Tại Tọa đàm: "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 30/7, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội khẳng định Nhà nước có vai trò lớn trong việc điều hành giá xăng dầu. Điều này thể hiện trong nhiều kỳ biến động lớn về giá xăng dầu trên thế giới và chúng ta có những chính sách để không tạo ra cú sốc bất thường về giá.
Dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá, song ông Cường chỉ rõ còn hạn chế vì giá xăng dầu vẫn phải theo thế giới.
Điểm thứ hai là điều hành xăng dầu vẫn mang tính chất mệnh lệnh hành chính của Nhà nước áp đặt cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải bán mức giá nào. Khi đó sẽ không bảo đảm lợi ích đứng về mặt lợi nhuận của doanh nghiệp.
Giá xăng dầu trong nước không thể thoát ly khỏi giá xăng dầu quốc tế. Ảnh: Nguyễn Huế. |
“Trong trường hợp dùng công cụ áp đặt quá mức, doanh nghiệp không còn lợi ích nữa, họ sẽ tìm biện pháp để lảng tránh. Điển hình nhất mà chúng ta thấy thời gian qua, có nơi người ta thông báo hết xăng dầu, không mua bán được”, ông Cường dẫn chứng.
Cho nên vị này cho rằng việc sửa đổi chính sách xăng dầu thời gian tới sẽ phải hướng vào việc thay đổi cơ chế từ quản lý hành chính Nhà nước áp đặt sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết.
Theo ông Cường, công cụ thị trường có thể sử dụng để bình ổn giá kể cả khi giá thế giới biến động bất thường. Nếu có công cụ thị trường, các doanh nghiệp có tiềm lực vẫn có thể bán ra ở mức hợp lý với mức dự trữ tốt. Còn như hiện nay doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tốt và doanh nghiệp kinh doanh kém cũng bán giá giống nhau, tức là không tạo ra sự cạnh tranh về giá bán trên thị trường.
"Để thị trường quyết định thì các doanh nghiệp sẽ cố gắng, nỗ lực làm sao tiết giảm chi phí đầu vào, thậm chí họ có thể mua lúc giá rẻ và bán ra lúc giá cao. Như vậy sẽ có giá hợp lý mà không chịu giá chung, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra tiềm lực tốt, tạo ra khả năng kinh doanh tốt. Đấy là những điều cần phải khắc phục", ông Cường phân tích thêm.
Dẫn thông tin giá xăng dầu thế giới chiếm tới 64-72% cơ cấu giá, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam thừa nhận chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào giá xăng dầu thế giới.
Ông Bảo cũng chỉ rõ “nút thắt” trong tất cả nghị định về kinh doanh xăng dầu từ trước đến nay cơ bản nhất vẫn là cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá.
“Chúng ta quy định kỹ quá. Cơ quan quản lý Nhà nước ấn định 7 ngày điều chỉnh giá/lần, như vậy cơ quan quản lý Nhà nước làm thay cho doanh nghiệp”, ông nói.
Từ thực tế trên, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng việc sửa đổi chính sách quản lý trong thời gian tới phải hướng vào việc thay đổi sang cơ chế thị trường.
Ông Hoàng Văn Cường khẳng định: Chúng ta hiện nay có cơ sở để dùng công cụ thị trường trong điều hành xăng dầu, không bị động do xăng dầu sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn. Thời gian tới, giá cả phải để cho doanh nghiệp tự do xác định. Nhà nước phải có công cụ điều tiết, nếu bán giá phi thị trường quá, dùng lợi thế nào đó để liên kết bán giá cao thì phải chịu chính sách điều tiết về thuế, như thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp.
"Chúng ta cũng không thể thả nổi hoàn toàn. Chúng ta phải sử dụng các công cụ hiện đại để bình ổn giá xăng dầu. Điển hình là việc thế giới, các công ty lớn hay sử dụng các công cụ về phái sinh để bình ổn. Tôi cho rằng chúng ta cũng phải tiến tới việc tạo ra các cơ sở pháp lý và các điều kiện khuôn khổ cho các doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh này để bình ổn. Bên cạnh đó phải có nguồn lực dự trữ quốc gia, phải có thị trường để làm sao cho mọi người có thể tham gia giao dịch tốt", ông Cường chia sẻ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng phải có thị trường cạnh tranh, ông Cường tin tưởng khi đó việc mua bán phải được tự do, không thể bắt người này đi mua của người kia, như thế không thể có cạnh tranh được.
Đồng quan điểm, ông Bùi Ngọc Bảo cũng cho rằng phải có cơ chế để xác định cái gì thuộc về thị trường để các doanh nghiệp quyết định.
"Khi có cạnh tranh thì xu hướng là luôn đạt được mức giá mà người tiêu dùng được hưởng lợi", ông Bảo lưu ý.
Theo các chuyên gia, công cụ bảo hiểm giá xăng dầu đã từng đưa quy định này vào Nghị định 83/2014/NĐ-CP và cũng đã từng tổ chức thực hiện thí điểm giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam. Kết quả đạt được rất tốt, góp phần giúp cho các thành phần kinh tế bảo hiểm giá xăng dầu. Vì vậy, việc đưa vào lại quy định về công cụ bảo hiểm giá thông qua Sở Giao dịch hàng hoá cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là rất tốt và cần thiết.
Điều này giúp cho thị trường xăng dầu minh bạch, công khai, các công cụ bảo hiểm giá vẫn luôn rất cần thiết để giúp các doanh nghiệp phòng vệ trước các biến động về giá. Tất cả các công ty xăng dầu trên thế giới từ sản xuất, tiêu thụ đến tiêu dùng đều sử dụng công cụ này. Nhu cầu bảo hiểm giá là luôn hiện hữu và cấp thiết dù ở bất kỳ thời điểm, thời kỳ nào của nền kinh tế.