Tổng cục Thống kê mới chính thức công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2016 không đổi so với tháng 12/2015. Tuy nhiên, CPI tháng này tăng 0,8% so với cùng kì năm 2015. Trong khi đó, lạm phát cơ bản tháng 1/2016 tăng 0,27% so với tháng 12/2015 và tăng 1,72% so với cùng kỳ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng này, giá xăng dầu, giá gas giảm đã dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 6,44% so với tháng trước, góp phần giảm CPI chung khoảng 0,27%.
Chỉ số giá nhóm nhiên liệu tháng 1/2016 giảm 6,44% so với tháng trước, góp phần giảm CPI chung khoảng 0,27%. |
Ngoài ra, có 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm hơn so với tháng 12/2015 là giao nhóm thông giảm 2,82% do một số doanh nghiệp vận tải điều chỉnh giảm giá cước xe khách và taxi; Nhóm bưu chính viễn thông tháng 1 cũng giảm 0,06% đã giúp cân bằng CPI tất cả các mặt hàng trong tháng.
Trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính của tháng 1 có 9 nhóm tăng. Nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất 0,89%, kế đó là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,44%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,37%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,3%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,25%.
Nhìn lại chỉ số CPI tháng 1 trong 10 năm gần đây có thể thấy, hầu hết đều có mức tăng khá cao. Đơn cử như tháng 1/2008, chỉ số CPI tăng 2,38% so với tháng trước đó. Tháng 1/2011, CPI tháng cũng tăng 1,74% và tháng 1/2013 CPI tăng 1,25%. Riêng tháng 1/2015, CPI giảm 0,2% do tác động của tốc độ lạm phát thấp (0,6%).
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, do áp lực tăng tỷ giá từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 0,25%, cùng với việc nhu cầu thanh toán cuối năm của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng, nên tỷ giá USD tháng 1/2016 đã tăng 0,18% so với tháng trước, giá vàng giảm nhẹ 0,23% so với tháng trước.