằng hình ảnh để tạo nên những thước phim xúc động. Hơn hết, ý nghĩa tuyệt vời ẩn giấu trong nội dung lá đơn đã trở thành nguồn cảm hứng để nhãn hàng Lifebuoy triển khai chiến dịch “Tết giàu” xuân Quý Mão 2023 nhằm tái định nghĩa cái sang giàu ngày Tết.
Trong khuôn khổ chiến dịch, lá đơn đặc biệt này còn xuất hiện trên billboard tại ngã tư Võ Thị Sáu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) như cách Lifebuoy gửi lời nhắn đến những người con xa nhà: Tết giàu là được sum vầy bên nhau. Gia tài của mỗi người không nằm ở tiền bạc hay vật chất mà là cả nhà khoẻ mạnh bình an, cùng nhau đón Tết ấm áp. Bởi có gia đình, ta có sức khỏe, thì cái Tết giàu to.
Gợi mở dưới góc nhìn đa thế hệ, qua ba mảnh ghép, MV “Cái Tết giàu” giúp chúng ta tự soi chiếu để thấy “phiên bản” Tết của riêng mình. Nhưng tựu trung, những trải nghiệm ấy có chung quỹ đạo lẫn đích đến vô giá: “Sức khỏe nơi thân là Tân Xuân sang giàu”. Tất cả được gói gọn trong khung cảnh mang tính ẩn dụ cuối MV - những túi lộc đỏ thắm đại diện cho lời chúc may mắn, mạnh khỏe được các nhân vật trao tay.
Chiếc túi lộc xuất hiện gần cuối câu chuyện, đồng thời tràn ngập khung cảnh kết cũng là “cầu nối” dẫn lối đến thông điệp mà Lifebuoy muốn truyền tải: Góc nhìn mới hơn về “Cái Tết giàu”. Nhãn hiệu tái định nghĩa sự sang giàu của ngày Tết - không nằm ở tiền tài, vật chất hay danh vọng mà khởi nguồn từ sự bình an, sức khỏe và niềm hạnh phúc trong khoảnh khắc đoàn viên.
Trên hết, hình ảnh túi lộc trong MV cũng là phiên bản điện ảnh của biểu tượng túi lộc lớn nhất Việt Nam do Lifebuoy thực hiện, được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận đầu năm 2023. Bước từ MV ra đời thực, hơn 10.000 túi lộc nhỏ cùng bộ sản phẩm Lifebuoy Tầm Xuân Cát Tường được nhãn hàng trao tặng cho bệnh nhân, y bác sĩ tại 12 bệnh viện trên khắp Việt Nam.
Với người làm trong ngành y tế, khi khoác lên mình áo blouse trắng, họ đồng thời đặt lên vai sứ mệnh cao cả - chữa bệnh cứu người, chăm lo cho sức khỏe cộng đồng. Chiến dịch trao quà của Lifebuoy lần nữa tôn vinh, trân trọng và gửi sự biết ơn đến với những người làm trong ngành y tế.
Qua bao thập kỷ đổi dời theo dòng chảy thời cuộc, mỗi thế hệ lại có những quan điểm riêng về lối sống. Suy nghĩ về Tết cùng sự sum họp gia đình theo đó cũng biến chuyển. Nhưng dẫu trải qua bao biến cố, mỗi nhân vật vẫn đón nhận giá trị bất biến: Tình yêu gia đình. Tất cả thành công tôn vinh thông điệp “Tết giàu” của Lifebuoy, gợi mở những điều dung dị nhưng quý giá với mỗi người.
Qua MV “Cái Tết giàu”, Lifebuoy cùng các nghệ sĩ tái định nghĩa, mở ra góc nhìn mới cho người trẻ về Tết sang giàu. Để rồi từ đó, mỗi người thêm trân trọng ngày Tết, tạm gác lại âu lo để đón nhận giá trị cốt lõi của dịp đoàn viên - cả nhà mạnh khỏe, bình an bên nhau.