Giá vàng đang tiến tới kỷ lục mới. Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 5/4, giá kim loại quý giao ngay đã vọt lên 2.024 USD/ounce, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 3/2022, sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine và đẩy các thị trường trên toàn cầu vào hỗn loạn.
Theo dữ liệu của Refinitiv, kỷ lục của vàng hiện là 2.075 USD/ounce, được thiết lập hồi tháng 8/2020.
Các dữ liệu kinh tế của Mỹ đang đứng về phía vàng. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) và số lượng việc làm trống của Mỹ cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đạt được những bước tiến trong cuộc chiến chống lạm phát.
Giá vàng đang tiến tới mức cao kỷ lục. Ảnh: Trading Economics. |
Đà tăng mạnh mẽ
Để kìm hãm lạm phát, ngân hàng trung ương Mỹ buộc phải hạ nhiệt thị trường việc làm và tăng trưởng kinh tế thông qua các điều kiện tài chính thắt chặt. Và điều này giáng đòn mạnh lên giá vàng, vốn rất nhạy cảm với lãi suất.
"Đà tăng của giá vàng là không thể ngăn cản. Một nền kinh tế suy yếu tiếp tục thúc đẩy dòng tiền trú ẩn an toàn chảy vào vàng", ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ), nhận định với Zing.
"Các báo cáo cho thấy nền kinh tế đang dần suy yếu và tiến tới suy thoái. Giới đầu tư đang chờ đợi xem lĩnh vực dịch vụ của Mỹ có sụt giảm hay không. Nếu có, đà tăng của kim loại quý sẽ mạnh mẽ hơn nữa", ông nói thêm.
Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 4/4, số lượng việc làm còn trống đã giảm xuống còn 9,93 triệu trong tháng 2, thấp hơn ước tính 10,4 triệu việc làm của FactSet.
Trong khi đó, PMI trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ cũng ghi nhận tháng thứ 5 liên tiếp rơi vào vùng suy giảm, cho thấy hoạt động tại các nhà máy đang suy yếu.
Cụ thể, PMI sản xuất đã giảm từ mức 47,7 trong tháng 2 xuống 46,3 trong tháng 3, thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Điều này cho thấy các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đã gây tổn hại cho nền kinh tế và thị trường việc làm.
Điều này có thể cho phép Fed nhẹ tay hơn trong việc tăng lãi suất, thậm chí tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách.
Nhiều yếu tố hỗ trợ
"Vàng đang hướng tới mức cao kỷ lục và có thể không mất nhiều thời gian để đạt được ngưỡng đó. Ngày càng nhiều nhà đầu tư tin rằng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm. Điều này có thể giúp vàng vọt lên mức 2.100 USD/ounce", ông Moya dự báo.
Đó không phải dự báo cao nhất đối với giá vàng trong năm nay của các chuyên gia.
"Các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mua vàng. Đó là tin tốt cho kim loại quý về dài hạn", ông Randy Smallwood tại công ty chuyên về kim loại quý Wheaton Precious Metals nhận định. Ông dự đoán giá vàng sẽ vọt lên tới 2.500 USD/ounce.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu đối với vàng đã tăng vọt lên mức cao nhất 11 năm vào năm ngoái do các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vàng. Tổng khối lượng kim loại quý được mua vào là 1.136 tấn, cao nhất 55 năm.
Vào cuối tháng 3, Fitch Solutions dự đoán giá vàng sẽ vọt lên 2.075 USD/ounce và duy trì đà tăng những năm tiếp theo. Dự báo dựa trên "sự bất ổn trong lĩnh vực tài chính trên toàn cầu".
"Các nhà giao dịch trên thị trường vàng đang có một niềm tin khó lay chuyển. Họ tin rằng lãi suất điều hành của Mỹ đã hoặc đang gần mức cực đại, và Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất ngay trong năm nay", ông Craig Erlam, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Anh, nhận định với Zing.
Ông tin rằng giá vàng sẽ tăng rất nhanh trong những tháng tới. "Mọi yếu tố đang hỗ trợ vàng và điều này có thể giúp kim loại quý sớm thiết lập kỷ lục giá mới", vị chuyên gia nói thêm.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.