Giá xăng dầu thế giới tăng 3%, trong nước vọt 11%
Đại diện Petrolimex cho biết, sự chênh lệch này do thuế, tỷ giá và giá thế giới cùng "chạy", ảnh hưởng đến giá trong nước.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Minh bạch hóa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 20/12, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) cho biết, giá bình quân thế giới năm 2012 chỉ tăng 3% so với năm 2011 nhưng giá trong nước tăng bình quân 11%.
Lý giải điều này, ông Bảo cho rằng: “Mỗi lần điều chỉnh đều có họp báo công bố các con số rất minh bạch. Nhưng chỉ minh bạch tại thời điểm đó, nhìn cả chu kỳ lại không minh bạch”.
Theo ông Bảo, nếu nhìn lại kết cấu giá của năm 2012 sẽ thấy rất rõ, giá bình quân của thế giới tăng 3% so với 2011, nhưng giá bình quân xăng của VN tăng 11%. Việc tăng này do 3 yếu tố: thuế, tỷ giá và giá thế giới cùng “chạy” ảnh hưởng đến giá trong nước.
Đẩy vấn đề sang thuế, ông Bảo cho rằng, thuế của VN vận hành thiên về bình ổn giá, khi giá thế giới cao thì điều chỉnh hạ thuế để giá bán thấp, thậm chí nhiều thời điểm về bằng 0%, đương nhiên giá bán sẽ không theo xu thế thế giới, chỉ tăng vừa phải. Sáu tháng đầu năm 2012, gần như thuế bằng 0 và phải sử dụng quỹ bình ổn giá để tránh giá tăng cao.
“Tôi nhấn mạnh đây chính là bất cập trong các văn bản từ Quyết định 187, Nghị định 55 và Nghị định 84, đều không thực hiện được điều khoản về thuế, những bức xúc của dư luận về tăng nhanh giảm chậm là vì thế. Để thực hiện đúng quy định, phải ổn định thuế”, ông Bảo nói.
Ông Bảo cho rằng, giá trong nước tăng nhanh giảm chậm do thuế chưa ổn định. |
Bổ sung cho quan điểm này, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, lợi ích của người dân thể hiện ở giá, của doanh nghiệp ở chỗ ít nhất hòa vốn, của Nhà nước ở thuế. “Giá bán luôn dưới giá cơ sở, tôi khẳng định điều này dù nhiều người còn nghi ngờ. Nhưng nếu không tin, hãy mở tờ thị trường hàng ngày, so sánh với giá cơ sở là biết ngay. Năm 2008 phải bù giá trực tiếp cho doanh nghiệp khoảng 23.000 tỷ đồng. Nhà nước hầu hết hy sinh về thuế, khoảng từ tháng 9 năm ngoái đến nay không thu thuế xăng dầu. Kiểm toán năm ngoái, Bộ Tài chính cũng thừa nhận doanh nghiệp lỗ tích lũy mười mấy nghìn tỷ đồng”, ông Tú nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công thương thể hiện thái độ khác biệt so với ông Bảo khi cho rằng, “nếu giữ mức thuế cố định hoặc thu thuế tuyệt đối thì lợi cho Bộ Tài chính, Nhà nước, nhưng không có chuyện duy trì xăng dầu thấp như 2 năm qua. Trong khung thuế xăng dầu từ 0-40%, chúng ta đã duy trì mức thuế rất thấp hàng năm và mới đây nâng lên 5-10%, cứ giữ thuế xăng ổn định tuyệt đối thì thời gian qua giá xăng dầu dù bình ổn sẽ cao hơn nhiều”.
Điều chỉnh giá 10, 15 hay 30 ngày?
Ông Tú cho biết, dự thảo sửa đổi Nghị định 84 đã được hoàn chỉnh và sẽ trình Chính phủ trong vài ngày tới.
Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý (Bộ Tài chính), việc tính giá 30 ngày hơi dài so với tín hiệu thị trường thế giới nên cần phải xem xét lại vấn đề này để kiến nghị cơ quan chức năng. Xem xét Nghị định 84 cũng cần tính lại chu kỳ giá, ngắn hơn 30 ngày để không lỗi thời so với tín hiệu thị trường.
“Chúng tôi đang tính khoảng 10 ngày phù hợp hơn với tín hiệu thị trường thế giới. Trong Nghị định 84 cũng có quy định tối thiểu 10 ngày các doanh nghiệp mới được tăng giá và tối đa 10 ngày phải giảm theo tín hiệu thị trường thế giới. Do vậy xác định lưu thông phải dài hơn và còn liên quan đến an ninh năng lượng. Vấn đề đặt ra là có nên điều chỉnh chu kỳ 30 ngày không. Chúng tôi đang nghiên cứu để báo cáo, có lẽ giảm chu kỳ tính giá độ 15 ngày, nhưng cũng cân nhắc vấn đề lưu thông”, ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Cẩm Tú lại cho rằng, “yêu cầu dự trữ 30 ngày không thể điều hành giá theo 10 ngày được. Chỉ có 2 cách, giảm dự trữ 15 ngày và điều hành giá trong 15 ngày, nếu không Nhà nước phải bỏ tiền ra để bù 15 ngày còn lại”.
Liên tục gây bất ngờ khi nói “Tôi xin lỗi anh Bảo”, theo ông Tú, việc chậm đưa giá xăng dầu về thị trường cũng như giới hạn quyền điều hành giá của doanh nghiệp do “tội của đất nước còn nghèo, người dân còn nghèo. Khi Nghị định 84 có hiệu lực thì kinh tế khủng hoảng, mục tiêu ổn định giá nổi lên mục tiêu thu ngân sách. Anh (Petrolimex - NV) cũng phải hy sinh, đây là cực chẳng đã. Lùi một bước tiến lên thị trường để giữ cho người dân ổn định còn hơn tiến nhanh lên thị trường để người dân phải chịu”.
Theo Thanh Niên