Chân dung
Từ lúc nổi đình đám với Invoker lên Necromicon đến rực sáng với vai trò thủ lĩnh Aces Gaming và cuối cùng là qua đời, Lis luôn gắn bó và cống hiến hết mình với Dota 2.
Trong buổi hoàng hôn của Dota 1 tại Việt Nam, Lis là một trong những hiện tượng ở các diễn đàn bàn luận về custom map trên Warcraft III.
Đội Baucat của Lis và Hoalua được coi là thế lực nhất định của Dota 1 ngày đó, đối đầu với Skynet ở Hà Nội và Starboba tại TP.HCM. Nổi bật với Puck, IO và đặc biệt là Invoker lên Necromicon, Lis được nhiều tay chơi Dota 1 ngày ấy nể phục vì vươn lên thành game thủ hàng đầu nhờ việc tìm tòi sáng tạo.
Lis (ngoài cùng bên trái) là thủ lĩnh của Aces Gaming từng gây chấn động một thời ở khu vực Đông Nam Á. |
Anh cả của Dota 2 Việt Nam
Khi Dota 1 chuyển mình sang Dota 2 với hệ thống giải đấu phát triển mạnh, Lis đã vượt qua cái bóng của đàn anh Starboba để đại diện cho Việt Nam tung hoành ở khu vực Đông Nam Á cùng Aces Gaming với đội hình gồm QQ, Misa, Tài Polime và KL7.
Lis là đội trưởng và xương sống cho chiến thuật IO-Bristleback của Aces Gaming. IO trong tay Lis nổi tiếng với việc lên thẳng Heart of Tarrasque để hồi máu được tối đa cho các hero chơi core.
Từng có thời điểm Aces Gaming với Lis làm thủ lĩnh vươn lên đứng thứ 22 trên bảng xếp hạng của Gosugamers, cao hơn cả cựu vương The International 2013 sa sút ngày đó là Alliance.
Tuy nhiên, sau đỉnh cao, Lis rời Aces Gaming trong một vụ thay đổi nhân sự lùm xùm ngày đó. Đội hình toàn sao của Aces Gaming thi đấu sa sút. Chính Lis cũng không thành công với đội hình mới. Dota 2 Việt Nam lại chìm sâu cho tới thời điểm "phượng hoàng" 496 trở lại ở vài giải đấu cấp khu vực.
Trước khi Lis qua đời tối 11/1, 496 với Bombi, HTZ, Datbb, Red và Hutsla đã đưa Dota 2 Việt Nam đi những bước xa kể từ thời Aces Gaming tung hoành khi vào Upper Division của DPC 2021, giành 22.000 USD tiền thưởng và cơ hội lần đầu đưa Việt Nam tới giải đấu tầm cỡ Major ở Dota 2. Red, offlaner của 496 chính là "học trò" từng được Lis chỉ dạy và tiến bộ.
Đam mê và hiện thực nghiệt ngã
Gần một tháng trước khi đột ngột qua đời, Lis có một phiên livestream chia sẻ nhiều điều với các khán giả trung thành.
Cựu đội trưởng Aces Gaming bật khóc khi nhắc tới những góc khuất của một game thủ từng chơi chung. Anh thừa nhận cảm thấy bất lực, không giúp được khi bố của đồng đội bị bệnh, dẫn tới tiêu cực. "Tôi chẳng có vấn đề gì, đói thì ăn khoai, ăn sắn cũng được, nhưng không giúp được anh em, buồn lắm", Lis nói với giọng ngắt quãng.
Lis (áo đỏ) là game thủ gần như không có anti-fan ngay cả trong cộng đồng nổi tiếng về độ bảo thủ như Dota 2 Việt Nam. Ảnh: FBNV. |
Trong cả sự nghiệp, Lis đã luôn là một game thủ lo lắng tới anh em và nhiệt tình như thế.
Starboba SoSoon lẫy lừng ngày nào thực tế cũng chỉ nhiều hơn Lis 1 tuổi. Song game thủ cầm Furion hay nhất thế giới của Dota 1 đã "hạ cánh" từ lâu với một gia đình nhỏ.
Lis thì khác. Anh độc thân và cho đến vài ngày cuối đời, Lis vẫn nhiệt tình tổ chức giải đấu cho cộng đồng, cùng nhiều anh em dậy dựng một website dạy cách chơi Dota 2.
Cộng đồng Dota 2 ở Việt Nam vẫn hay gọi đây là "dead game" (game chết), bởi Dota 2 không có nhà phát hành nội địa, quá khó để những người mới chơi bắt đầu và sở hữu cộng đồng tương đối bảo thủ.
Mặc kệ tất cả, Lis vẫn miệt mài cùng nhiều anh em tạo ra những con đường. Không ai nỗ lực vì cộng đồng, thì Lis sẽ làm điều đó, với uy tín và danh tiếng của thủ lĩnh luôn nhiệt tình và gần như chưa từng bị ghét bỏ bởi cộng đồng.
Lis và nhiều game thủ kỳ cựu khác ở tựa game Dota 2 tại Việt Nam thực tế không có cuộc sống tươm tất từ đam mê game. Phía sau những trận đánh mãn nhãn người hâm mộ là hiện tại khắc nghiệt. Những game thủ phải xoay xở đủ nghề để kiếm sống.
Lis từng chọn cách cách rank thuê (boost rank). Anh từng chia sẻ tháng lý tưởng thì kiếm được 20 triệu mỗi tháng nhờ công việc này. Song cũng có thời điểm chỉ kiếm được 500.000 đồng.
Ngay cả khi có chức danh là HLV một đội Dota 2, thu nhập của Lis cũng chỉ dừng lại ở mức 3 triệu mỗi tháng.
Sau khi Lis qua đời, nhiều game thủ khẳng định với tài năng và tư duy chơi game Moba, cựu thủ lĩnh của Aces Gaming hoàn toàn có thể chuyển sang thi đấu ở những tựa game khác và ít nhất là sống được với game. Song Lis vẫn quyết gắn bó với mảnh đất khô cằn Dota 2 ở Việt Nam, để xây dựng từng viên gạch cho cộng đồng, mặc kệ anh không nhận được thu nhập tương xứng.
Những khán giả trung thành của Lis biết ước nguyện trong tương lai của anh. Lis muốn lên chùa ở. Trước đó, anh khao khát cháy bỏng được một ngày thấy Dota 2 Việt Nam ở giải tầm cỡ Major.
Những người em của Lis là 496 Gaming đang tiến gần tới cột mốc ấy sau sự thay đổi lớn của nhà phát hành Valve ở việc tổ chức giải đấu.
Việc vào Upper Division ở DPC 2021 từ đó ẵm 22.000 USD tiền thưởng giúp 496 có kinh phí để duy trì đời sống cho các game thủ. Những trận đấu quyết liệt với các đội game hàng đầu khu vực như Fnatic, TNC... cũng có giá trị lớn với 496 trong việc nâng cao trình độ.
Nhiều game thủ tin nếu hệ thống giải đấu này được Valve áp dụng từ thời Aces Gaming với Lis còn tung hoành, diện mạo của Dota 2 Việt Nam đã rất khác. Nhiều game thủ không dính tiêu cực. Dota 2 Việt Nam cũng khoác lên mình tấm áo tử tế và tươm tất hơn.
Đây cũng chính là điều khiến cộng đồng buồn bã hơn cả về sự ra đi đột ngột của Lis. Ngay thời điểm bắt đầu đang có những tia sáng rọi xuống con đường của Dota 2 Việt Nam, thì người anh cả lại ra đi.
Cộng đồng Dota 2 Việt Nam tin Lis giờ đã trở nên "bất tử" thật trong trái tim họ. Và ngày đại diện của Việt Nam góp mặt ở một giải đấu cỡ Major hay xa hơn là The International, Lis ở đâu đó sẽ mỉm cười.
Magical: "Tôi đang cố gắng thuyết phục Valve đưa hình ảnh Lis vào Dota 2"
Quản lý của 496 Gaming, Huỳnh Hữu "Magical" Nghĩa, xác nhận với Zing, anh đang cố gắng thuyết phục Valve thêm hình ảnh và có thể là cả những câu nói của Lis vào Dota 2 trong phần chatwheel. Đây là đặc quyền được Valve dành cho những đội giành quyền vào Upper Division tại DPC 2021.
Nói về chặng đường sắp tới, Magical cho biết 496 "sẽ cố gắng hết sức" tại Upper Division. Ngày 13/1, cả đội 496 sẽ về Bình Phước viếng tang Lis.