Giấc mơ và nước mắt là chủ đề chương trình giao lưu ra mắt sách mới của nhà văn 9X Phát Dương tổ chức ngày 8/11 tại TP Cần Thơ.
Hai cuốn mới của Phát Dương được giới thiệu trong chương trình này là tập truyện ngắn Mở mắt mà mơ và Bộ móng tay màu đỏ.
Mở mắt mà mơ và Bộ móng tay màu đỏ được giới thiệu tại chương trình giao lưu. Ảnh QM. |
Phát Dương tên thật là Dương Thành Phát, sinh năm 1995, hiện là sinh viên chuyên ngành Văn học, Đại học Cần Thơ.
Dù mới xuất hiện trên văn đàn, nhưng cây bút trẻ này đã kịp ghi một dấu ấn với văn chương bằng gia tài kha khá các giải thưởng.
Phát Dương cũng xuất hiện đều đặn trên các báo và tạp chí với phong cách viết điềm tĩnh và sắc lạnh.
Năm 2018, Phát Dương đánh dấu sự nghiệp viết lách của mình khi cho ra mắt tập truyện ngắn Tự nhiên say. Tập truyện xoay quanh cuộc sống của người dân quê, nơi đất vườn đã dần hóa thành đô thị làm thay đổi cả lòng người.
Có thể nói đây là kết quả của một năm miệt mài sáng tạo, kể từ khi anh đoạt giải Tư của cuộc thi “Một nửa làm đầy thế giới”, do nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tài trợ và phối hợp với NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức.
Chỉ qua một năm, với nhiều trải nghiệm và thử thách ngòi bút chính mình, Phát Dương thật sự đã trưởng thành trong lối viết.
Nhà văn Phát Dương tại buổi giao lưu và ra mắt sách mới. Ảnh: QM. |
Ở tập truyện ngắn Bộ móng tay màu đỏ Phát Dương vẫn giữ lối viết đậm chất hiện thực trước đó.
Truyện ngắn Bộ móng tay màu đỏ (trong tập sách, cũng là tác phẩm đạt giải nhất văn xuôi cuộc thi “Tác phẩm đầu tay” do Du Tử Lê Foundation tổ chức năm 2017), Phát Dương mang lại một cái nhìn mới về khát vọng được làm đẹp của người phụ nữ, dù ở hoàn cảnh hay thân phận nào, thông qua nhân vật Tuyến.
Dù lam lũ nghèo khổ, không thể son phấn, quần là áo lượt thì niềm vui đơn giản của Tuyến là ngắm bộ móng tay được sơn đỏ để quên hết những vất vả mà đôi tay chai sần phải gánh vác hàng ngày. Nhưng niềm vui nhỏ bé ấy cũng bị sự gièm pha, soi mói của người đời dập tắt.
Còn ở tập Mở mắt mà mơ, Phát Dương có những bước chuyển mới khi sử dụng thêm yếu tố huyền ảo và dòng ý thức vào truyện. Ví dụ truyện ngắn Không ai bắt máy, Phát Dương kể về các cuộc mưu sinh của tài xế xe ôm công nghệ, nhưng khéo léo lồng vào đó một câu chuyện đau thắt lòng dạ.
Tác phẩm đưa người đọc chạm tới đáy của những lo âu, rồi lại vỡ ra những nghi ngờ lo sợ. Thế nhưng, kết truyện lại là một vết cứa vào tâm thức chúng ta về sự nhân văn của đời thường.
Đời cần lắm những tấm lòng. Đời cần lắm những cái bắt máy, biết đâu đó, đầu dây bên kia của cuộc gọi là một sự sống đang cần chúng ta. Bao lâu rồi chúng ta vì những cuộc điện thoại rác, mà bỏ lửng những cái bắt máy?
Có thể nói Mở mắt mà mơ chính là tập hợp những giấc mơ của con người trước số phận và cuộc sống: Rất nhiều giấc mơ đẹp đẽ lẫn ác mộng, sáng tươi lẫn tăm tối, từ tâm thức tổn thương đến huyền ảo ru mình.
Nhưng suy cho cùng, giấc mơ nào cũng chỉ là một điểm tựa, một lối thoát, là một sự vỗ về chính mình. Bởi chẳng có giấc mơ nào thành hiện thực, chẳng ai sống hoài trong mộng ảo. Tất thảy chúng ta rồi sẽ tỉnh dậy, sẽ tự phải giải quyết mọi ngổn ngang, trắc trở của cuộc đời mình.
Nhận xét truyện ngắn của Phát Dương, nhà văn Võ Diệu Thanh cho rằng đó là “những cuộc truy vấn nội tâm đầy trắc ẩn, đầy ngóc ngách và ngày càng tinh xảo. Bao nhiêu thứ ấm ức vẫn tràn ra đó và rồi vẫn tự mình gỡ từng mối nhỏ. Nhỏ nhưng lại là tất cả. Khi sự nhạy cảm đủ tinh tế thì sự tháo gỡ cũng không kém phần tinh tế”.
Còn bà Lê Thị Thúy Hà, đại diện NXB Văn hóa - Văn nghệ thì cho biết điều bà ấn tượng nhất ở Phát Dương chính là giọng văn chín chắn, suy nghĩ, nhìn nhận về cuộc sống rất sâu sắc và vượt hẳn lứa tuổi. Bà cũng cho rằng sau hai tác phẩm gần như “sinh đôi” này, Phát Dương sẽ có hành trình văn chương triển vọng.
Trong buổi giao lưu ra mắt sách, Phát Dương chia sẻ đam mê viết lách của mình. “Viết là cách để tôi trò chuyện với chính mình. Tôi thích cảm giác được thể hiện một thế giới riêng biệt, từ những gì tôi trải qua, cảm nhận, lắng nghe và nhìn thấy về cuộc đời này. Bằng cách đó, tôi cảm thấy mình được chia sẻ và thấu hiểu”, Phát Dương nói.