Lãnh đạo một công ty xăng dầu phía Nam cho biết, tính đến ngày 17/7, tức là trước 2 ngày nghỉ cuối tuần, cập nhật giá xăng dầu cho thấy doanh nghiệp (DN) kinh doanh mặt hàng này đang có lãi không nhỏ ở dầu diesel, với mức trên 700 đồng/lít. Riêng các mặt hàng xăng, mức lãi là 420-430 đồng/lít. Các mặt hàng dầu khác có mức lãi không đáng kể.
Chờ giảm giá!
“Kỳ điều hành vào ngày 20/7 sẽ cập nhật giá đến hết 2 ngày cuối tuần, để có con số điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, do Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) đã được xả một thời gian dài mà chưa dừng lại để tìm nguồn bù đắp nên lần này, không loại trừ khả năng giá xăng dầu không được giảm hết mức chênh lệch, mà thay vào đó là giảm tiêu thụ quỹ BOG”, lãnh đạo công ty xăng dầu nói trên dự báo.
Giá xăng thế giới so với cùng kỳ đã giảm đáng kể nhưng giá bán lẻ trong nước không giảm tương ứng. |
Một DN bán lẻ xăng dầu khác thì cho rằng, mức trích lập quỹ BOG có thể sẽ được tăng cao hơn mức 300 đồng/lít hiện hành, nhằm bù đắp mức chi đối với xăng khoáng đang hơn 500 đồng/lít và xăng E5 hơn 300 đồng/lít. “Như vậy, kéo theo giá cơ sở tăng và mức giảm giá sẽ không như kỳ vọng”, vị đại diện nói.
Thực tế, theo tính toán, giá xăng bán buôn đã giảm 2,24%-2,72% kể từ lần điều chỉnh giá bán lẻ vào ngày 4/7. Với mặt hàng dầu diesel, giá bán buôn đã giảm 7,67%-7,55%. Tương ứng với tỷ lệ giảm này, Công ty CP Chứng khoán TP HCM (HSC) cuối tuần qua đưa ra con số chênh lệch gần trùng khớp với mức chênh lệch thực tế được các đầu mối xăng dầu đưa ra: 545-555 đồng/lít với xăng và 739-753 đồng/lít đối với dầu diesel.
Tuy vậy, HSC cũng lưỡng lự dự báo: “Giá xăng có thể giảm 700-800 đồng/lít hoặc giảm 400 đồng/lít cộng với tăng mức trích lập quỹ bình ổn của các đơn vị đầu mối”.
Quá nhiều thứ xen vào giá xăng
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước đã nhập 1,4 triệu tấn xăng với mức chi 875 triệu USD, tương ứng giá xăng là 629 USD/tấn. Trong khi đó, cùng thời điểm năm ngoái, giá nhập khẩu xăng là 1.000 USD/tấn.
“Giá xăng thế giới so với cùng kỳ đã giảm đáng kể nhưng giá bán lẻ trong nước không giảm tương ứng. Năm ngoái là 22.000 đồng/lít thì năm nay vẫn khoảng 18.000 đồng/lít, chứng tỏ chúng ta đang để quá nhiều loại phí, thuế, quỹ bình ổn… xen vào giá xăng, khiến giá bán lẻ trong nước không phản ánh đúng tình hình thực tế giá thế giới.
Do vậy, dù có tính toán mức chênh lệch theo đúng nguyên tắc, thì vẫn khó có thể dự báo được khả năng điều chỉnh của cơ quan nhà nước, bởi còn phải cân nhắc nhiều công cụ khác”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận xét.
Còn theo Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế - xã hội thế giới thì đa số giới phân tích cho rằng trong ngắn hạn, giá xăng, dầu thành phẩm thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, trong tháng 7/2015, giá mặt hàng này có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. Như vậy, cơ hội giảm giá xăng dầu tuy có nhưng mức giảm có đúng với kỳ vọng của người tiêu dùng hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Tăng nhiều hơn giảm
Giá xăng tính từ đầu năm 2015 đến ngày 4/7 đã được điều chỉnh 7 lần, với 3 lần giảm và 4 lần tăng.
Những lần tăng giá được tiến hành vào các ngày 11/3, 5/5, 20/5 và 19/6. Trong đó, lần tăng giá mạnh nhất là vào ngày 5/5, với mức tăng 1.950 đồng/lít. Tổng cộng 4 lần tăng giá, giá xăng RON 92 đã tăng thêm 5.040 đồng/lít.
Các đợt giảm giá được tiến hành vào các ngày: 6/1 với 310 đồng/lít; 21/1 với 1.900 đồng/lít và 4/7 với 330 đồng/lít. Sau 3 lần giảm, giá xăng RON 92 giảm được 2.540 đồng/lít.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, mức tăng của giá xăng gấp khoảng 2 lần mức giảm giá. Nguyên nhân được cho là do giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới có dấu hiệu hồi phục, đồng thời các công cụ bình ổn giá xăng dầu như thuế, quỹ BOG tiếp tục được sử dụng triệt để.