Có cơ sở để giảm giá xăng
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ Công Thương diễn ra chiều 1/6, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, giá xăng có thể giảm nếu giá thế giới giảm trong 3 ngày từ 2/6 đến 4/6.
Phân tích tình hình hiện tại, giá CIF, thành phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu giá xăng, nhiều khả năng sẽ có giá trị trung bình thấp hơn so với 15 ngày trước đó. Giá nhập khẩu xăng RON 92 trung bình trong chu kỳ từ 20/5 đến 3/6 là 80,99 USD/thùng, thấp hơn 0,38 USD so với đợt tăng gần nhất.
Như vậy, chiếu theo công thức tính giá bán cơ sở xăng dầu được quy định tại Nghị định 83, giá CIF cùng thuế nhập khẩu nhiều khả năng sẽ giảm trong chu kỳ điều chỉnh lần này. Cùng với việc một số yếu tố cấu thành chi phí giá xăng không thay đổi kể từ đầu tháng 5, niềm tin giá xăng sẽ giảm trong những ngày tới là hoàn toàn có cơ sở.
Mặc dù vậy, yếu tố tỷ giá lại chưa ủng hộ nhận định này. Tỷ giá trung bình tính từ ngày 20/5 tới nay đang là 21.838 đồng/USD, cao hơn 90 đồng so với 15 ngày trước đó. Theo Nghị định 83, tỷ giá để tính giá CIF sẽ là mức bình quân của 15 ngày trong cùng chu kỳ điều chỉnh giá xăng. Tính đến ngày 3/6, giá CIF giảm song tỷ giá tăng trong cùng chu kỳ khiến các dự báo về giá xăng trở nên khó nắm bắt.
Còn tại Singapore, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, giá bán lẻ xăng đã tăng lên 82,52 USD/thùng trong ngày 2/6. Mức giá này cao hơn 2,2 USD so với ngày 29/5.
Kể từ tháng 3/2011, người tiêu dùng chỉ được hưởng giá xăng dưới mức 20.000 đồng lít trong 6 tháng. Ảnh: Hoàng Anh. |
Kể từ tháng 3/2015, áp lực tăng giá xăng đã quay trở lại khi giá dầu thế giới có xu hướng phục hồi. Đến ngày 20/5, giá xăng trong nước đã vượt mốc 20.000 đồng/lít lần dầu trong năm 2015. Do đó, người tiêu dùng luôn kỳ vọng giá nhiên liệu này sẽ ổn định ở mức thấp.
Trên thực tế, giá xăng đã luôn cao hơn 20.000 đồng/lít kể từ 3/2011. Theo tính toán, sau gần 4 năm mua xăng với mức giá trên 20.000 đồng/lít, người tiêu dùng chỉ được hưởng giá xăng dưới mức trên 6 tháng. Ngoài ra, với mỗi lít xăng, người tiêu dùng cũng phải chịu tới 8 loại thuế, phí khác nhau.
Sẽ có cạnh tranh mức giá bán lẻ xăng dầu trong tương lai?
Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11/2014. Một trong những điểm nổi bật của Nghị định mới ban hành là giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn.
Các thương nhân phân phối được quyền nhập xăng từ nhiều đầu mối, sau đó quyết định giá bằng cách tính trung bình giá mua. Như vậy, nếu thực hiện đúng và nghiêm túc Nghị định 83, giá bán lẻ xăng dầu trong nước hoàn toàn có thể khác nhau ở từng đơn vị kinh doanh. Hình thức này sẽ giúp các doanh nghiệp có sự cạnh tranh về giá với nhau.
Mặc dù vậy, theo PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), hiện rất khó có cơ hội cho sự cạnh tranh về giá sòng phẳng giữa các doanh nghiệp. Theo ông Long, thị trường xăng dầu trong nước có 3 doanh nghiệp lớn chiếm gần 80% thị phần. Điều này phần nào dẫn tới tình trạng độc quyền nhóm, chi phối giá xăng dầu và gây bất lợi cho người tiêu dùng.
Một vấn đề khác cũng gây sự chú ý trong cách điều hành giá nhiên liệu nói trên ở Việt Nam, đó là sự tồn tại của Quỹ bình ổn. Mới đây, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định việc duy trì Quỹ bình ổn sẽ giúp đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Quỹ bình ổn tồn tại chỉ gây nghi vấn về việc thiếu minh bạch trong cách sử dụng. Đồng thời, chuyên gia này cũng nhận định, kể cả khi sử dụng Quỹ bình ổn, số tiền trong Quỹ thực chất vẫn là tiền của người tiêu dùng ứng trước.