Theo CNBC, ông Ole Hansen - Trưởng bộ phận Chiến lược hàng hóa tại ngân hàng đầu tư Saxo (Đan Mạch) - dự đoán giá vàng giao ngay có thể vượt ngưỡng 3.000 USD/đồng vào năm sau, tức tăng khoảng 67% so với mức hiện tại.
Nhà băng này chỉ ra 3 yếu tố thúc đẩy giá vàng. Những bất ổn địa chính trị sẽ thúc đẩy các quốc gia tích trữ vàng thay vì ngoại hối. Cùng với đó là những khoản đầu tư lớn vào các ưu tiên an ninh quốc gia mới và việc gia tăng tính thanh khoản toàn cầu nhằm tránh vỡ nợ.
Bloomberg đưa tin theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua tổng cộng 400 tấn vàng trong quý III, tăng gấp 4 lần so với một năm trước đó và đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 1967.
Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương tăng mạnh | ||||||||||||
Nguồn dữ liệu: Hội đồng Vàng Thế giới | ||||||||||||
Nhãn | Quý I/2020 | Quý II | Quý III | Quý IV | Quý I/2021 | Quý II | Quý III | Quý IV | Quý I/2022 | Quý II | Quý III | |
tấn vàng | 141 | 164 | -11 | 61 | 116 | 210 | 91 | 38 | 88 | 186 | 399 |
Tăng cường tích trữ vàng
Các ngân hàng trung ương đang nỗ lực đa dạng hoá kho dự trữ ngoại tệ. Nhưng phần lớn trong số hàng trăm tấn vàng được mua bởi những bên không tiết lộ danh tính.
Các ngân hàng trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và Ấn Độ cho biết đã mua lần lượt 31,2 tấn, 26,1 tấn và 17,5 tấn vàng, tổng cộng khoảng 90 tấn. Đến nay, vẫn chưa rõ những ngân hàng trung ương nào đang nắm giữ 300 tấn vàng còn lại.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc là khách hàng lớn. Bởi nước này muốn giảm phụ thuộc vào đồng USD.
Những bất ổn địa chính trị sẽ thúc đẩy các quốc gia tích trữ vàng thay vì ngoại hối. Ảnh: Reuters. |
Trong hơn 10 năm qua, các ngân hàng trung ương và tổ chức chính phủ đã tăng cường tích trữ vàng. Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 làm xói mòn niềm tin vào trái phiếu kho bạc Mỹ và những tài sản bằng USD khác, các tổ chức này phải đẩy mạnh đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Theo ông Nikos Kavalis - Giám đốc điều hành của công ty kim loại quý Metals Focus, các ngân hàng trung ương vẫn sẽ tăng mua vàng. Bởi giá kim loại quý đã đi lên trong vài năm qua, và tài sản này cũng không bị ảnh hưởng bởi các quốc gia khác.
"Tôi sẽ không bất ngờ nếu các nền kinh tế thiên về hàng hóa muốn đẩy mạnh mua vàng. Họ không còn lựa chọn nào tốt hơn", ông Steen Jakobsen - Giám đốc đầu tư tại Saxo - khẳng định.
"Tôi tin rằng giá vàng sẽ tăng mạnh", vị chuyên gia khẳng định.
Chạm mốc 2.000 USD, 3.000 USD hay 4.000 USD?
Dự báo của Saxo không phải là dự báo cao nhất đối với giá vàng vào năm sau. Trước đó, ông Juerg Kiener - CEO kiêm Giám đốc đầu tư của Swiss Asia Capital - nhận định giá vàng có thể chạm mốc 4.000 USD/ounce trong năm tới.
Ông cho rằng trong quý I năm sau, nhiều nền kinh tế có thể đối mặt với một đợt suy thoái nhẹ. Các ngân hàng trung ương do đó sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Còn vàng trở thành một kênh trú ẩn hấp dẫn trong thời kỳ biến động.
Năm nay, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã mạnh tay tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát. Tác động của những đợt nâng lãi suất này với nền kinh tế có thể được phơi bày rõ ràng vào năm sau. Lạm phát hạ nhiệt cũng cho phép các ngân hàng trung ương giảm tốc độ tăng lãi suất.
Vào cuộc họp chính sách tháng 12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25-4,5%. Mức tăng này chấm dứt chuỗi 4 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11.
Việc Fed nhẹ tay hơn sẽ dẫn tới sự suy yếu của đồng USD. Điều đó có thể tiếp nhiệt lượng cho đà tăng của giá vàng, đẩy kim loại quý lên 1.900 USD/ounce vào năm sau
Ông Kirill Kirilenko, nhà phân tích cấp cao tại CRU
Lãi suất điều hành của Mỹ tăng cao sẽ đè nặng lên các thị trường hàng hóa như vàng. Bởi chúng làm chi phí vốn và chi phí cơ hội của những khoản đầu tư này tăng lên.
Hơn nữa, khi sức mua của đồng bạc xanh tăng lên, số USD cần thiết để mua vàng cũng giảm đi. Việc Fed dừng tăng lãi suất vào năm sau có thể cởi bỏ áp lực cho thị trường kim loại quý.
Nhưng công ty nghiên cứu CRU tin rằng giá vàng sẽ không tăng mạnh vào năm sau. "Dự báo về kim loại quý của chúng tôi vừa phải hơn nhiều", ông Kirill Kirilenko, nhà phân tích cấp cao tại CRU, bình luận.
"Việc Fed nhẹ tay hơn sẽ dẫn tới sự suy yếu của đồng USD. Điều đó có thể tiếp nhiệt lượng cho đà tăng của giá vàng, đẩy kim loại quý lên 1.900 USD/ounce vào năm sau", ông Kirilenko dự báo.
Nhưng ông nhấn mạnh rằng tất cả sẽ phụ thuộc vào những động thái tiếp theo của Fed.
"Bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Fed sẽ tiếp tục giữ quan điểm 'diều hâu' cũng có thể đè nặng lên giá kim loại quý", vị chuyên gia cảnh báo.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...