Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Giá vàng thế giới lên sát mốc kỷ lục

Chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm 2023, nhưng giá vàng liệu có thể kết thúc năm đầy biến động với một kỷ lục mới?.

Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12, giá vàng thế giới đã nhảy vọt từ dưới 2.035 USD/ounce lên 2.057,2 USD/ounce, nhích gần hơn đến mức cao kỷ lục được thiết lập hồi năm 2020. Kim loại quý cũng chuẩn bị kết thúc tuần tăng thứ 3 liên tiếp.

"Đà tăng của kim loại quý đang được tiếp nhiệt lượng mạnh mẽ sau khi xuyên thủng ngưỡng 2.000 USD/ounce cách đây một tuần. Giá vàng tăng cao nhờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bớt 'diều hâu' hơn", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (UK & EMEA) - nhận định với Znews.

Điều gì đang thúc đẩy giá vàng?

Vị chuyên gia chỉ ra dữ liệu lạm phát, kinh tế và thị trường lao động hạ nhiệt đã hỗ trợ đà tăng của giá vàng. Ngân hàng trung ương Mỹ muốn đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% thông qua các đợt tăng lãi suất dồn dập và mạnh tay. Trong khi đó, với vai trò một tài sản trú ẩn an toàn không được trả lãi, kim loại quý sẽ mất đi sức hấp dẫn khi lãi suất tăng cao.

Tuy nhiên, những dữ liệu mới nhất đang đứng về phía vàng. Theo Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM), chỉ số quản lý thu mua (PMI) lĩnh vực sản xuất của nước này ở mức 46,7 điểm vào tháng trước. Đây là tháng thứ 13 liên tiếp chỉ số này ở dưới 50 điểm, ngưỡng phân chia vùng tăng trưởng và suy yếu.

Đây cũng là chuỗi suy yếu dài nhất của hoạt động sản xuất tại nước này kể từ giai đoạn tháng 8/2000 đến tháng 1/2002. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với dự báo của giới quan sát là 47,6 điểm.

dau tu vang anh 1

Giá vàng bật tăng khi những dữ liệu kinh tế của Mỹ đứng về phía kim loại quý. Ảnh: Trading Economics.

Số lượng việc làm tại các nhà máy cũng ghi nhận tháng giảm thứ 2 liên tiếp. Điều này cho thấy hoạt động tuyển dụng đang chậm lại, trong khi tỷ lệ sa thải gia tăng.

Theo một cuộc khảo sát của Reuters với các chuyên gia kinh tế, số việc làm phi nông nghiệp dự kiến tăng 175.000 việc làm trong tháng 11, sau khi ghi nhận mức tăng 150.000 việc làm vào tháng 10.

Đây cũng là một dữ liệu được giới quan sát quan tâm. Bởi sự tăng trưởng trong thị trường việc làm có thể tạo ra vòng xoáy lạm phát - tiền lương nguy hiểm, từ đó khiến bài toán chống lạm phát của Fed trở nên hóc búa hơn.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát yêu thích của Fed - cũng cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt. PCE đi ngang trong tháng 10 sau khi tăng nhẹ 0,4% vào tháng 9. Nhóm lương thực, thực phẩm ghi nhận mức tăng 0,2%, trong khi chi phí năng lượng giảm tới 2,6%.

dau tu vang anh 2

Chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn dù chuẩn bị bước vào mùa lễ hội. Ảnh: Bloomberg.

So với tháng 10 năm ngoái, PCE tăng 3%. Đây cũng là mức tăng trưởng yếu nhất trong vòng một năm kể từ tháng 3/2021. Tốc độ tăng trưởng của hồi tháng 9 là 3,4%. Trong khi đó, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng với tốc độ khiêm tốn trong tháng 10.

Theo giới quan sát, nhu cầu giảm và lạm phát hạ nhiệt đang khiến các nhà đầu tư lạc quan hơn. Họ tin rằng ngân hàng trung ương có thể đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất trong năm nay. Thị trường tài chính còn nghiêng về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ngay vào giữa năm sau.

Giá vàng chuẩn bị lập đỉnh

Theo dữ liệu của CME Group, thị trường đang định giá khả năng Fed giữ nguyên lãi suất 5,25-5,5% trong cuộc họp tháng 12 lên tới 97,8%. 10,1% nhà đầu tư cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm ngay từ cuộc họp tháng 1 năm sau.

