Giấc mơ toàn cầu của ông chủ Sunhouse
Chủ tịch HĐQT Sunhouse - Nguyễn Xuân Phú tin rằng, một ngày không xa, công ty của ông sẽ không thua kém Masan, Vinamilk, Tân Hiệp Phát.
Học giỏi các môn tự nhiên, ước ao trở thành nhà toán học, nhưng khi Phú học hết THPT, giấc mơ ấy đã thay đổi. Anh quyết định phải thi đỗ Trường đại học Kinh tế Quốc dân chỉ với mục đích duy nhất là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Vì sao đất nước và người dân Việt Nam lại nghèo?”.
|
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT tông ty cổ phần tập đoàn Sunhouse: "Sunhouse, trong một ngày không xa, sẽ không thua kém gì Kinh Đô, Masan, Vinamilk". |
Vậy nên, ngay từ khi còn là sinh viên (năm 1988), anh đã tiếp cận các ý tưởng kinh doanh, xác định cho mình con đường trở thành doanh nhân sau khi tốt nghiệp. Thế nhưng, công việc đầu tiên của anh lại là làm nhân viên trong doanh nghiệp nhà nước (chuyên kinh doanh xăng dầu) theo ý muốn của bố mẹ. Song khi cầm quyết định biên chế trong tay sau 9 tháng làm việc, cũng là lúc anh sẵn sàng từ bỏ công việc này. “Nếu gắn bó với công việc quá nhẹ nhàng đó sẽ không giúp tôi tìm ra câu trả lời”, anh nói.
Sau 3 tháng học tiếng Anh, anh quyết tìm đến làm ở một công ty nước ngoài để xem cách thức làm ăn kinh doanh của họ. Và anh chọn một công ty sản xuất xe máy 100% vốn của Đài Loan. Công việc thứ hai này nâng anh lên một tầm cao mới, được trực tiếp phụ trách việc tìm kiếm khách hàng, thị trường, nguồn hàng, thủ tục xuất nhập khẩu…
Dù vậy, vị trí này cũng chỉ níu giữ chân anh trong thời gian ngắn. Lý do là mức lương mà ông chủ Đài Loan trả cho anh thấp hơn so với công sức làm việc bỏ ra. Trong khi đó, những công nhân nước họ cũng làm việc như vậy, kỹ năng giống vậy, nhưng lại hưởng mức lương cao ngất ngưởng.
Đúng thời điểm đó (năm 1996), xuất hiện làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam và anh muốn tìm một công ty đa quốc gia để thỏa mãn nhu cầu học hỏi. Lần này, anh chọn Ford (Mỹ). Sau 3 lần phỏng vấn, anh trở thành một trong 15 kỹ sư đầu tiên của Việt Nam được Ford lựa chọn. Làm việc cho công ty này, anh được học kiến thức quản trị hiện đại, quản lý tài chính, làm việc nhóm…
“Họ quản lý tôi dựa trên mục tiêu. Họ giao cho tôi quyền chủ động để hoàn thành mục tiêu đó. Rồi hàng tuần, họ hỏi tôi có cần trợ giúp gì không, nhưng lại luôn đặt ra các câu hỏi và bắt tôi trả lời. Những kỹ năng quản lý đó giúp tôi rất nhiều trong công việc sau này”, anh nói.
Tuy nhiên, như một con ngựa bất kham, anh vẫn chưa thỏa mãn với bản thân mình. Anh quyết định chấm dứt cuộc đời làm thuê và mở công ty riêng vào năm 2000, chuyên kinh doanh hàng gia dụng.
Nguyễn Xuân Phú thừa nhận mình là người may mắn khi được học hành bài bản từ khi còn trong trường đến thực tế, đặc biệt, khởi nghiệp đúng vào lúc thị trường Việt Nam mở cửa, có nhiều thay đổi lớn, thuận lợi cho việc kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu. Thế nhưng, công ty của anh cũng phải trải qua hai bước ngoặt đáng nhớ.
Thương mại - nhập khẩu là mảng khởi nghiệp khá thuận lợi của Sunhouse trong giai đoạn 2000 - 2004, với tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm từ 100 đến 200%/năm. Giai đoạn khó khăn bắt đầu xuất hiện khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, thị trường phát triển nóng, giá nguyên vật liệu bắt đầu tăng cao, nhập khẩu hàng hoá từ Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn khi đồng won tăng giá. Và mảng này đã bị mất trắng ngay sau khi Bộ Tài chính ra quyết định áp thuế nhập khẩu.
