Tính bình quân sơ bộ, hiện mỗi tấn xăng dầu thành phẩm các loại nhập khẩu có giá trên 573 USD trong khi mức giá của cùng kỳ năm ngoái là trên 943 USD. Thêm một số liệu nữa để thấy giá xăng dầu đang có vấn đề: Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2015, kết thúc quý I/2015, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đạt 461 tỷ đồng, tăng 80% so với con số đạt được cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng tăng 77% lên gần 388 tỷ đồng.
Điều đó cũng chưa đáng sợ. Theo tiết lộ của các đại lý bán xăng dầu, từ đầu năm tới nay, nhiều thời điểm các doanh nghiệp xăng dầu, kể cả Petrolimex, đã chiết khấu hoa hồng cho các đại lý tới 1.000 đồng/lít xăng. Cũng theo các đại lý, với mức chiết khấu đó, các đại lý (cây xăng) có lãi trên 500 đồng/lít. Mỗi cây xăng sẽ có lãi tới hàng chục triệu đồng/ngày.
Vậy giá xăng cao có lý của nó. Chỉ có điều, đó là lý của người bán, người kinh doanh xăng dầu, chưa thấy lý của người dân và nền kinh tế, đặc biệt chưa thấy lý của nhà quản lý vì giá xăng dầu được quản lý chặt theo Nghị định 83/CP.
Tăng hoa hồng, sao doanh nghiệp vẫn lãi?
Trao đổi với báo chí nhân dịp công bố Báo cáo tài chính Quý I/2015, Petrolimex cũng thừa nhận: Chính sách điều hành giá xăng dầu những tháng đầu năm nay đã luôn đảm bảo lợi nhuận, hiệu quả cho doanh nghiệp xăng dầu. Mặt khác, theo Nghị định 83/CP, trong công thức tính giá cơ sở, chi phí kinh doanh xăng dầu đã được điều chỉnh tiệm cận với chi phí thực tế của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời giá cơ sở được tính bình quân 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc (tối thiểu 30 ngày), vì vậy, khi giá xăng dầu thế giới biến động theo xu hướng tăng trở lại thì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh xăng sẽ được hỗ trợ từ hàng tồn kho. Vậy quy định về chi phí kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83/CP như thế nào?
Thông tư liên tịch của liên Bộ Công Thương - Tài chính về phương pháp tính giá cơ sở, cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu quy định: Chi phí kinh doanh xăng dầu là 1.050 đồng/lít xăng, 950 đồng/lít dầu.
Giá cơ sở của các Bộ không phản ánh đúng thực tiễn kinh doanh xăng dầu. Ảnh: Anninhthudo. |
Trong đó quy định có 300 đồng lợi nhuận/lít xăng dầu. Vậy với việc chi hoa hồng cho đại lý tới 1.000 đồng/lít xăng, làm sao doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có lãi? Nhiều chuyên gia cho rằng, trên thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang có lãi cao hơn rất nhiều so với mức 300 đồng/lít. Lãi này ở đâu? Rất đơn giản. Số liệu công bố từ Tổng cục Hải quan cũng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, lượng xăng dầu nhập khẩu đã tăng vọt, hơn 23%.
Điều đáng nói, xét về giá trị nhập khẩu xăng dầu lại giảm tới gần 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Rõ ràng, giá trị nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh là do giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm giảm theo xu hướng của giá dầu thô. Tính bình quân sơ bộ, hiện mỗi tấn xăng dầu thành phẩm các loại nhập khẩu có giá trên 573 USD trong khi mức giá của cùng kỳ năm ngoái là trên 943 USD.
Thêm nữa, ví dụ với một doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trong kinh doanh xăng dầu, Petrolimex, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2014 đạt khoảng 6,03%, sản lượng xuất bản dầu quý I/2015 của Petrolimex tăng trưởng 12% so với cùng kỳ, trong điều kiện kinh doanh hiệu quả đã làm cho quy mô lợi nhuận của Tập đoàn tăng so với cùng kỳ 2014.
Cũng theo Nghị định 83, chi phí kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp và việc chi hoa hồng cho đại lý thuộc thẩm quyền quản lý của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất, kinh doanh của mình, nhưng không được vượt qua giới hạn 1.050 đồng/lít xăng, 950 đồng/lít dầu.
