Dù dầu thế giới cũng như thành phẩm tại các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam không duy trì xu hướng giảm giá suốt chu kỳ 15 ngày vừa qua nhưng theo dự báo của một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu ở TP HCM, giá xăng trong nước có thể có lần giảm thứ 4 liên tiếp trong năm 2016. Mức giảm không lớn bằng hai lần liền kề, tối đa chỉ là 500 đồng một lít.
Hiện tại, giá xăng trong nước vẫn giữ ở mức tương đương thời điểm trước Tết Nguyên đán, 14.713 đồng một lít. Đây cũng là mức giá thấp nhất kể từ năm 2009, và chỉ còn cao hơn mức giá cuối năm 2008 gần 3.000 đồng một lít.
Theo chuyên trang thống kê giá xăng thế giới Global Petrol Prices, giá xăng Việt Nam hiện thấp hơn mức trung bình thế giới khoảng 27%, và luôn duy trì trong nhóm 40 nước có giá thấp nhất thế giới.
Dự báo, ngày 18/2, giá xăng trong nước sẽ có phiên giảm thứ tư liên tiếp kể từ đầu năm 2016. Ảnh minh họa: Mạnh Thắng. |
Việt Nam cũng là một trong số ít trường hợp nguồn cung xăng thành phẩm tuy phụ thuộc lớn vào nước ngoài, nhưng giá vẫn ở mức rất thấp, chỉ bằng bằng 50% của Đức. Thậm chí, nếu so với nước có giá nhiên liệu đắt nhất thế giới thì số tiền để người Hong Kong mua một lít xăngcó thể giúp người Việt đổ đầy bình 2,5 lít.
Tuy vậy, Global Petrol Prices đánh giá, chính sách bảo hộ, trợ giá hay thuế phí của các nước phát triển và các nước nghèo rất khác nhau, nên giá cũng sẽ có chênh lệch lớn.
Trước đó, ngày 16/2, Nga và Ả-rập Xê-út đã đạt được thỏa thuận giữ nguyên mức khai thác dầu thô như tháng 1/2016 nhằm giải quyết bài toán dư cung đang ngày càng nhấn chìm giá "vàng đen" xuống mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua.
Riêng Iran, một trong những quốc gia có dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới, có chi phí sản xuất một thùng dầu rẻ nhất thế giới (chỉ 1 USD) cũng bảy tỏ thiện chí muốn cùng Ả-rập Xê-út (cũng là một thành viên của OPEC) để giải quyết các vấn đề nóng của khu vực, trong đó có giá dầu.
Tuy vậy, giới đầu tư lại nghi ngờ vào khả năng các thành viên của OPEC sẽ thực hiện kết quả của thỏa thuận này, khiến giá dầu ngọt giao tháng 3 trong phiên 17/2 tiếp tục mất 40%, tức giảm 1,4%, về mốc 29,04 USD một thùng trên sàn New York. Giá dầu Brent cũng giảm 1,21 USD, hay 3,6%, chỉ còn 32,18 USD một thùng, xóa sạch nỗ lực tăng giá của thị trường trong phiên 16/2.