Giá vàng trồi sụt dữ dội trong vòng 24 giờ qua. Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 12/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đã tăng mạnh từ dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce lên hơn 2.020 USD/ounce, rồi lại rơi xuống 2.010,1 USD/ounce.
Với những thông tin trái chiều, lực mua và lực bán thay nhau chi phối thị trường kim loại quý.
Bất ổn kinh tế
Mới đây, bà Kristalina Georgieva - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - đã cảnh báo rằng trong vòng 5 năm tới, nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với thời kỳ tăng trưởng yếu nhất kể từ thập niên 90.
Theo cơ quan này, GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong nửa thập kỷ tới. Để so sánh, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của 20 năm vừa qua là 3,8%.
IMF dự báo riêng trong năm nay, GDP toàn cầu sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng dưới 3%. Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm gần một nửa sau đợt phục hồi hậu đại dịch vào năm 2021.
Bà Georgieva cảnh báo 90% nền kinh tế phát triển sẽ bị giảm tốc tăng trưởng trong năm nay. Những dự báo bi quan về triển vọng kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy dòng tiền chảy vào vàng, vốn được coi là một tài sản trú ẩn an toàn.
Giá vàng tăng vọt rồi nhanh chóng điều chỉnh giảm. Ảnh: Trading Economics. |
Kim loại quý hưởng lợi trực tiếp từ những biến động về kinh tế và tài chính trên toàn cầu. Các ngân hàng trung ương cũng đã đẩy mạnh tích trữ vàng.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu đối với vàng đã tăng vọt lên mức cao nhất 11 năm vào năm ngoái do các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vàng. Tổng khối lượng kim loại quý được mua vào là 1.136 tấn, cao nhất 55 năm.
"Các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mua vàng. Đó là tin tốt cho kim loại quý về dài hạn", ông Randy Smallwood tại công ty chuyên về kim loại quý Wheaton Precious Metals nhận định. Ông dự đoán giá vàng sẽ vọt lên 2.500 USD/ounce.
Những tín hiệu trái chiều từ Fed
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vàng vẫn thận trọng trước khi Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 trong hôm nay. Dữ liệu này sẽ ảnh hưởng tới quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp chính sách tháng 5.
Các quan chức Fed đã nhất trí tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tháng 3. Lãi suất điều hành của Mỹ tăng từ gần 0% cách đây một năm lên 4,75-5%.
Vàng rất nhạy cảm với lãi suất. Bởi lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn không mang lại lợi suất. Kim loại quý cũng thường biến động ngược chiều USD.
Chúng ta cần làm những gì cần làm để đảm bảo hạ nhiệt lạm phát
Ông John Williams - Chủ tịch Fed New York
Thị trường trồi sụt mạnh khi chính các quan chức Fed cũng đưa ra những bình luận trái chiều về bước đi tiếp theo.
Hôm 11/4, ông John Williams - Chủ tịch Fed New York - cho biết các quan chức vẫn còn nhiều việc phải làm để hạ nhiệt giá cả. Dù vậy, lộ trình điều hành lãi suất sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế. "Chúng ta cần làm những gì cần làm để đảm bảo hạ nhiệt lạm phát", ông nhận định.
Trong khi đó, ông Austan Goolsbee - Chủ tịch Fed Chicago - lại cho rằng cần "thận trọng và kiên nhẫn" trong việc đánh giá những tác động kinh tế của việc thắt chặt chính sách.
Vị quan chức này đề xuất các nhà hoạch định chính sách tạm dừng tăng lãi suất.
"Với sự bất ổn do những rắc rối trong lĩnh vực tài chính đem lại, tôi cho rằng chúng ta cần phải thận trọng", ông Goolsbee khẳng định trong một sự kiện mới đây.
Ông cho rằng việc cần làm là "thu thập đủ dữ liệu" và "cẩn trọng trong việc tăng lãi suất".
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...