Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá vàng sụt mạnh

Giá vàng giảm mạnh sau khi xuyên thủng ngưỡng 2.000 USD vào tuần trước. Các dữ liệu kinh tế mới nhất của Mỹ khiến giới đầu tư thận trọng hơn.

Giá vàng vọt lên hơn 2.000 USD/ounce vào tuần trước. Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng đã giảm mạnh từ mức cao của tuần trước. Theo dữ liệu của Trading Economics, trong phiên giao dịch đầu tuần, kim loại quý được giao dịch quanh mức 1.967,6 USD/ounce.

Tuần trước, giá vàng có thời điểm xuyên thủng ngưỡng 2.000 USD/ounce. Nhưng các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn sau những dữ liệu mới nhất về lạm phát và kinh tế Mỹ.

gia vang giam anh 1

Giá vàng lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần tại châu Á. Ảnh: Trading Economics.

Lạm phát vẫn nóng

Các dữ liệu về hoạt động sản xuất và dịch vụ của Mỹ trong tháng 3 đã vượt dự báo của giới quan sát.

Hơn nữa, cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - có thể vẫn tăng trong tháng 2. Điều này sẽ đẩy cơ quan quản lý Mỹ rơi vào thế khó. Bởi họ đang mắc kẹt giữa cuộc chiến chống lạm phát và những căng thẳng trong lĩnh vực tài chính.

Theo khảo sát của Bloomberg, giới quan sát dự báo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân cốt lõi của Mỹ trong tháng 2 (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) sẽ tăng 0,4% so với một tháng trước đó. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.

So với tháng 2/2022, chỉ số này được dự báo tăng 4,7%. Còn chỉ số giá tiêu dùng cá nhân nói chung vọt lên 5,1% sau một năm. Cả hai đều gấp đôi mục tiêu lạm phát của Fed.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) do Bộ Lao động Mỹ công bố đã tăng 0,2% trong tháng 2. Mức tăng so với một năm trước đó là 6%.

Tất cả cho thấy lạm phát tại Mỹ vẫn còn nóng và Fed có thể phải hành động nhiều hơn, dù triển vọng u ám đang bao trùm lĩnh vực tài chính toàn cầu.

USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác trên toàn cầu - đã bật tăng từ mức thấp nhất trong 7 tuần. Cuối tuần trước, ông James Bullard - Chủ tịch Fed St. Louis - khẳng định Fed chưa thể hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất và sẽ phải đẩy lãi suất lên cao hơn.

Áp lực chốt lời

Trong họp báo sau cuộc họp tháng 3, ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed - tiết lộ cơ quan hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương đã cân nhắc tạm dừng tăng lãi suất do khủng hoảng trong ngành ngân hàng.

Nhưng cuối cùng, cơ quan này vẫn nhất trí nâng lãi suất điều hành vì các dữ liệu lạm phát và thị trường lao động còn nóng.

"Chúng tôi cam kết bình ổn giá cả và tất cả bằng chứng đều nói lên rằng mọi người cũng tin chúng tôi sẽ làm điều đó", ông Powell cho biết và cam kết "duy trì niềm tin đó bằng lời nói cũng như hành động".

Các nhà đầu tư kim loại quý cũng đẩy mạnh chốt lời sau khi giá vàng xuyên thủng ngưỡng 2.000 USD/ounce. Thị trường vàng được hỗ trợ trong bối cảnh ngành ngân hàng toàn cầu chìm trong hỗn loạn.

Trong bài phát biểu hôm 26/3, bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - cảnh báo rằng rủi ro bất ổn tài chính đang tăng lên trên toàn cầu và kêu gọi các nước tiếp tục cảnh giác.

Chỉ trong vài tuần, 3 nhà băng của Mỹ đã sụp đổ. 2 trong số đó là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 2 và thứ 3 trong lịch sử nước này. Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ - cũng được UBS Group mua lại với giá hơn 3 tỷ USD.

17 tỷ USD trái phiếu cấp 1 bổ sung của Credit Suisse đã gần như bốc hơi hoàn toàn sau thương vụ gây chấn động toàn cầu. Các trái chủ của ngân hàng này đang chuẩn bị đâm đơn kiện.

Giá cổ phiếu của Deutsche Bank - nhà băng lớn nhất nước Đức - đã giảm 8,5% vào phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước. Nguyên nhân là đêm 23/3, hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của ngân hàng này đã tăng vọt do lo ngại về tình hình của ngành ngân hàng châu Âu.

Theo giới quan sát, do những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng, giá vàng sẽ không giảm quá sâu. Bởi với vai trò tài sản trú ẩn an toàn, kim loại quý được hưởng lợi trực tiếp khi các nhà đầu tư thận trọng hơn với những khoản đầu tư rủi ro.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

IMF: 'Rủi ro với tài chính toàn cầu vẫn đang tăng'

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cảnh báo rủi ro bất ổn tài chính đang tăng lên trên toàn cầu và kêu gọi các nước tiếp tục cảnh giác.

Biến số mới trong cuộc chiến của Fed

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân của Mỹ chuẩn bị được công bố. Đây là thước đo lạm phát được Fed yêu thích và sẽ quyết định các động thái tiếp theo của cơ quan này.

Gia vang bat dong dau thang hinh anh

Giá vàng bất động đầu tháng

0

Sáng nay, cả giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999 trong nước đều giữ xu hướng đi ngang so với cuối tuần trước trong bối cảnh không có nhiều thông tin trên thị trường vàng quốc tế.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm