Giấc mơ Trung Hoa và khắc tinh của sách lược Mỹ
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người ta quan tâm đến những yếu tố có thể đe dọa mối quan hệ được đánh giá là “quan trọng nhất thế kỷ 21” và tương lai của 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Sunnylands, Rancho Mirage, California, hôm 8/6. |
Các vấn đề trên đều phụ thuộc vào một điều duy nhất, đó là tham vọng quyền lực của Trung Quốc và Mỹ. Đã từ lâu, giấc mơ bá quyền của Mỹ được thể hiện bằng sức ảnh hưởng mà Washington tạo nên trên khắp thế giới. Song song với vai trò của nền kinh tế hàng đầu cùng cuộc sống được mệnh danh là “miền đất hứa” dành cho người dân, sự hiện diện quân sự của Mỹ cũng không ngừng gia tăng trên khắp toàn cầu.
Dù mới chỉ được nhắc đến nhưng cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa” đang nổi lên mạnh mẽ. “Giấc mơ Trung Hoa” tham vọng đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường. Kể từ khi nắm quyền chèo lái nền kinh tế thứ 2 thế giới, Chủ tịch Tập Cận Bình thường xuyên khẳng định, đó là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Dù “giấc mơ” của Trung Quốc và Mỹ khá độc lập nhưng theo thời gian, chúng sẽ trở nên đối nghịch nếu Bắc Kinh tham vọng trở thành một “cực” của thế giới, nắm giữ vai trò đối trọng với Washington trên trường quốc tế. Việc trở thành hiện thực của giấc mơ Trung Hoa không chỉ quan trọng với Trung Quốc mà còn khiến Mỹ chao đảo trước khi thay đổi cả cục diện thế giới.
Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, Mỹ luôn tự cho mình cái quyền bảo vệ hòa bình và ổn định thế giới. Thông qua việc xây dựng các liên minh quân sự và tổ chức mang tầm quốc tế giúp Mỹ giữ vững vị thế siêu cường số 1 của thế giới. Ngay cả khi nền kinh tế lao đao vì khủng hoảng, Mỹ và đồng minh vẫn tăng cường các hoạt động quân sự trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, dưới thời của Tổng thống Barack Obama, nước Mỹ không còn là kẻ tiên phong. Từng cầm đầu trong cuộc chiến xâm lược Afghanistan và Iraq nhưng trong chiến dịch quân sự ở Libya, vai trò đó lại do Anh và Pháp, những đồng minh thân cận của Mỹ nắm giữ. Những quyết sách cắt giảm chi tiêu quốc phòng của Tổng thống Obama cũng đang khiến quân đội Mỹ yếu đi.
Trong khi đó, Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ. Vượt mặt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, liên tục tung ra những mẫu vũ khí mới hay liên tiếp khơi mào tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng là minh chứng rõ nhất cho sự mạnh lên của Trung Quốc.
Trung Quốc dựng cảnh tên lửa Đông Phong 21D bắn hạ tàu sân bay Mỹ. |
Sự lớn mạnh của Trung Quốc không chỉ khiến các quốc gia láng giềng phải gia tăng các khoản chi tiêu quốc phòng mà nó còn thu hẹp sức ảnh hưởng của Mỹ. Cả Nhật Bản và Philippines, những đồng minh thân thiết của Mỹ đều đang căng mình đối phó Trung Quốc. Ngay cả khi trọng tâm chiến lược của Mỹ chuyển hướng về châu Á – Thái Bình Dương, vai trò của Washington dường như chưa mấy được cải thiện.
Để ngăn chặn “cơn ác mộng từ giấc mơ Trung Hoa”, tờ Foreignpolicy tin rằng, nước Mỹ cần đề cao cái gọi là “các nguyên tắc dân chủ” của mình trước Trung Quốc. Về mặt đối ngoại, Mỹ phải thể hiện vai trò của mình trong các vấn đề dân chủ của người dân Trung Quốc, mối quan hệ của Bắc Kinh với láng giềng, hạt nhân Triều Tiên và Iran, an ninh mạng toàn cầu cũng như các luật lệ thương mại của Trung Quốc.
Về đối nội, Washington cần phải chống đỡ “giấc mơ Mỹ” để đảm bảo thế hệ sau đi tiếp con đường của những người đi trước, nhằm hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngoài ra, cần khôi phục niềm lạc quan và hi vọng của người dân Mỹ về cái gọi là “vai trò của Washington” trên trường quốc tế. Đây là chìa khóa để “giấc mơ Mỹ” tiếp tục tồn tại trong những thập kỷ tới.
Trịnh Duy
Theo Infonet