Trưa ngày 18/8 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay trên sàn New York được đẩy lên hơn 2.000 USD/ounce, tăng 17,8 USD/ounce, tức 0,9% so với mức giá đóng cửa phiên ngày 17/8.
Trong phiên giao dịch ngày 17/8 theo giờ New York (tức đêm ngày 17/8 theo giờ Việt Nam), giá kim quý tăng một mạch từ mức dưới 1.945 USD/ounce cuối tuần trước lên 1.983,6 USD, tương đương mức tăng 38,8 USD/ounce, xấp xỉ 2%/ngày.
Nguyên nhân là lãi suất trái phiếu kỳ 10 năm của Mỹ giảm hơn 4% sau một đêm. Chỉ số DXY đo sức mạnh đồng USD với 6 đồng ngoại tệ lớn khác cũng dao động gần mức thấp nhất 2 năm, giảm 0,15% chỉ trong một ngày.
Trao đổi với Zing, ông Edward Moya, nhà phân tích cao cấp tại Công ty giao dịch ngoại hối Oanda (Mỹ), giải thích: "Đợt điều chỉnh giảm đầu tiên trong vòng hơn hai tháng đã bị phóng đại do áp lực chốt lời từ các quỹ đầu tư. Giá kim loại quý bật tăng sau khi giới đầu tư đánh giá lại triển vọng của những gói kích thích kinh tế chuẩn bị được đưa ra".
Khi các chính phủ bơm thêm tiền vào nền kinh tế, lãi suất thực giảm xuống khiến giới đầu tư đổ xô vào những tài sản "trú ẩn" an toàn như vàng.
Giá vàng thế giới lại vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce. |
"Đồng USD suy yếu và lãi suất giảm là hai trợ lực chính của giá vàng. Việc các nhà đầu tư bán tháo mạnh vào tuần trước không ảnh hưởng đến xu hướng tăng dài hạn của giá vàng, thậm chí giúp đà tăng lâu dài và bền vững hơn", ông nhận định.
Ông Neil Wilson, chuyên gia về kim loại quý tại Markets.com, cho rằng ngoài đồng USD suy yếu, giá kim loại quý còn hưởng lợi sau khi Warren Buffett tuyên bố đầu tư vào vàng.
Trong khi đó, theo ông Jeffrey Halley, nhà phân tích cao cấp khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Công ty giao dịch ngoại hối tại Mỹ Oanda, nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng dựng đứng là các nhà đầu cơ lại đổ tiền vào kim loại quý sau khi chốt lời. "Lãi suất thực giảm đã bật đèn xanh cho các nhà đầu tư. Đồng USD suy yếu cũng đẩy giá vàng đi lên", ông nói thêm.
Theo ông, sự sụt giảm của đồng USD là "cơn sóng thần" đối với nợ công Mỹ. Cùng với đó là các chính sách nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). "Chúng là hai trợ lực chính của giá vàng và bạc trong năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, giá vàng không tăng một mạch. Bằng chứng là các đợt điều chỉnh giảm mà chúng ta chứng kiến hồi tuần trước. Tuy nhiên, đà tăng cơ bản vẫn không bị ảnh hưởng", ông Halley nhận định.
Triển vọng tăng giá của kim loại quý vẫn rất mạnh mẽ về dài hạn. Ảnh: Reuters. |
Cùng quan điểm, chuyên gia phân tích kim loại quý Suki Cooper của Standard Chartered cho rằng triển vọng tăng giá của kim loại quý vẫn rất mạnh mẽ về dài hạn bất chấp đợt bán tháo mạnh nhất kể từ tháng 4/2013.
"Chúng tôi nhận thấy xu hướng tăng dài hạn của giá vàng vẫn còn nguyên do đồng USD suy yếu và các gói kích thích kinh tế quy mô lớn. Vàng giảm giá có thể là cơ hội để mua vào. Bởi bối cảnh vĩ mô rất thuận lợi cho giá vàng", bà Cooper nhấn mạnh.
"Nhìn lại năm 2011, khi giá vàng vượt ngưỡng 1.900 USD, đã có những đợt điều chỉnh giảm cực lớn, thậm chí gấp ba lần hiện tại", Frank Holmes, CEO tại Global Investors, bình luận. Thêm vào đó, việc ngân hàng trung ương Trung Quốc tung thêm các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế cũng là "luồng gió lớn" thúc đẩy giá vàng.
Các chuyên gia nhận định việc vàng giảm giá có thể là cơ hội tốt để mua vào. "Quý vị nên nắm giữ vàng và tận hưởng", Bill Baruch, Chủ tịch Blue Line Futures, bình luận.
"Đối với các nhà đầu tư muốn nắm giữ vàng, có thể cân nhắc mua vào hoặc đợi giá giảm xuống mức thấp hơn. Triển vọng tăng giá của kim loại quý vẫn còn rất lạc quan. Tuy nhiên, các đợt điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn sẽ diễn ra nếu lãi suất thực tăng", ông Moya tại Oanda nói với Zing.
Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ thông báo sẽ bán 25 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 20 năm vào ngày 19/8. Ông Moya cảnh báo điều này có thể khiến lãi suất thực tăng cao và kéo giá vàng giảm sâu.