Giá vàng thế giới bất ngờ rớt mạnh ngay trước cuộc họp chính sách quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo dữ liệu của Trading Economics, trong vòng 24 giờ qua, giá vàng rơi thẳng đứng từ hơn 1.930 USD/ounce xuống 1.911,5 USD/ounce, đánh dấu mức thấp nhất 10 ngày.
Theo giới quan sát, giá kim loại quý điều chỉnh giảm khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trước bước đi quan trọng của FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed. "Giới đầu tư đang chốt lời trước sự kiện quan trọng trong tuần này", ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính có trụ sở ở Anh - nhận định.
Vàng chủ yếu được giao dịch trên thị trường phi tập trung của London, thị trường kỳ hạn tại Mỹ và sàn giao dịch Thượng Hải. Giá vàng do Trading Economics theo dõi dựa trên cả các công cụ tài chính phi tập trung (OTC) và hợp đồng chênh lệch (CFD).
Giá vàng thế giới bất ngờ lao dốc. Ảnh: Trading Economics. |
Chờ động thái của Fed
Thị trường vàng tăng trưởng phi mã trong những tháng qua. Dù đã sụt giảm phần nào, kim loại quý cũng đang hướng tới tháng tăng thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Vàng rất nhạy cảm với lãi suất. Bởi lãi suất tăng cao khiến chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng lên. Năm ngoái, các đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed đã đè nặng lên thị trường vàng. Giá kim loại quý giảm mạnh từ mức cao kỷ lục hơn 2.000 USD/ounce hồi tháng 3, sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.
Kể từ tháng 3/2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất điều hành tổng cộng 4,25 điểm phần trăm lên mức cao nhất 15 năm.
Giới đầu tư nóng lòng chờ đợi quyết định của Fed trong cuộc họp chính sách sắp tới. Ảnh: Reuters. |
Nhưng đến nay, các thị trường gần như hoàn toàn tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất xuống còn 0,25 điểm phần trăm vào cuộc họp sắp tới, và duy trì tốc độ này trong cuộc họp tháng 3.
Các dữ liệu về lạm phát đang phát đi những tín hiệu tích cực. Lạm phát hạ nhiệt sẽ cho phép Fed nhẹ tay hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Theo dữ liệu mới được Bộ Thương mại Mỹ công bố, trong tháng 12/2022, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - loại trừ giá thực phẩm và năng lượng - tăng 4,4% so với một năm trước đó, giảm từ mức 4,7% của tháng 11. Đây là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 10/2021.
Còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ đã ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ đầu đại dịch, và mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn một năm.
Kịch bản giảm giá
Ở chiều ngược lại, các thị trường như vàng sẽ chịu sức ép lớn nếu Fed hành động mạnh tay hơn dự báo của giới quan sát. Bởi việc ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm đã được phản ánh trên thị giá.
Một số dấu hiệu chỉ ra Fed có thể vẫn cần hành động quyết liệt. Tuần trước, giá kim loại quý đã lao dốc mạnh từ mức cao nhất 9 tháng do dữ liệu mới về tốc độ tăng trưởng GDP quý IV/2022 của Mỹ.
Cụ thể, theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 26/1, GDP quý IV/2022 của Mỹ ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2,9% so với năm trước đó.
Thị trường vàng tăng trưởng mạnh trong vòng một tháng qua. Ảnh: Trading Economics. |
Tốc độ tăng trưởng thấp hơn một chút so với mức 3,2% của quý III/2022, nhưng vượt dự báo 2,8% của các nhà kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones.
Chi tiêu tiêu dùng - chiếm khoảng 68% GDP - tăng 2,1% trong quý cuối năm 2022, giảm nhẹ so với mức 2,3% của giai đoạn trước nhưng vẫn duy trì dương.
Các dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ đang chống chịu tốt hơn dự đoán của thị trường. Điều này có thể buộc Fed phải hành động mạnh tay hơn để kìm hãm lạm phát.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.