Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông già 71 tuổi nghiện chơi máy bay tự chế

Chiếc máy bay bằng xốp, dán đầy băng dính có thể lượn lờ tới 10 phút trên không là một trong hàng chục chiếc mà ông Trần Ngọc Trân - kỹ sư chế tạo máy đã tự tay thiết kế để chơi.

Căn phòng nhỏ của người đàn ông 71 tuổi ở Hà Nội chứa đầy máy bay to, nhỏ các loại, từ mô hình quân sự đến những chiếc có động cơ. Ông cho biết, từng là một kỹ sư chế tạo máy, nay đã nghỉ hưu. "Tính ra tôi đã có hơn 50 năm chơi máy bay điều khiển, đó là một niềm đam mê không giới hạn", ông Trân nói.
Những năm trước giải phóng (1959-1960) ông Trân đã bắt đầu thú chơi đặc biệt này. Năm 1964 ông tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ mô hình hàng không Hà Nội. Ông kể thời điểm đó hầu hết mọi người chỉ được chơi máy bay làm bằng giang, tre hoặc gỗ chứ chưa hề có động cơ như hiện nay.
Những năm máy bay bắn phá tại miền Bắc, Câu lạc bộ giải tán, ông cũng theo gia đình sơ tán. Đến khoảng năm 1994 ông mới bắt đầu quay lại với niềm đam mê của mình. "Thời điểm năm 1996 - 1997 giá thành máy bay điều khiển cực đắt và chủ yếu là động cơ máy nổ", ông Trân nói.
Mỗi sáng thứ 4 và thứ 7 hàng tuần, ông già 71 tuổi chuẩn dậy sớm từ 5 giờ sáng chằng bó "đồ chơi" của mình lên xe máy để đến "phi trường" (cách nhà 5km) với các anh em trong Câu lạc bộ. "Ngày nào bận việc mà không đi chơi được tôi cứ cảm thấy bứt rứt, ngứa ngáy trong người làm sao ấy", ông Trân cười nói.
Thời tiết xấu khó bay nhưng nhiều khi Hà Nội có mưa nhỏ ông vẫn lên xe ra bãi với hy vọng chờ một lát trời sẽ đẹp lên.
Cánh đồng vắng vẻ phía sau công viên Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm) trở thành sân chơi quen thuộc mỗi tuần cho các thành viên câu lạc bộ Xuân Đỉnh Hobby. Câu lạc bộ có khoảng hơn 10 thành viên, người trẻ nhất chưa đến 20 tuổi, người lớn nhất đã gần 80 tuổi.
Máy bay mô hình được chia làm hai loại là cánh bằng và trực thăng (helicopter). Nguyên lý cơ bản của máy bay cánh bằng là được kết cấu khí động học, dùng lực thổi của gió vào cánh để nâng máy bay lên.
Hiện nay những chiếc máy bay của bác Trân đều được tự làm bằng xốp xây dựng mỏng nhẹ và bền. Các mảnh xốp được cắt tỉ mỉ, sơn màu và ghép với nhau bằng băng dính, vít nối nhỏ.
Hầu hết được làm bằng xốp xây dựng, mỏng nhẹ và bền. Các mảnh được cắt tỉ mỉ, sơn màu rồi ghép với nhau thành chiếc máy bay.
Động cơ được đặt kín bên trong thân máy bay, nó bao gồm máy nổ, sử dụng nhiên liệu cồn hoặc xăng. Tuy nhiên, hiện nay người chơi ở CLB này chủ yếu dùng động cơ điện với các loại pin gắn kèm, có thể bay được từ 5 đến 10 phút trên không.
Phi cơ mô hình của ông Trân được gọi vui là "Made in Việt Nam xịn" khi sử dụng toàn băng dính và sợi thun trong quá trình cánh ráp với thân.
Những thiết bị không thể thiếu mỗi khi ra "sân bay" gồm hộp đồ nghề tuốc nơ vít, cánh quạt dự phòng, tay điều khiển, pin dự trữ, băng dính, keo gắn...
Cựu kỹ sư chế tạo máy tâm sự, với những người chơi lành nghề, họ có thể cất cánh máy bay mô hình ngay từ trên tay mình mà không cần phải xuất phát chạy đà từ đường băng.
Điều khiển từ xa cũng có rất nhiều loại khác nhau được lắp đặt nhiều kênh chỉnh, có thể giúp người chơi dễ dàng vận hành theo ý mình một cách thuần thục.
Ông tiết lộ, với những người mới chơi, các bài tập cơ bản bay thẳng, vòng tròn, vòng số 8... sẽ cần thiết để tạo ra thói quen tưởng tượng như mình là phi công ngồi trên máy bay để không bị nghịch lái khi máy bay chuyển hướng.
Khi đã bay thành thạo các bài cơ bản, người chơi có thể phát triển các kỹ năng như nhào lộn ngược, là là mặt đất, dựng đứng song song bờ tường hay bay kiểu lá vàng rơi.
Khó nhất trong môn chơi này là thao tác điều khiển 3D (cho máy bay treo đứng im tại chỗ trên không). Các thành viên cùng Câu lạc bộ ông Trân cũng được cho là rất giỏi trong kỹ thuật này, họ có thể làm được kỹ thuật này cho tới khi phi cơ mô hình hết pin.
Với trực thăng mô hình, chủ yếu dùng sức nâng bằng động cơ quạt gió. Nhiều bạn trẻ có trí tưởng tượng và sáng tạo còn chế ra những mô hình bay như phi thuyền trong phim chỉ bằng 3 động cơ điện cùng gỗ ép và xốp. Một người chơi tiết lộ, có những chiếc thậm chí còn thiết kế được tới 8 động cơ, có thể bay tự động, gắn định vị vệ tinh, đo độ cao.
Trong Câu lạc bộ còn có hai người thầy dạy đầu tiên của câu lạc bộ máy bay mô hình Hà Nội những năm đầu sau giải phóng 1954 là ông Khiêm và ông Văn. Ngoài ra còn có ông Phượng (78 tuổi), tham gia chơi mới được vài năm cùng câu lạc bộ. Người giáo viên về hưu này thích những chiếc phi cơ bay có động cơ lớn, nhanh và mạnh, đặc biệt là mô hình quân sự.
Ông Trân cho biết, sẽ chơi cho đến khi nào sức khỏe còn cho phép. Ông bảo, trong nhóm cũng đã có cụ gần 80 tuổi bị vợ "cấm bay" vì lo lắng cho sức khỏe.

Ảnh: Tuấn Mark - Clip: Mạnh Thắng

Bạn có thể quan tâm