Mọi bằng chứng đều cho thấy đây là giả thuyết có khả năng xảy ra nhất. Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 18/7 công bố, máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines bị một quả tên lửa đất đối không bắn rơi ở khu vực Donetsk, của Ukraina, cách biên giới Nga khoảng 50 km. Chiếc phi cơ số hiệu MH17 gặp nạn khi đưa 298 hành khách và thành viên phi hành đoàn từ Amsterdam, Hà Lan tới Kuala Lumpur, Malaysia, CNN đưa tin.
Binh sĩ lực lượng tự vệ vũ trang gác tại hiện trường tai nạn. Ảnh: AP |
Một quan chức cấp cao Mỹ xác nhận, hệ thống radar của nước này phát hiện một quả tên lửa đất đối không phóng lên từ miền đông Ukraina ngay trước thời điểm chuyến bay MH17 của Malaysia gặp nạn. Hệ thống khác sử dụng thiết bị giám sát nhiệt ghi nhận quả tên lửa bắn trúng máy bay chở khách khi nó bay qua khu vực giao tranh ác liệt giữa quân đội Ukraina và các tay súng tự vệ ở miền đông.
Có ai tranh cãi về giả thuyết máy bay bị bắn hạ?
Ở thời điểm hiện tại, không bên nào phủ nhận giả thuyết máy bay chở khách của Malaysia Airlines bị bắn hạ. Chính phủ Ukraina đổ lỗi cho lực lượng tự vệ ở miền đông bắn trúng chiếc máy bay chở khách. Tuy nhiên, lực lượng này bác bỏ cáo buộc của chính quyền Kiev và cho rằng hệ thống phòng không của quân đội Ukraina là nguyên nhân gây ra sự cố. Trong khi đó, mảnh vỡ máy bay nằm rải rác trên một khu vực rộng nhiều km vuông cho thấy chiếc phi cơ nổ trên trời trước khi lao xuống đất.
Thủ phạm đằng sau vụ tấn công là ai?
Ngoài quân đội Ukraina và lực lượng tự vệ ở miền đông, những bên trực tiếp tham chiến ở khu vực máy bay rơi, liên tục đổ lỗi cho nhau, các quốc gia khác cũng rất thận trọng khi tuyên bố thủ phạm đằng sau vụ máy bay MH17 bị bắn rơi.
Tổng thống Mỹ Barack Obama dẫn những bằng chứng cho thấy quả tên lửa phóng lên từ khu vực lực lượng tự vệ vũ trang chống đối chính quyền Kiev đang kiểm soát. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng không chính thức cáo buộc bên nào.
Người dân tìm kiếm thi thể những hành khách tử nạn. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga dẫn thông tin cho biết quân đội Ukraina tăng cường các hệ thống phòng không ở Donetsk, khu vực máy bay Malaysia Airlines bị bắn hạ. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng chính quyền Kiev phải chịu trách nhiệm trong vụ rơi máy bay vì "tai nạn sẽ không xảy ra nếu khu vực này có hòa bình".
Những loại tên lửa nào có khả năng bắn hạ MH17?
Các chuyên gia quân sự đều khẳng định, loại tên lửa vác vai mà các tay súng chống đối chính quyền Ukraina sử dụng chỉ có tầm bắn tối đa 3.000 – 4.000 m. Chúng không đủ khả năng bắn hạ chiếc máy bay Malaysia Airlines, khi đó đang di chuyển ở độ cao 10.000 m.
Để bắn hạ những chiếc máy bay di chuyển ở độ cao này, người ta phải sử dụng các hệ thống phóng tên lửa như Buk hoặc S-200. Cả hai vũ khí này đều do Liên Xô, sau này là Nga chế tạo. Nga và Ukraina vẫn đang sử dụng các loại vũ khí này nhưng cả hai quốc gia đều khẳng định hệ thống của họ không hoạt động khi máy bay Malaysia gặp nạn.
Ai có thể sử dụng những loại vũ khí này?
Cả hệ thống phòng không Buk và S-200 đều ra đời từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Tuy đây không phải những loại vũ khí hiện đại, tối tân nhất nhưng việc sử dụng chúng không dễ dàng. Một người bình thường không thể sử dụng tên lửa của những hệ thống này để bắn hạ một chiếc máy bay đang di chuyển trên không trung.
Xác nạn nhân MH17 nằm bên những ruộng hoa hướng dương. Ảnh: AP |
Kevin Ryan, chuẩn tướng về hưu của quân đội Mỹ, nhận định: "Đây không phải loại vũ khí mà ai cũng có thể sử dụng. Binh sĩ cần trải qua quá trình đào tạo lâu dài và phối hợp tác chiến nhuần nhuyễn mới có thể dùng hệ thống này để bắn hạ một vật thể nào đó". Theo ông Ryan, chiếc máy bay của Malaysia Airlines bị bắn hạ bởi một lực lượng quân sự chuyên nghiệp hoặc do tai nạn.
