Ngày cuối tuần lang thang đường phố thấy khắp nơi đã trang trí đẹp tuyệt chuẩn bị cho trung thu. Các cửa hàng bày bán đủ các loại đèn trung thu từ đèn điện cá chép, thiên nga, con gà… đến các loại đèn giấy, đèn ông sao, tất cả đều lung linh, lấp lánh.
Trong khu phố nhỏ quanh nhà mỗi đứa trẻ cũng đã được bố mẹ mua cho chiếc đèn lồng trung thu hứng khởi túm tụm đọ xem đèn ai đẹp hơn, nhạc kêu hay hơn. Khắp nơi đâu đâu cũng là không khí chuẩn bị cho hội trăng rằm sắp đến. Lòng vẫn thấy gợi lên những xốn xang dù đã qua cái tuổi này từ lâu.
Tuổi thơ ai cũng từng mơ đến chú Cuội, chị Hằng, mong ngóng tết thiếu nhi để ba mẹ làm cho chiếc đèn ông sao bằng giấy, hoặc bằng lon bia cắt ra cho thêm chiếc đèn cầy thế là cũng có đèn đi rước cùng chúng bạn.
Thời gian trôi qua những đứa trẻ ngày ấy lớn lên, cuộc sống ngày càng hiện đại, bây giờ chẳng mấy người còn làm những chiếc đèn đơn sơ ấy nữa. Cần thiết chỉ chạy ra cửa hàng mua lấy chiếc đèn điện chạy bằng pin, đủ màu xanh đỏ. Tiếng cười vang rộn khắp phố phường của lũ trẻ thơ nghe thấy đời quá đỗi bình yên.
Tết Trung thu rước đèn có trong ký ức của mỗi người. Ảnh minh họa. |
Vậy mà ở một khoảng trời khác, mảnh đất của những bản làng đồng bào người Mạ, với trẻ con ở đây dường như tết trung thu là một điều xa xỉ đối với chúng.
Còn nhớ mãi mùa chiến dịch tình nguyện năm ấy khi ở tuổi hai mươi, có cơ hội đến với bản làng người đồng bào thiểu số Tây Nguyên. Cuộc sống nơi đây mọi thứ đều cơ cực, điều mà các cô cậu sinh viên thành phố chúng tôi chỉ thấy trong phim ảnh.
Ở nơi ấy, những đứa trẻ chỉ học chưa hết cấp 1 đã rời xa trường lớp, những người thiếu nữ làm vợ, làm mẹ khi tuổi đời còn chưa đầy trăng tròn. Nơi mà người ta ốm bệnh đi mua thuốc cũng phải mất hai đến ba chục cây số đường đèo.
Những đứa trẻ không trung thu ấy chúng chỉ mong đủ ăn hàng ngày, đứa lớn trông đứa bé, học đủ để viết được tên, mong gì một tết trung thu đoàn viên có đèn lồng xanh đỏ chạy bằng pin, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon vàng ruộm.
Chiến dịch mùa hè xanh chấm dứt, nhóm sinh viên quyết định quay lại bản làng vào tết trung thu đơn giản chỉ là làm chiếc đèn lồng ngôi sao thật to, cùng nhau kêu gọi tài trợ bánh trung thu, những chiếc đèn lồng xinh xinh từ các nhà hảo tâm, bè bạn trong trường.
Quên sao được sự vui mừng của người dân trong bản, của lũ trẻ con khi cùng nhau chuẩn bị cho buổi tối đón trung thu, cùng nhau vót cây làm lồng đèn, kiếm củi đốt lửa trại, ánh mắt ai lấy đều lấp lánh niềm vui.
Bên ánh lửa bập bùng, chị Hằng sáng tỏ trải mình trên nền trời, chú Cuội nằm gốc cây đa, phía xa chân trời dải ngân hà như tấm lụa. Dưới buôn làng tiếng hát chào đón hội trăng rằm vang giữa núi rừng, hòa quyện vào thiên nhiên bao la.
Từng ánh mắt trẻ thơ cười híp mí chia nhau chiếc bánh trung thu, ngôi sao nho nhỏ cầm trên tay cũng so với chúng bạn xem ai đẹp hơn, ai to hơn, đèn cầy của ai sáng hơn. Trộm nghĩ sao hạnh phúc đôi khi đơn giản vậy mà người ta vẫn mải miết đi tìm.
Đêm hội trăng rằm bên ánh lửa bập bùng ở nơi bản xa. Ảnh: H.Huyền. |
Ở nơi thành thị xa hoa đứa trẻ nhỏ dỗi mẹ ném hỏng cả chiếc đèn điện mới mua, chiếc bánh đắt tiền dỗ mãi con chỉ động miếng nhỏ. Nơi miền ngược xa xôi chiếc bánh chia đôi, ngôi sao nhỏ xíu cũng mang lại tiếng cười hạnh phúc.
Quên sao được đêm rước đèn tại buôn làng nghèo khi đèn lồng ngôi sao mẹ dẫn đường, những ngôi sao con đi sau hát vang bài hát trung thu “Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh! Đây ánh sao vui chiếu xa sáng ngời. Tùng rinh rinh, rinh rinh tùng rinh rinh. Ánh sao Bác Hồ toả sáng nơi nơi!”.
Nếu điều ước là có thật trên đời, chỉ mong rằng trẻ em khắp nơi đều được ấm no, mỗi mùa trung thu trôi qua sẽ lại có quà, đứa nào đứa ấy được đi học đầy đủ, được cất tiếng cười vui đúng nghĩa của niềm vui.