Đến cuộc họp tháng 3 năm sau, nhà đầu tư định giá khả năng lãi suất giảm xuống vùng 5-5,25% là 56,8%; khả năng giảm về 4,75-5% là 6,1%.

dau tu vang anh 3

Thị trường định giá khả năng Fed giữ nguyên lãi suất ở vùng 5,25-5,5% chỉ là 38,1%. Ảnh: CME Group.

Đa số nhà đầu tư tin rằng đến cuộc họp tháng 5/2024, Fed đã cắt giảm lãi suất từ 0,5 đến 1,5 điểm phần trăm. Khả năng ngân hàng trung ương Mỹ giữ nguyên lãi suất vào thời điểm này chỉ được định giá là 10,3%.

dau tu vang anh 4

Dự báo của thị trường về lãi suất điều hành tại Mỹ vào cuộc họp tháng 5 năm sau. Ảnh: CME Group.

Kể từ tháng 3 năm ngoái, Fed đã tăng lãi suất điều hành tổng cộng 5,25 điểm cơ bản. Những đợt tăng lãi suất mạnh tay của ngân hàng trung ương Mỹ đè nặng lên các thị trường tài chính, trong đó có vàng.

Giá vàng thế giới đã xuyên thủng ngưỡng 2.000 USD/ounce vào tháng 3 năm ngoái, do những bất ổn về kinh tế và tài chính trên toàn cầu sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, những đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương chặn đứng đà tăng của giá vàng.

Kim loại quý thậm chí còn rơi xuống mức 1,645 USD/ounce hồi tháng 10 năm ngoái.

"Chúng ta sẽ vẫn còn phải chờ những dữ liệu khác từ phía Mỹ, cùng với các tuyên bố của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, tôi không ngạc nhiên nếu giá vàng thiết lập mức cao kỷ lục mới", chuyên gia Erlam nói với Znews.

"Có lẽ vàng sẽ có một 'happy ending' (tạm dịch: kết thúc có hậu) trong năm 2023", vị chuyên gia nói thêm.

Những dự báo lạc quan đối với giá vàng đã bắt đầu xuất hiện. Theo ông Bart Melek, giá vàng sẽ vượt mốc 2.100 USD/ounce vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. "Tôi lạc quan về vàng vì tin rằng Fed sẽ kết thúc chính sách 'diều hâu' hiện tại. Điều này xảy ra ngay cả khi họ chưa đạt được mục tiêu lạm phát 2%", ông nói với CNBC.

Có lẽ vàng sẽ có một "happy ending" (tạm dịch: kết thúc có hậu) trong năm 2023

Ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (UK & EMEA)

Một số nhà phân tích còn lạc quan về kịch bản giá vàng đạt 2.500 USD/ounce vào cuối năm sau. "Năm 2024 sẽ là năm bùng nổ của giá vàng. Kim loại quý có thể liên tục lập đỉnh mới", ông David Neuhauser - người sáng lập quỹ đầu tư Livermore Partners - nhận định.

Giới chuyên gia cũng đang không mấy lạc quan về đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong giai đoạn tiếp theo. Trong khi đó, giá vàng hưởng lợi trực tiếp trong thời kỳ biến động kinh tế và tài chính.

"Bất cứ sự suy yếu nào cũng sẽ có lợi cho vàng", Giám đốc điều hành của Wheaton Precious Metals Randy Smallwood chỉ ra.

"Động lực chính đối với triển vọng của giá vàng trong năm tới, là việc Fed chuẩn bị kết thúc chu kỳ tăng lãi suất dài hơi, và sức mạnh của đồng USD sắp sửa đi xuống từ đỉnh", ông Heng Koon How - Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường tại UOB - bình luận. Nhà băng này dự đoán giá kim loại quý sẽ lập đỉnh mới vào nửa cuối năm sau.

"Vàng sẽ tăng giá khi lãi suất ngừng tăng và đồng bạc xanh suy yếu", ông nhận định.

Nhu cầu vàng cũng đang gia tăng tại các nền kinh tế như Trung Quốc và Ấn Độ. Chi tiêu tiêu dùng ở hai quốc gia này đã trở lại đà phục hồi. Hơn nữa, xu hướng phi USD hoá trên toàn cầu cũng thúc đẩy các ngân hàng trung ương trên thế giới mua vàng.

Xu hướng đưa vàng ‘hồi hương’

Thay vì dự trữ vàng ở nước ngoài, nhiều quốc gia đang lựa chọn việc chuyển tài sản trú ẩn này về nước để đảm bảo an toàn.

Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Thảo My

Bạn có thể quan tâm