Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giấc mơ máy bay của người Việt trên đất Mỹ

Hàng ngày đi qua dây chuyển lắp ráp động cơ máy bay ở Mỹ, tôi mơ ước có một thế hệ kỹ sư người Việt sau này sản xuất được máy bay. Với tôi, đó là “giấc mơ Việt Nam” trên đất Mỹ.

Ðịnh cư cùng gia đình tại Hoa Kỳ năm 1991, tôi học ngành kỹ sư Cơ khí tại University of Connecticut, sau năm đầu tiên tại Ðại học Bách Khoa TP.HCM. Sau tốt nghiệp, tôi làm thời gian ngắn cho công ty tàu ngầm nguyên tử Electric Boat, rồi chuyển sang công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney từ cuối năm 1999 cho đến nay.

Thời gian ở đây, tôi làm nhiều vị trí khác nhau như thiết kế, phân tích mô phỏng, quy trình lắp ráp động cơ. Làm việc tại ngành hàng không, tôi được tiếp cận công nghệ cao và làm việc với nhiều kỹ sư lão luyện.

Công nghệ hàng không là ngành đặc biệt, đòi hỏi kỹ sư rất nhạy bén, chính xác cao, và phản ứng nhanh trong mọi tình huống. Làm việc tại ngành hàng không có thể nói là giấc mơ của mọi kỹ sư cơ khí.

Tôi tham gia nhiều dự án động cơ máy bay dân sự và quốc phòng như động cơ GP7000 cho thế hệ Airbus 380, động cơ PW4000 cho thế hệ Boeing 777, động cơ V2500 cho thế hệ Airbus 320, 321, các động cơ cho các thế hệ máy bay chiến đấu như  F-15, F-16, F- 22, F-35.

Tiếp xúc môi trường này, tôi luôn tự hỏi bao giờ chúng ta mới sản xuất được máy bay như người Mỹ? Bao giờ máy bay “made in Vietnam” có thể tung cánh trên bầu trời khắp năm châu? Câu hỏi đó cứ đeo đuổi tôi mãi không thôi.

Tôi đang ấp ủ chương trình thực tập cho sinh viên kỹ sư Việt Nam tại các nhà máy bảo dưỡng động cơ máy bay Pratt & Whitney khu vực Châu Á, để sinh viên Việt Nam tiếp cận ngành công nghiệp hàng không. Việc lo liệu tài chính cho chương trình thực tập nằm ngoài khả năng, nên hy vọng có một hãng hàng không Việt Nam tài trợ cho dự án.

“Giấc mơ Việt Nam” – như cách tôi gọi - hoàn toàn có thể thành sự thật, khi chúng ta quyết tâm từ những bước đi khai phá. Phải có người đặt những bước chân đầu tiên, con đường sau đó mới xuất hiện.

Trần Thắng với động cơ máy bay Pratt & Whitney 1935.
Trần Thắng với động cơ máy bay Pratt & Whitney 1935.

Ba dự án

Đeo đuổi giấc mơ công nghệ cao chẳng hạn như sản xuất máy bay, bắt buộc phải đổi mới giáo dục đào tạo con người. Tôi đang tâm đắc 3 dự án giáo dục của mình, cũng không nằm ngoài mục đích ấy.

Đó là xây dựng bảo tàng khoa học kỹ thuật, nhằm giới thiệu lịch sử phát triển các công nghệ kỹ thuật trong các lĩnh vực như máy bay, xe hơi, tàu thủy, xe lửa… đến với học sinh, sinh viên, từ đó các bạn trẻ có niềm đam mê với khoa học kỹ thuật và định hướng nghề nghiệp.

Đó là xây dựng Ðại học Hoa Kỳ ở Ðà Lạt. Ðại học Hoa Kỳ tại Ðà Lạt là sự phối hợp giữa 4 bên, gồm tỉnh Lâm Ðồng, Ðại học Quốc gia TP.HCM, trường đại học Hoa Kỳ, và nhà đầu tư. Vai trò của tôi trong dự án là tìm trường đại học Hoa Kỳ, nhà đầu tư và cùng 4 bên xây dựng đại học.

Ðó là mong muốn xây dựng nền tảng tiếng Anh tốt cho Ðà Nẵng để phát triển thành phố trở thành đẳng cấp quốc tế.  Ðây là đề xuất đưa 100 sinh viên Mỹ tốt nghiệp đại học và sau đại học về Ðà Nẵng hằng năm dạy tiếng Anh trong khối trường học, khối hành chính nhà nước, khối doanh nghiệp.

Tôi tin rằng, phát triển khoa học và giáo dục là nền tảng để bảo vệ và phát triển đất nước bền vững, đây cũng là “Giấc mơ Việt Nam” của tôi. Và tôi tin, mọi người chúng ta ai cũng có “Giấc mơ Việt Nam”.

Trần Thắng sinh năm 1970 tại Quảng Ngãi, là cháu của nhà thơ Tế Hanh. Khi đang học ngành cơ khí tại Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), năm 1991, Trần Thắng cùng gia đình định cư tại Connecticut, Hoa Kỳ. Trần Thắng tiếp tục theo đuổi ngành cơ khí tại Trường ĐH Connecticut, Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp, Trần Thắng học tiếp để lấy văn bằng hai chuyên ngành Quản Lý Nhà Máy. Năm 1999, anh chính thức làm công việc chuyên môn tại Công ty tàu ngầm nguyên tử Electric Boat. Ðầu năm 2000, anh đầu quân cho Công ty động cơ máy bay Pratt & Whitney.

Trần Thắng là Chủ tịch Viện Văn hóa & Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Hoa Kỳ. Anh xây dựng chương trình văn hóa và giáo dục Việt Nam từ năm 2000 cho đến nay. IVCE thực hiện 50 hội thảo du học Hoa Kỳ tại Việt Nam và phục vụ trên 7000 học sinh, sinh viên, sinh viên tốt nghiệp đại học và cán bộ giảng dạy.

IVCE đưa 100 sinh viên Việt Kiều về dạy tình nguyện môn tiếng Anh và môn thi vào Ðại học Hoa Kỳ tại đại học Việt Nam và phục vụ 4000 học sinh, sinh viên…

Từ 2012 đến 2013, Trần Thắng sưu tầm 150 bản đồ và 4 sách bản đồ atlas cổ liên quan Hoàng Sa và Trường Sa, thể hiện lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng ở đảo Hải Nam, và Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. 

Anh đã tặng những tư liệu này cho Viện phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, UBND huyện đảo Hoàng Sa và một số cơ quan khác, đồng thời dự định hoàn thiện tài liệu chú thích bản đồ, làm CD bản đồ tặng các thư viện đại học ở Mỹ.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/giac-mo-may-bay-cua-nguoi-viet-tren-dat-my-744044.tpo

Theo Linh Thi/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm