Sau khi ghi nhận xu hướng giảm sâu 2 phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng thế giới đầu tuần này ghi nhận xu hướng phục hồi khi thị trường chứng khoán giảm điểm trước các thông tin tiêu cực liên quan khoản nợ 300 tỷ USD của Tập đoàn bất động sản Evergrande (Trung Quốc).
Cụ thể, trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay trên sàn Kitco ghi nhận mức tăng 10,2 USD, đóng cửa ở 1.764 USD/ounce. Diễn biến tích cực này cũng đưa giá vàng thế giới thoát khỏi vùng thấp nhất kể từ tháng 8 đến nay.
Tương tự, giá vàng giao ngay khu vực châu Á trên sàn Kitco cũng tăng gần 10 USD phiên đầu tuần, hiện phổ biến giao dịch ở mức 1.763,3 USD/ounce. Trên sàn Comex, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 12 tăng 13,3 USD, hiện cố định ở mức 1.764,7 USD/ounce.
Theo ông Gary Wagner, thị trường vàng đang đóng vai trò là tài sản trú ẩn an toàn khi thị trường chứng khoán toàn cầu bị bán tháo trước lo ngại về khả năng thanh toán nợ của Evergrande.
Vàng trở thành tài sản trú ẩn của các nhà đầu tư trước lo ngại "bom nợ" của Evergrande có thể ảnh hưởng tới thị trường tài chính toàn cầu. Ảnh: Bloomberg. |
Trong đó, xu hướng bán tháo cổ phiếu xuất phát từ thị trường Trung Quốc rồi lan ra các thị trường châu Á và đêm qua ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Mỹ. Ở mức thấp nhất trong phiên đầu tuần này, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 900 điểm trước khi phục hồi.
Đến cuối phiên, Dow Jones giảm 614 điểm và đóng cửa ở mức 33.970,47 điểm, tương đương mức giảm ròng 1,78%. Tương tự, chỉ số tổng hợp NASDAQ mất 2,19%, hiện cố định ở mức 14.713,9 điểm; S&P 500 mất 1,7%, hiện ở 4.357,73 điểm.
Bên cạnh đó, thông tin liên quan cuộc họp bàn về các chính sách tiền tệ mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến bắt đầu vào giữa tuần này cũng khiến thị trường lo ngại và dòng tiền tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn.
Tại thị trường trong nước, sau khi giảm mất mốc 57 triệu đồng/lượng tuần trước, giá vàng miếng do Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết đã trở lại mốc trên 57 triệu/lượng trong sáng nay (21/9).
Cụ thể, giá vàng miếng do SJC giao dịch hiện phổ biến ở mức 56,45 - 57,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng lần lượt 60.000 đồng giá mua và 230.000 đồng giá bán. Đây đã là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của vàng miếng SJC và là phiên tăng thứ 2 trong tuần này.
So với cuối tuần trước, giá vàng miếng tại đây đã tăng xấp xỉ nửa triệu đồng.
Tương tự SJC, giá vàng miếng tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay cũng ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp, hiện mua vào ở mức 56,5 triệu/lượng và bán ra ở 57,4 triệu đồng, cao hơn 200.000 đồng so với phiên 20/9 và tăng 300.000 đồng so với cuối tuần trước.
Không riêng mặt hàng vàng miếng, đà phục hồi của giá vàng thế giới cũng giúp giá vàng trang sức do PNJ chế tác tăng từ đầu tuần này, hiện giao dịch ở mức 50,3 - 52,2 triệu/lượng (mua vào - bán ra).
Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI sáng nay tăng giá mua vàng miếng thêm 100.000 đồng so với cuối ngày 20/9, hiện ở 56,5 triệu/lượng. Tuy nhiên, giá bán ra lại bị điều chỉnh giảm tương ứng 100.000 đồng, hiện cố định ở 57,5 triệu đồng.
Tính trong một tuần qua, giá vàng miếng tại DOJI đã giảm 300.000 đồng, tương đương mức giảm của vàng nhẫn do doanh nghiệp tự chế tác.
Với đà tăng 2 chữ số trong phiên đêm qua, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện vào khoảng 48,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá các doanh nghiệp trong nước đưa ra khoảng 8,4-8,8 triệu đồng.
Điều này đồng nghĩa với việc người mua vàng trong nước đang phải trả mức giá đắt hơn 17-18% để sở hữu cùng một lượng vàng so với thế giới.