Tuần 29/6 đến 5/7 đánh dấu là tuần giao dịch tích cực nhất của cả thị trường vàng trong nước và thế giới từ đầu năm.
Trên thị trường thế giới, dù giữ xu hướng đi ngang trong phiên cuối tuần đêm qua (theo giờ Việt Nam), vàng giao ngay trên sàn Kitco vẫn đóng cửa ở mức 1774,4 USD/ounce, giảm nhẹ 0,1 USD so với phiên liền trước. Đây cũng là giá đóng cửa của kim loại quý giao dịch trên sàn New York (Mỹ) tuần này.
So với cuối tuần trước (28/6), vàng thế giới hiện chỉ cao hơn 2 USD nhưng điểm tích cực nhất của tuần này là kim loại quý đã một lần chạm mốc 1.790 USD/ounce trong phiên ngày 1/7. Tuy nhiên, áp lực chốt lời đã khiến kim loại quý không giữ được mốc giá này.
Trên thị trường vàng tương lai, giá hợp đồng vàng giao tháng 8 tuần này có thời điểm vượt mốc 1.800 USD/ounce, nhưng sau đó cũng giảm nhẹ, chốt phiên cuối tuần ở mức 1.787,5 USD/ounce, giảm 1,6 USD so với phiên liền trước.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến kim loại quý liên tục vượt đỉnh lịch sử là do làn sóng lây nhiễm Covid-19 tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới tăng trở lại. Đặc biệt, làn sóng tăng lây nhiễm này còn đến từ việc các nền kinh tế đang cố gắng mở cửa hoạt động sau thời gian dài trì hoãn.
Điều này càng làm gia tăng các lo ngại về sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, từ đó làm gia tăng nhu cầu với các tài sản trú ẩn. Mặt khác, việc thị trường đang tràn ngập tiền từ gói cứu trợ của chính phủ các nước cũng khiến vàng, chứng khoán tăng giá cùng nhau.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng thế giới đã tăng liên tục và tăng cao trong nhiều ngày gần đây khiến nhiều nhà đầu tư đứng ngồi không yên, đặc biệt tại Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng tăng của kim loại quý lại khiến nhu cầu nắm giữ vàng của người dân tăng lên với mục tiêu bảo toàn vốn trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
Cũng theo chuyên gia này, giá vàng giao ngay hiện đã vượt trên 1.770 USD/ounce, trong khi vàng tương lai xấp xỉ 1.787 USD/ounce, nên việc vàng thế giới tăng lên 1.800 USD hoặc 1.900 USD/ounce trong thời gian tới là có cơ sở.
Cùng với đà tăng của vàng thế giới, vàng trong nước cũng đang liên tục chinh phục đỉnh mới. Trong đó, giá vàng miếng Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) bán ra hôm nay đã đánh dấu đỉnh mới của vàng trong nước.
Cụ thể, SJC hiện niêm yết giá vàng miếng khu vực TP.HCM ở mức 49,5-49,88 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Dù chỉ tăng 30.000 đồng so với cuối ngày hôm qua, đây cũng là mức giá cao nhất mà doanh nghiệp này từng niêm yết cho vàng miếng.
Thậm chí, giá bán ra tại Hà Nội hôm nay đã chạm mốc 49,9 triệu đồng/lượng, vượt đỉnh 49,87 triệu đồng vào phiên 1/7 trước đó. So với cuối tuần trước, giá vàng tại đây đã tăng 600.000 đồng mỗi lượng.
Tương tự SJC, nhiều doanh nghiệp vàng lớn trong nước cũng tăng giá bán phiên cuối tuần.
Trong đó, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện chấp nhận mua vào vàng miếng với giá 49,57 triệu/lượng và bán ra ở mức 49,72 triệu/lượng, tăng lần lượt 120.000 đồng và 20.000 đồng so với chiều qua. Đây cũng là vùng giá cao nhất mà DOJI từng niêm yết bán với mặt hàng vàng miếng.
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) chiều qua niêm yết vàng miếng ở mức 49,45-49,7 triệu/lượng (mua vào - bán ra), đến hôm nay đã tăng thêm 50.000 đồng chiều mua và 150.000 đồng chiều bán, hiện ở mức 49,5-49,85 triệu đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng tại cả Công ty Bảo Tín Minh Châu và Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý đều đang giữ xu hướng tăng phiên cuối tuần, hiện phổ biến bán ra ở mức 49,74 triệu đồng/lượng.