Vậy khi doanh nghiệp đã chi 1.000 đồng/lít cho đại lý thì doanh nghiệp phải có khoản lãi ngoài giá cơ sở để Bộ Công thương tính giá bán lẻ. Như vậy có thể thấy, giá cơ sở của các Bộ không phản ánh đúng thực tiễn kinh doanh xăng dầu. Giá xăng dầu của các doanh nghiệp nhập về thấp hơn giá trung bình trong 15 ngày chu kỳ tính giá. Và nền kinh tế cũng như người tiêu dùng phải trả giá cho sự bất hợp lý đó. Quả bóng bây giờ được đá sang các Bộ có trách nhiệm tính giá cơ sở.
Vẫn lãi lớn
Cũng trong báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2015, Petrolimex khẳng định: Do hoạt động chính của Công ty mẹ là nhập khẩu và bán xăng dầu cho các Công ty con kinh doanh xăng dầu trong nước.
Trong điều kiện Nghị định 83 đã đi vào vận hành, bước sang năm 2015, Tập đoàn đã chủ động điều chỉnh cơ chế kinh doanh xăng dầu áp dụng trong nội bộ tập đoàn theo hướng đảm bảo cân đối nguồn lực giữa công ty mẹ và các Công ty con trên nguyên tắc dự trữ nguồn lực tại đầu nguồn, đồng thời ổn định nguồn lực tại tuyến sau để phát triển thị phần, gia tăng sản lượng bán. Như vậy đã có sự chia lãi của Công ty mẹ cho các công ty con, cho các đại lý để phát triển thị phần.
Vấn đề ở đây là chúng ta xác định chi phí định mức kinh doanh xăng dầu bất hợp lý. Doanh nghiệp xăng dầu lợi nhuận cao đã lợi dụng “đẩy” phần lợi ấy cho đại lý rồi được “lại quả” còn giảm giá cho người tiêu dùng thì ít.
Vấn đề quan trọng là chi phí kinh doanh định mức, chiết khấu kinh doanh xăng dầu trong điều kiện thị trường còn độc quyền như hiện nay thì phải được các cơ quan Nhà nước khách quan, công tâm kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Bộ Tài Chính nên giám sát chặt chẽ việc chiết khấu hoa hồng cho các đại lý. Không để người tiêu dùng vốn đã chịu thiệt lâu nay giờ phải gánh thêm cả lãi khủng của các đại lý khi tăng hoa hồng.
Hiện mỗi tấn xăng dầu thành phẩm các loại nhập khẩu có giá trên 573 USD. Ảnh: Anninhthudo. |
Trong một cơ chế không cạnh tranh như hiện nay, Petrolimex tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trên thị trường nội địa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. 42/68 đơn vị thành viên Petrolimex trực tiếp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn 62/63 tỉnh, thành phố. Đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu; trong số khoảng 13.500 cửa hàng xăng dầu thuộc tất cả các thành phần kinh tế, Petrolimex sở hữu 2.170 cửa hàng hiện diện trên khắp cả nước.
Petrolimex có thị phần cao hơn so với thị phần bình quân của toàn Tập đoàn. Tính chung trên phạm vi cả nước và căn cứ sản lượng xăng dầu thực xuất bán tại thị trường nội địa (tại Việt Nam) năm 2013, thị phần thực tế của Petrolimex khoảng 48%. Đồng thời, công ty mẹ lại có cổ phần lớn tại hầu hết các công ty con, vì vậy có tăng chiết khấu hoa hồng, phần lợi nhuận của đại lý cũng có phần lớn chảy về công ty mẹ.
Rõ ràng lãi khủng của các doanh nghiệp xăng dầu trong đó chủ yếu là Petrolimex là hưởng lãi bất hợp lý và giá của sự bất hợp lý chính là làm tăng giá thành hàng hóa, làm giảm sự cạnh tranh của nền kinh tế. Đã có ý kiến nên sửa lại Nghị định 83/CP về cách tính giá cơ sở, trên giá xăng dầu nhập khẩu thực chứ không phải giá trên thị trường theo chu kỳ.
Doanh nghiệp được đảm bảo lợi nhuận định mức trong chi phí kinh doanh như 1.050 đồng/lít xăng thì không nên đi buôn với chính nền kinh tế. Chỉ khi nào, chúng ta có một thị trường xăng dầu cạnh tranh thật sự, lúc đó có thể thả giá xăng dầu cho thị trường quyết định. Khi chưa có thị trường cạnh tranh, cần quản chặt, không để các doanh nghiệp xăng dầu lợi dụng cơ chế làm tiền người dân và các doanh nghiệp trong nước.