Vì sao máy bay Malaysia đi qua vùng chiến sự?
Không phận ở miền đông Ukraina là một trong những tuyến đường hàng không huyết mạch nối châu Á với Tây Âu. Không chỉ riêng Malaysia Airlines mà hầu hết các hãng hàng không trên thế giới đều khai thác đường bay đi qua khu vực này. Nó cũng là tuyến đường thẳng và ngắn nhất.
Các hãng hàng không thường tuân thủ đường bay do cơ quan quản lý hàng không của quốc gia họ lập ra. Nhiều nước chưa xác định miền đông Ukraina là vùng chiến sự nên vẫn khai thác tuyến bay qua đó. Ngay cả Mỹ cũng chưa coi vùng trời này là khu vực các máy bay dân sự cần phải tránh.
Đây là tuyến đường hàng không duy nhất?
Các hãng hàng không khai thác đường bay qua Ukraina đều thay đổi lịch trình di chuyển. Họ quyết định bay vòng để đi qua không phận các quốc gia láng giềng Ukraina. Sau vụ tên lửa bắn rơi máy bay Malaysia, vùng trời Ukraina gần như trở thành "vùng cấm bay", với rất ít phi cơ qua lại.
Máy bay dân sự tránh đi qua không phận Ukraina. Ảnh: Business Insider |
Mỹ cấm toàn bộ máy bay dân sự đi qua khu vực miền đông Ukraina. Vương quốc Anh cũng đặt ra yêu cầu tương tự trong khi Cơ quan Quản lý an toàn bay châu Âu đưa toàn bộ không phận Ukraina vào diện cấm bay. Không một máy bay nào được phép đi qua khu vực này.
Nạn nhân là những ai?
Theo trang web chính thức của Malaysia Airlines, 298 nạn nhân trên chuyến bay MH17 bao gồm 189 người Hà Lan, 44 người Malaysia, 27 người Australia, 12 người Indonesia, 9 người Anh, 4 người Bỉ, 4 người Đức, 3 người Philippines, 1 người Canada, 1 người New Zealand và 4 hành khách chưa thể xác định nhân thân. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, 1 công dân Mỹ nằm trong số những người thiệt mạng.
TTXVN dẫn thông báo của Đại sứ Việt Nam lại Liên Hợp Quốc, ông Lê Hoài Trung, đưa ra tại phiên họp mở rộng của Hội đồng Bảo an tối ngày 18/7, cho biết, đoàn Việt Nam đã nhận được thông tin có ba người Việt thiệt mạng trong vụ máy bay Malaysia MH17 bị rơi ở miền đông Ukraina.
Bên nào dẫn đầu cuộc điều tra tai nạn MH17?
Theo công ước quốc tế, Ukraina, nơi sự cố xảy ra, sẽ dẫn đầu cuộc điều tra quốc tế với sự tham gia của Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế của Liên Hiệp Quốc, đại diện từ Hà Lan, Malaysia và Mỹ. Tuy nhiên, khu vực máy bay rơi đang nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng tự vệ chống chính quyền Kiev nên nỗ lực điều tra nguyên nhân tai nạn sẽ là vấn đề phức tạp.
Hộp đen máy bay ở đâu?
Lực lượng tự vệ ở miền đông Ukraina tuyên bố họ đã thu giữ hộp đen của chiếc máy bay gặp nạn vào trao nó cho phía Nga, dù nguồn tin này chưa được xác nhận. Trong khi đó, một quan chức Ukraina khẳng định hộp đen ghi âm buồng lái của máy bay vẫn chưa rời khỏi lãnh thổ Ukraina nhưng ông này không biết chính xác nó đang ở đâu.
Mảnh vỡ máy bay Malaysia Airlines. Ảnh: AP |
Ai bảo vệ hiện trường vụ tai nạn?
Máy bay rơi trong khu vực lực lượng phản đối chính phủ Ukraina kiểm soát nên họ là những người đầu tiên tới hiện trường vụ tai nạn. Michael Bociurkiw, đại diện của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu vừa có mặt ở khu vực MH17 rơi, cho biết: "Nơi MH17 rơi xuống giống như hiện trường một vụ án lớn nhất thế giới được bảo vệ bởi những chàng trai mặc đồng phục vũ trang hạng nặng và khó tính".
Vai trò của Mỹ trong vụ tai nạn?
Ngoài Malaysia, các quốc gia có công dân thiệt mạng trên chuyến bay số hiệu MH17, đặc biệt là Hà Lan, chắc chắn sẽ tham gia điều tra. Những quốc gia có chuyên môn đặc biệt như Mỹ cũng sẽ tham dự quá trình tìm hiểu nguyên nhân tai nạn. Tuy nhiên, việc điều tra nguyên nhân sự cố MH17 chắc chắn sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với những sự cố hàng không khác vì tình hình chính trị bất ổn trên đất Ukraina.