Giấc mơ Mỹ của chàng trai 25 tuổi và cái kết nơi 'biên giới tử thần'
Thứ bảy, 17/11/2018 04:00 (GMT+7)
04:00 17/11/2018
Misael Paiz, 25 tuổi, người Guatemala là một trong hàng trăm người bỏ mạng tại vùng biên giới "tử thần" mỗi năm khi cố tìm đường vào Mỹ từ Mexico với giấc mơ đổi đời.
Đồn Tuần tra Biên giới Tucson thuộc bang Arizona, Mỹ, nhận cuộc gọi 911 lúc nửa đêm. Joselino Gomez Esteban, với giọng nói tiếng được tiếng mất, gọi từ một nơi nào đó trên sa mạc Sonoran ở Arizona, chặng cuối cùng của hành trình di cư dài hơn 3.200 km từ Guatemala. Ông Gomez nói ông bị lạc và cần được giúp đỡ, còn cháu trai ông đã bất tỉnh, gọi không phản ứng. Người cháu, tên Misael Paiz, cuối cùng đã chết, theo Reuters. Trong ảnh, một người của lực lượng tuần tra biên giới đứng nhìn thi thể Paiz.
Mỗi năm, hàng trăm người bỏ mạng khi cố tìm đường vào Mỹ từ Mexico, bên cạnh hàng nghìn người cần được giải cứu. Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ ghi nhận 294 cái chết trong năm tài khóa 2017. Song các chuyên gia tin rằng con số này còn cao hơn vì một số người chết không được tìm thấy.
Khoảng 25% số người chết đi qua khu vực biên giới Tucson, nơi biến thành chảo lửa trong mùa hè. Từ tháng 10/2017 đến tháng 10/2018, đồn Tuscon tiến hành 923 vụ giải cứu, tăng 22% so với năm trước.
Việc tìm kiếm ông Gomez, 43 tuổi, và anh Paiz, 25 tuổi, không dễ dàng. Chiếc điện thoại di động mà ông Gomez dùng không cung cấp định vị. Phạm vi hữu trách của đồn Tucson trải dài 422 km qua các vùng sa mạc, hẻm núi và những ngọn đồi đầy xương rồng. Hai chú cháu ông Gomez có thể ở bất kỳ đâu trong phạm vi này.
Tucson là một trong những khu vực biên giới "nhộn nhịp" nhất với các vụ bắt bớ và giải cứu người nhập cư trái phép, cũng như là tịch thu cần sa. Trung bình mỗi ngày đồn Tucson tiến hành hai chiến dịch giải cứu. Đôi khi, việc giải cứu lại biến thành việc tìm kiếm thi thể. Nguyên nhân tử vong thường là say nắng trong mùa hè và hạ thân nhiệt trong mùa đông.
Hai tuần trước đó, ông Gomez và anh Paiz khởi hành từ Aguacate, một thị trấn làm nghề nông với 1.500 dân ở Guatemala, nằm gần biên giới Mexico. Paiz, một đầu bếp tại nhà hàng làm việc tại Mexico, hy vọng tìm được công việc ở Mỹ và gửi tiền về nhà. Chú của anh, Gomez, dự định đến South Carolina, Mỹ, để đoàn tụ với vợ và ba con của ông. Ông bị trục xuất cách đây hai năm và đã ba lần cố quay lại Mỹ nhưng đều thất bại. Lần này là nỗ lực thứ tư của ông.
"Gia đình tôi ly tán khắp nơi vì ở đây chúng tôi không có gì làm", cha của Paiz, ông Miguel Domingo Paiz (ảnh), 59 tuổi, cho biết. Ông biết việc ra đi để tìm kiếm tương lai tốt hơn là một ván bài sinh tử. Con trai cả của ông, Ovidio, bị bắn chết ở Mexico năm ngoái sau khi đến đó để tìm việc.
