Công ty CP Hùng Vương (mã chứng khoán HVG) cho biết đang chuẩn bị phát hành thêm 30 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược Singapore với giá thấp nhất là 30.000 đồng/cổ phiếu. Việc phát hành sẽ mang lại khoản thặng dư 30 triệu USD và nâng giá trị sổ sách của HVG. Lãnh đạo công ty CP tập đoàn Minh Phú (mã chứng khoán MPC) cũng cho biết sẽ chuyển đổi Công ty TNHH Chế biến thủy sản Minh Phú - Hậu Giang (mã chứng khoán MPHG) do Minh Phú nắm 90% vốn thành công ty CP bằng cách chào bán 26,5 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nâng vốn điều lệ từ 600 tỉ đồng lên gần 866,7 tỷ đồng.
Việc đại gia thủy sản bắt tay với nhà đầu tư nước ngoài hy vọng sẽ mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành thủy sản Việt Nam. |
Trước đó, năm 2012, Minh Phú đã từ chối hợp tác với đối tác Thái Lan là công ty Charoen Pokpand Foods (CP Foods) dù giá thỏa thuận lên đến 50.000 đồng/cổ phiếu. Thời điểm đó, Minh Phú công khai quan điểm chọn nhà đầu tư để phát triển mạnh trong tương lai, tận dụng cơ hội và tiềm năng của DN để thực hiện tham vọng trở thành công ty đa quốc gia trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm và kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.
Không chỉ 2 đại gia nằm trong tốp đầu ngành thủy sản Việt Nam công khai việc hợp tác với nhà đầu tư ngoại, một số DN khác trong ngành cũng âm thầm tìm nhà đầu tư nước ngoài. Công ty CP Gò Đàng (mã chứng khoán: AGD) đã mạnh tay bán 49% CP cho khối ngoại và tuyên bố muốn rời khỏi sàn chứng khoán. Ở lĩnh vực thủy hải sản chế biến, đầu năm 2012, công ty Thực phẩm Cholimex đã bán 19% CP cho đối tác Nhật - một DN hoạt động trong ngành thực phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết bán CP, hợp tác với nhà đầu tư ngoại là việc rất riêng của DN. DN chỉ công bố, chia sẻ thông tin sau khi thương vụ thành công. Bán CP là một trong những giải pháp của DN để giải quyết bài toán thiếu vốn.
Được hay mất?
Khác với các DN sản xuất hàng tiêu dùng cho nội địa, hầu hết công ty thủy sản đều làm hàng xuất khẩu và sản xuất, đóng gói sản phẩm theo thương hiệu của nhà nhập khẩu nên không lo ngại mất thương hiệu sau khi bán CP. Ngoài ra, ngành thủy sản Việt Nam chưa có những thương hiệu mạnh nên không lo việc bán dưới giá thương hiệu mình. “Bán CP có thể giúp DN tăng vốn, tiếp nhận công nghệ sản xuất hiện đại, cách quản lý mới nhưng nếu không kiểm soát được, để nhà đầu tư nắm lượng cổ phiếu chi phối có thể ảnh hưởng đến tính chủ động của công ty. Trong bối cảnh nhiều DN thủy sản đi lên từ cơ sở nuôi trồng, buôn bán nhỏ, rất ít DN được đầu tư bài bản thì sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tác động nâng cao trình độ quản trị là hết sức cần thiết. Quan trọng là DN phải nhìn rõ được 2 mặt của vấn đề và chọn nhà đầu tư phù hợp” - ông Nguyễn Hữu Dũng nói.
Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - tài chính - ngân hàng, chuỗi thủy sản là chuỗi giá trị toàn cầu, từ khâu con giống, thức ăn, nuôi trồng, sản xuất đến đầu ra. Hiện chuỗi giá trị thủy sản của Việt Nam còn thấp, chúng ta mong muốn thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị này, nên việc các DN lớn như Hùng Vương, Minh Phú hợp tác với đối tác ngoại sẽ có cơ hội mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho DN. Ngay cả những DN lớn, lừng lẫy của Mỹ vẫn chào đón nguồn vốn trên thế giới đổ vào DN mình. Vì vậy, thu hút nhà đầu tư ngoại góp vốn trong lĩnh vực thủy sản không phải là vấn đề đáng quan ngại mà ngược lại, đây là tín hiệu tốt.