Để công ty tồn tại, năm 2006, anh quyết định đầu tư vào sản xuất. Lần khởi nghiệp này cũng thuận lợi và chỉ một năm sau đó, mức tăng trưởng đạt 50-60%. Nhưng khủng hoảnh kinh tế khiến mức tăng trưởng chựng lại, chỉ đạt 25% trong giai đoạn 2010-2012.
Mức tăng trưởng không như kỳ vọng, nhưng vị doanh nhân nhiều tham vọng này vẫn thoải mái vì kinh doanh bằng vốn của mình. Thậm chí, anh cho biết, anh vẫn còn dư nhiều tiền mặt để có thể đầu tư, mở rộng quy mô chuỗi giá trị của Sunhouse qua M&A hoặc đi thâu tóm các công ty khác trong ngành trong thời gian tới.
Chìa khóa nằm ở full công suất
Hồ hởi khi nói về cơ hội cho Sunhouse trong ngành sản xuất hàng gia dụng, anh bảo, trong 10 năm tới, dư địa cho ngành hàng này còn rất lớn. 70-80% người tiêu dùng nông thôn tại Việt Nam chưa được sử dụng những sản phẩm gia dụng chất lượng cao. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn, khi Trung Quốc đang mất dần khả năng cạnh tranh, còn Hàn Quốc có xu hướng từ bỏ sản xuất ngành này.
Tiềm năng là vậy, nhưng doanh nghiệp tham gia ngành này dễ nản. Bởi để sản xuất thì phải có ngành công nghiệp phụ trợ tốt, song ngành này tại Việt Nam rất yếu, nhiều khi doanh nghiệp có ý tưởng về khuôn mẫu, nhưng khó tìm được vật liệu thử nghiệm.
Sunhouse không những vượt qua rào cản đó, mà còn chi phối thị trường với độ phủ sản phẩm đến từng ngõ ngách. “Sunhouse, trong một ngày không xa, sẽ không thua kém gì Kinh Đô, Masan, Vinamilk. Họ là thế hệ đi trước, lại có lợi thế nắm được ngành có thể chi phối thị trường và may mắn vì có người “cầm đầu” tốt. Nhưng chỉ cần vài ba năm nữa, tôi tin là chúng tôi sẽ mạnh không kém họ”, một khẳng định chắc như đinh đóng cột của người thủ lĩnh Sunhouse.
Nhưng để có sự đột phá đó, Sunhouse phải bước vào cuộc cạnh tranh mới. Hiện Sunhouse đang chuẩn bị mọi nguồn lực để cơ cấu lại sản phẩm, đầu tư thêm nhà máy mới có công nghệ hiện đại tại Hưng Yên, với công suất gấp 3 lần nhà máy hiện tại ở Hà Tây.
Nhà máy mới phải giúp Sunhouse đạt được 2 mục tiêu. Thứ nhất, cho ra đời nhiều sản phẩm với mẫu mã và chất lượng tương đương các sản phẩm cùng loại ở các nước trên thế giới. Thứ hai, từng bước đưa thương hiệu Sunhouse đi tới mọi ngõ ngách trên toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Điều gì khiến anh đặt mục tiêu đến mức rất tự tin như vậy? Anh cười bảo rằng, vì anh đã đánh bại đối thủ đến từ Trung Quốc ngay tại sân nhà ở dòng sản phẩm chảo chống dính, với hơn 60% thị phần.
“Doanh nghiệp nước ngoài có thể cạnh tranh về giá với mọi đối thủ vì họ luôn chạy hết công suất (full công suất), đáp ứng được đơn hàng lớn. Đó là bài học kinh nghiệm mà chúng tôi đã trải qua khi bắt tay vào làm ngành này”, anh nói và cho biết, đây cũng là chính chìa khóa giúp anh giải mã “vì sao nghèo?”.
Một cách thẳng thắn, doanh nhân thế hệ 7X này cho rằng, Việt Nam nghèo vì phát triển không dựa trên nền sản xuất thực sự, trong khi năng suất lao động không đạt được ngưỡng trung bình của thế giới. Với anh, bất kỳ một nước hay doanh nghiệp nào, nếu người lao động làm đầy đủ thời gian, năng suất cao, thì không có lý do gì phải nghèo và hoàn toàn có thể đánh bại đối thủ.
Giờ đây, khi đã giải mã được “vì sao nghèo”, đã nắm trong tay ngành hàng tiêu dùng gia dụng quan trọng, thì “linh hồn” của Sunhouse lại làm mọi việc chỉ để khẳng định mình và được người khác tôn trọng mình. “Biết bao giờ mới nhận được tất cả sự tôn trọng của mọi người trong xã hội nhỉ? Phải mất cả cuộc đời chăng?”, với vẻ rất suy tư, anh buông câu hỏi đó khi kết thúc buổi trò chuyện.
Theo Đầu tư