Trong những năm qua, số người Guatemala bị bắt quả tang vượt biên trái phép vào Mỹ đã tăng đều từ 57.000 vào năm 2015 lên đến gần 117.000 vào năm 2018, đứng thứ hai sau số vụ bắt giữ người Mexico. Theo các chuyên gia, những con số này phản ánh việc người Guatemala ngày càng sẵn sàng đánh đổi tính mạng của bản thân để thoát khỏi bạo lực, đói nghèo và bất ổn chính trị. Trong ảnh, một chiếc ba lô di dân bỏ lại ở sa mạc Sonoran.
Paiz nói với anh em song sinh của anh, Gaspar (ảnh), rằng anh đã đưa số tiền ban đầu là 500 USD cho một tay buôn lậu, còn được gọi là "coyote", người hứa đưa cậu qua biên giới. Tay này sẽ lấy thêm 5.500 USD nếu Paiz thành công.
Những người trong gia đình kể, sau khi đến được thị trấn Sasabe ở Mexico nằm gần biên giới Arizona, Paiz và ông Gomez chờ đợi 12 ngày để đến lượt vượt biên cùng một người dẫn đường. Trong một cuộc điện thoại cuối cùng giữa họ, Paiz nói với cha mình: "Sắp tới lượt con rồi". Ảnh trên là tấm hình chụp hai anh em song sinh Paiz lúc còn nhỏ.
Sau khi vượt qua biên giới và đi bộ trong 6 tiếng, Paiz bắt đầu cảm thấy đau đầu dữ dội. Anh ngã quỵ bên cạnh một con đường mòn gọi là "Đường Nghĩa trang". Người dẫn đường dội nước lên đầu Paiz nhưng anh vẫn không hồi tỉnh. Sau đó, người này bỏ đi cùng 3 di dân khác trong nhóm, còn ông Gomez ở lại với cháu mình. Trong ảnh là cảnh đưa tang anh Paiz tại quê nhà.
Sau khi không thể làm cháu trai tỉnh lại, ông Gomez gọi cho các thành viên gia đình ở Aguacate, nói mẹ cậu cầu nguyện, sau đó gọi 911. Sáng sớm 10/9, trực thăng của Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ và hạt Pima bắt đầu lùng sục các con đường di dân thường đi trong khu vực.
Ông Gomez đốt lửa theo hướng dẫn nhưng không tạo ra nhiều khói. Đến 13h30 cùng ngày, cơ quan chức năng nhận được tin rằng một người chăn gia súc tình cờ nhìn thấy hai người đàn ông. Không lâu sau đó, lực lượng Tuần tra Biên giới tiếp cận địa điểm và đưa ông Gomez về nơi tạm giữ, còn anh Paiz được đưa đi trong túi đựng thi thể. Trong ảnh, một nghệ sĩ cắm cây thánh giá tại nơi tìm thấy thi thể Paiz.
Cơ quan pháp y Mỹ xác định Paiz tử vong vì say nắng. Bảy tuần sau khi anh chết, thi thể anh được đưa về thủ đô Guatemala cùng 6 cỗ quan tài khác, tất cả đều chứa thi thể của các di dân nước này. Gia đình đưa anh về nhà trên chuyến xe kéo dài 12 tiếng. Tại Aguacate, khoảng 250 người chờ đón anh trong mưa lớn và bùn đến mắt cá chân.
Paiz được chôn cất vào ngày hôm sau bên cạnh ngôi mộ anh trai Ovidio trên một sườn đồi.
Chỉ 2 ngày sau quyết định điều động 5.200 lính Mỹ đến biên giới với Mexico, Tổng thống Trump cho biết ông sẵn sàng gửi thêm 15.000 quân để ngăn chặn đoàn người di cư từ Trung Mỹ.
Video quảng cáo bị đánh giá phân biệt chủng tộc và bình luận tấn công đảng Dân chủ là động thái mới nhất của phe Cộng hòa nhằm thu hút sự chú ý trong cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ.