Ngày 16/11, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”.
TS Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, đánh giá những năm qua, phân khúc thị trường bất động sản du lịch phát triển sôi động với nhiều sản phẩm cao cấp như condotel, shophouse, shoptel, resort, homestay, farmstay...
Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch vẫn chưa đầy đủ, thống nhất, đã và đang gây lúng túng cho công tác quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản ở các địa phương và là “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư kinh doanh ở phân khúc này.
Pháp lý không theo kịp tốc độ phát triển của BĐS du lịch
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, cho rằng các quy định về BĐS du lịch nằm rải rác ở những văn bản pháp luật khác nhau, song nội dung không đồng bộ, chi tiết.
Dưới góc độ quản lý Nhà nước, thạc sĩ Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), cũng nhìn nhận hiện nay BĐS du lịch chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống quy định khác nhau, từ hoạt động đầu tư, kinh doanh đến việc quản lý, sử dụng.
Tuy nhiên, quy định của Luật Đất đai hay Luật Kinh doanh Bất động sản hiện hành thì không có các khái niệm riêng cho loại hình bất động sản du lịch, trong đó có condotel, resort villa, farmhouse… mà chỉ có khái niệm chung, đó là nhà, công trình xây dựng với mục đích thương mại, dịch vụ.
Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng. Ảnh: Reatimes. |
Vì vậy, dễ gây lúng túng trong quá trình thực hiện của cả chủ đầu tư, nhà đầu tư và chính quyền địa phương, phát sinh những tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, mua bán loại hình bất động sản này, cũng có trường hợp địa phương xác định đây là loại hình nhà ở nhưng không phải là đơn vị ở.
Phân tích thêm, kiến trúc sư Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng việc pháp luật vẫn chưa theo kịp những loại hình BĐS du lịch đã hình thành rõ ràng trong thực tiễn đã dẫn đến phát sinh các vấn đề phức tạp trong giao dịch mua bán.
“Các sản phẩm BĐS du lịch đang được xây dựng trên đất du lịch, dịch vụ đang bị xáo trộn và méo mó, dẫn đến những khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý. Đây cũng chính là nút thắt trong câu chuyện cấp hay không cấp sổ đỏ cho các sản phẩm bất động sản du lịch như condotel trong thời gian vừa qua”, ông Chiến nói.
Kinh nghiệm quốc tế
Tham luận tại hội thảo, TS Sopon Pornchokchai, Chủ tịch Hội đồng định giá BĐS Thái Lan, Chủ tịch Liên đoàn BĐS Thái Lan, cho biết nước này có cổng thông tin riêng về BĐS du lịch, góp phần làm minh bạch thông tin mua bán trên thị trường. Bên cạnh đó, với những dự án bất động sản có giá trị 1 triệu USD trở lên, có thể sử dụng đưa vào quỹ ủy thác đầu tư BĐS.
Ông Mark Kitabayashi, điều phối viên toàn cầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội Bất động sản và Môi giới Mỹ (NAR), nêu kinh nghiệm ở Mỹ, có sự phân vùng rất rõ ràng các khu vực phát triển BĐS, trong đó có BĐS du lịch. Về chính sách thuế, quốc gia này thu hút đầu tư bằng cách miễn, giảm thuế…
Tuy nhiên, người nước ngoài sở hữu bất động sản ở Mỹ cũng khó hơn người bản địa. Bởi hiện Mỹ đưa ra mức thuế 10-15% đối với người nước ngoài, đặc biệt là ở các bang khác nhau, mức thuế cũng khác nhau.
Một dự án condotel tại Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Duy Hiếu. |
Nhìn từ kinh nghiệm của Singapore, ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc enCity, đề xuất cần linh hoạt trong chính sách sử dụng đất. Theo ông Dũng, BĐS du lịch là loại hình “nhạy cảm”, do đó, các thành phố coi trọng du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn sẽ phải có chính sách để vừa đảm bảo nguồn cung đất đai khi phải cạnh tranh với các nhu cầu khác, vừa hỗ trợ tạo ra nhu cầu cho loại hình rủi ro này.
Hội thảo thống nhất đưa ra các kiến nghị gồmkhung pháp lý cho thị trường BĐS du lịch cần thống nhất định danh cụ thể hình thức đất xây dựng BĐS du lịch, quy mô và vai trò của thị trường này, nhất là những vấn đề liên quan đến chính sách ưu đãi đặc thù; pháp luật về đầu tư, kinh doanh; cơ chế quản lý, sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người mua; vấn đề thu hút, huy động đa dạng các nguồn vốn đầu tư.
Thứ hai, khung pháp lý cho thị trường BĐS du lịch cần được thiết kế và hoàn thiện dựa trên việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Thứ ba, cần khẩn trương tạo lập hành lang pháp lý chính thức cho thị trường BĐS du lịch; cần hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh BĐS và thủ tục đầu tư, sự thống nhất quản lý của Nhà nước trong các luật liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp.