Đề xuất táo bạo
Kế hoạch đầy tham vọng trên được ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đề cập tại Hội nghị về tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, tổ chức mới đây tại Hà Nội. Chi tiết hơn, Minh Phú đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về đề án này.
Trên thực tế, Đề án Chuỗi giá trị tôm, cá toàn cầu của Minh Phú đã được nghiên cứu trong hơn 3 năm. Mô hình này dựa trên sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân, trong đó doanh nghiệp làm đầu mối, hỗ trợ toàn diện về tài chính, quản lý, kiểm soát công nghệ… để phát triển chuỗi giá trị khép kín, từ giống nuôi trồng, chế biến xuất khẩu, kênh phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng.
Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Minh Phú đề xuất, tổng vốn đầu tư của các dự án thành phần trong chuỗi giá trị đạt tối thiểu 2.000 tỷ đồng, sử dụng được tối thiểu 5.000-10.000 lao động, chưa kể hàng vạn hộ nông dân tham gia liên kết trong chuỗi giá trị. Doanh nghiệp ký kết hợp đồng cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm vi sinh và hướng dẫn quy trình nuôi, giám sát quy trình nuôi, hợp đồng mua lại sản phẩm tôm cá với tối thiểu 10.000 hộ nuôi...
Doanh nghiệp cũng sẽ phát triển, kết nối chuỗi giá trị, nhằm đảm bảo phát triển bền vững ở tất cả các khâu, từ sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi tôm cá cung cấp cho các hộ nông dân, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp phân phối, đến các hoạt động hỗ trợ như công nghệ, logistics.
Dự án của Minh Phú sẽ giúp tạo ra thêm ít nhất 20.000 việc làm trong các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất thức ăn... |
Chuỗi giá trị tôm cá toàn cầu Minh Phú sẽ bao gồm 12 khâu: nghiên cứu khoa học và công nghệ ứng dụng trong ngành thủy sản, nghiên cứu gia hóa chọn giống và sản xuất tôm bố mẹ, cá bố mẹ, sản xuất tôm giống, cá rô phi giống, sản xuất chế phẩm vi sinh về môi trường, sản xuất thức ăn tôm, cá… Đặc biệt, Minh Phú sẽ xây dựng chuỗi cung ứng tôm và cá rô phi khép kín phủ khắp các hộ nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Nam Trung Bộ, xây dựng cơ sở nuôi, chế biến tôm, cá xuất khẩu…
Quan trọng hơn, Đề án được xây dựng dựa trên nền tảng xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài với hàng chục vạn hộ nông dân, từ các vùng duyên hải miền Tây tới Nam Trung Bộ. Trong đó, Minh Phú sẽ hỗ trợ các hộ nông dân kiểm soát tốt các khâu từ giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi, xử lý dịch bệnh và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường.
Với phương thức này, người nông dân vẫn được quyền chủ động trên mảnh đất, vuông tôm của mình, nhưng việc nuôi trồng sẽ có hiệu quả kinh tế cao, ổn định, bền vững hơn nhờ có sự hỗ trợ toàn diện của doanh nghiệp từ kỹ thuật, giống vốn cho đến bao tiêu sản phẩm.
Do vậy, Đề án sẽ tạo điều kiện cho người nông dân giảm thiểu các khó khăn, rủi ro trong hoạt động nuôi tôm, cá, được trở thành một bộ phần hữu cơ cùng chia sẻ lợi nhuận và sự phát triển chung của chuỗi giá trị và góp phần ổn định đời sống và công ăn việc làm cho hàng chục vạn hộ nông dân. Đồng thời, phương thức hoạt động của Đề án cũng giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn về nguyên liệu, đặc biệt là vấn đề kháng sinh và tạp chất, giúp nâng cao chất lượng và vị thế sản phẩm thủy sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ước tính, Dự án sẽ giúp tạo ra thêm ít nhất 20.000 việc làm trong các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất thức ăn, phân phối và góp phần ổn định công ăn việc làm, đời sống kinh tế cho hàng chục vạn hộ nông dân tham gia chuỗi giá trị.
Ông Quang cho biết, đây là mô hình tiên phong duy nhất tại Việt Nam có được các ưu điểm nói trên, và đã được ứng dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới. Ông hy vọng, chuỗi giá trị tôm cá toàn cầu Minh Phú sẽ là dự án đầu tiên, đi tiên phong tại Việt Nam trong việc thực hiện chuỗi giá trị thủy sản khép kín.
Theo mô hình này, Minh Phú sẽ khép kín chuỗi giá trị thủy sản từ đầu vào đến đầu ra, từ nghiên cứu khoa học cho đến ứng dụng sản xuất, chế biến. Làm được như vậy, giá thành sản phẩm của toàn chuỗi sẽ giảm được trên 20%, là cơ sở để Minh Phú mua tôm nguyên liệu đầu vào của các hộ dân tham gia chuỗi cung ứng cao hơn 10-20%.
Điều đặc biệt mà dự án chuỗi giá trị của Minh Phú hứa hẹn sẽ mang lại, là với quy trình chuỗi giá trị khép kín, cho ra những thành phẩm chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm, khách hàng sẽ sẵn sàng mua thành phẩm với giá cao hơn 10-20% so với giá thị trường.
Cần nỗ lực mới có thể thực thi
Nếu định hướng hiện nay của Minh Phú chỉ tập trung vào xuất khẩu, thì tới đây, Minh Phú sẽ có những thay đổi nhất định. Gần nhất là sự thay đổi về quan điểm của ông Quang với thị trường nội địa. Doanh nhân này nhận thấy mình đã bỏ qua một thị trường quan trọng và rất tiềm năng.
Ông Quang đã đặt mục tiêu tăng doanh thu của thị trường nội địa lên khoảng 5% trong cơ cấu doanh thu của Minh Phú ít nhất 5 năm tới, song điều này không đơn giản. Ông Quang hy vọng, Đề án Đầu tư chuỗi giá trị tôm cá toàn cầu là mũi tên trúng nhiều đích, trong đó có cả việc giải quyết câu chuyện trở về thị trường nội địa.
Tuy nhiên, để có thể thực thi được đề án trên, sẽ có không ít thách thức đặt ra cho Minh Phú. Khó khăn nhất là thiếu diện tích đất tập trung lớn để thực hiện toàn bộ chuỗi giá trị khép kín. Để giải quyết câu chuyện này, Minh Phú dự kiến thực hiện Đề án trên địa bàn nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Nam Trung Bộ từ nay đến năm 2025, sau đó, sẽ rút kinh nghiệm và triển khai mở rộng chuỗi giá trị ra các địa phương trên cả nước.
Với việc triển khai chuỗi giá trị rải rác trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố như vậy, Minh Phú sẽ phải hợp tác với nhiều hộ gia đình nông dân nhỏ lẻ để sản xuất nguyên liệu. Vì các hộ gia đình nông dân nhỏ có trình độ sản xuất khác nhau, diện tích đất sản xuất nhỏ, không tập trung, nên sẽ rất khó áp dụng các phương thức nuôi trồng thủy sản hiện đại. Đồng thời sẽ đẩy cao mức chi phí đào tạo kỹ thuật nuôi tôm, cá chuẩn cho nông dân để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm đầu ra cho chế biến.
Hiện Minh Phú đã đề xuất áp dụng một số chính sách, cơ chế đặc biệt cho dự án chuỗi giá trị, ví dụ như đề xuất về thuế thu nhập doanh nghiệp, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ kinh phí… Đồng thời, đơn vị này cũng đề xuất các bộ, ban ngành có liên quan tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện các thủ tục để triển khai dự án chuỗi giá trị.
Một số mức ưu đãi hỗ trợ theo đề xuất của Minh Phú có thể chưa được thể hiện trong các văn bản pháp luật hiện hành. Bởi vậy, bên cạnh nhiệt huyết của doanh nghiệp, cũng rất cần sự “vào cuộc” quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước.
“Đây là lĩnh vực có nhiều thách thức với nhà đầu tư vì cần vốn lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, quản lý phức tạp, vì liên quan đến số lượng nhân công và nông dân quá lớn, có rủi ro cao hơn rất nhiều so với sản xuất công nghiệp, trong khi nền tảng công nghệ pháp lý, cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn ở Việt Nam còn nhiều yếu kém”, ông Quang chia sẻ.
Nói về những ưu đãi chưa có tiền lệ với doanh nghiệp Việt Nam, vị chủ tịch trầm ngâm: “Mức hỗ trợ ưu đãi đầu tư nói trên thực chất là không cao so với các ưu đãi đầu tư mà Chính phủ đã dành cho các dự án nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam, như dự án của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) hay của Tập đoàn Compal (Đài Loan). Trong khi đó, đề án của Minh Phú chắc chắn sẽ mang lại giá trị gia tăng nội địa cao hơn rất nhiều, vì toàn bộ nguyên liệu và sản phẩm được khai thác và sản xuất tại Việt Nam”.
Hiện tờ trình của Minh Phú đang được xem xét. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ sẽ thành lập hẳn một tổ công tác để phối hợp với Minh Phú trong câu chuyện này.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cho rằng, với quy mô dự án lớn như chuỗi giá trị tôm cá toàn cầu của Minh Phú, với đặc thù của dự án mang nhiều ý nghĩa với nền nông nghiệp Việt Nam và hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho việc phát triển kinh tế- xã hội, doanh nghiệp rất xứng đáng để được hỗ trợ áp dụng cơ chế đặc biệt thí điểm.