Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá vé máy bay nội địa dự kiến lên tối đa 4 triệu đồng

Trên cơ sở tác động các chi phí nhiên liệu, tỷ giá, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không với mức tăng trung bình 3,75%.

Trần giá vé máy bay đã được giữ ổn định từ năm 2019. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong báo cáo gửi cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá quý I ngày 24/3, Bộ Tài chính cho biết hiện, trần giá vé máy bay vẫn được thực hiện ổn định theo quy định tại Thông tư 53/2019.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, chi phí nhiên liệu tháng 12/2022 của các hãng hàng không đã tăng gần 62,4% so với tháng 12/2014 và tăng gần 81% so với tháng 9/2015. Chỉ số này tác động làm tổng chi phí tăng gần 28% so với tháng 12/2014 và gần 33,5% so với tháng 9/2015.

"Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái và trên cơ sở tác động các chi phí nhiên liệu, tỷ giá, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không với mức tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện tại", Bộ Tài chính cho biết.

Cụ thể, theo dự kiến, đường bay từ 1.280 km trở lên tăng mạnh nhất với mức 6,67%, lên tối đa 4 triệu đồng. Đường bay 1.000-1.280 km tăng 6,25%, tương ứng 3,4 triệu đồng; đường bay 850-1.000 km, tăng lên 2,89 triệu đồng (+3,58%).

Với đường bay 500-850 km, trần giá vé máy bay tăng lên mức 2,25 triệu đồng (+2,25%). Các nhóm đường bay dưới 500 km và đường bay kinh tế - xã hội vẫn giữ nguyên.

Nhóm Cự ly vận chuyển Trần giá vé (triệu đồng/vé)Thay đổi
Thông tư 17/2019Phương án điều chỉnh
I Dưới 500 km


1. Đường bay KTXH 1,61,60%
2. Đường bay khác 1,71,70%
II500-850 km2,22,25+2,27%
III850-1.000 km2,792,89+3,58%
IV1.000-1.280 km3,23,4+6,25%
V1.280 km trở lên3,754+6,67%

Thời gian dự kiến tăng trần giá vé là quý II và III, theo tính toán của Cục Hàng không và Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính cho biết việc điều chỉnh có thể khiến CPI năm nay tăng thêm 0,07 điểm phần trăm.

Trước đó, trong cuộc họp hồi tháng 2, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết thời điểm điều chỉnh giá trần vé máy bay lần cuối cùng là năm 2015, đã cách đây 8 năm. Từ đó, hầu như năm nào các hãng bay cũng họp, phân tích yếu tố đầu vào thay đổi và xin điều chỉnh, nhưng giá trần vẫn đóng khung từ 2015 đến nay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho rằng trong dài hạn cần bỏ yêu cầu trần giá vé máy bay ra khỏi các quy định pháp luật do giá thành ấn định từ 2015 đến nay đã thay đổi.

"Trước mắt, có thể bỏ giá trần nhưng vẫn duy trì sự quản lý của Nhà nước về giá trên các đường bay chỉ có một hãng hàng không khai thác để tránh độc quyền", ông nói.

Nếu chưa thể bỏ giá trần, ông Quân cho rằng Bộ GTVT cần xem xét điều chỉnh nâng mức trần một cách kịp thời. Việc này không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn làm cho dịch vụ đa dạng hơn, giúp cho thị trường vận tải hàng không phát triển lành mạnh.

Các chuyên gia cũng cho rằng biện pháp giá trần chỉ phù hợp trong giai đoạn một hãng độc quyền, chưa hình thành thị trường hàng không tư nhân. Đến nay, cả nước đã có 6 hãng hàng không cạnh tranh lẫn nhau.

Theo Thông tư 36/2015 của Bộ Giao thông Vận tải, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015, áp dụng cho 5 nhóm đường bay, với mức giá vé 1,6-3,75 triệu đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Giá vé máy bay dịp 30/4 tăng cao

Ở một số chặng bay trong nước và quốc tế, giá vé dịp 30/4 cao hơn hẳn so với mức bình thường.

Giá vé máy bay bắt đầu hạ nhiệt

Giá vé máy bay đến các điểm du lịch đều bắt đầu giảm. Có chặng, giá vé đã giảm 50% so với thời điểm đầu tháng 7.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm