Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 28/6, giá vàng thế giới vừa rơi một mạch xuống dưới ngưỡng 1.910 USD/ounce. Đây là mức giá thấp nhất của kim loại quý kể từ giữa tháng 3.
Trong vòng 24 giờ qua, giá vàng đã giảm mạnh từ mức cao 1.929,4 USD/ounce xuống 1.908,8 USD/ounce. Mức tăng của kim loại quý trong năm nay bị thu hẹp còn 5,12%.
"Thị trường kim loại quý đang chịu sức ép lớn do sức mạnh tiêu dùng của Mỹ vẫn còn quá mạnh. Các dữ liệu kinh tế mới nhất đã vẽ lên bức tranh về một nền kinh tế với sức chống chịu tốt, và điều đó có nghĩa là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải diều hâu hơn nữa", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Mỹ - giải thích với Tri thức trực tuyến.
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3. Ảnh: Trading Economics. |
Lao dốc
Và dĩ nhiên, đó không phải tin tốt với vàng. Lãi suất tăng cao sẽ triệt tiêu sức hấp dẫn của kim loại quý, vốn là tài sản trú ẩn an toàn không được trả lãi. "Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng đã khẳng định việc chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất không diễn ra trong tương lai gần", ông Moya nói thêm.
"Thị trường vàng đã gặp khó kể từ đầu tháng 5. Nếu giới đầu tư đặt cược vào việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, giá vàng sẽ rơi xuống dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce", ông Moya cảnh báo.
Theo dữ liệu chính thức, trong tháng 6, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 1 năm rưỡi. Trong khi đó, vào tháng 5, doanh số bán nhà mới cho các hộ gia đình cũng ghi nhận mức tăng 12,2%, vượt dự báo của giới quan sát.
Kim loại quý chính thức mất mốc giá 1.910 USD/ounce. Ảnh: Trading Economics. |
Các dữ liệu này cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang chống chịu rất tốt trước 10 đợt tăng lãi suất điều hành liên tiếp của Fed kể từ tháng 3 năm ngoái. Ngân hàng trung ương Mỹ đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 6 này, nhưng chỉ nhằm đánh giá tác động của các đợt nâng lãi suất đối với nền kinh tế.
Giá vàng đang hướng tới tháng giảm thứ 2 liên tiếp. Vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý cũng đã trở nên mờ nhạt nhờ khả năng chống chịu của kinh tế Mỹ. Ngay cả tình hình phức tạp tại Nga cũng không thể hỗ trợ giá vàng.
Hồi năm ngoái, giá kim loại quý đã tăng phi mã sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.
Thị trường đang bi quan
Hơn nữa, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đã phát đi tín hiệu về việc tiếp tục duy trì chính sách diều hâu.
Chỉ một tuần sau cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, ông Powell chỉ ra việc giữ nguyên lãi suất chỉ là quãng thời gian tạm nghỉ ngắn ngủi, chứ không phải dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương đã dừng tăng lãi suất.
Ông Powell nhấn mạnh rằng lạm phát vẫn "cao hơn nhiều" so với mục tiêu 2% của Fed. Ông cho biết ngân hàng trung ương còn nhiều việc phải làm.
Mới đây, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất điều hành trở lại trong cuộc họp tháng 7.
Các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley cũng trích dẫn nhận xét của Chủ tịch Fed trong báo cáo của mình. Ông Powell đã nói rõ rằng ông nằm trong nhóm quan chức Fed ủng hộ việc nâng lãi suất điều hành lên cao hơn nữa.
Theo dữ liệu của công cụ FedWatch từ CME Group, các thị trường đang định giá khả năng Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên vùng 5,25-5,5% trong cuộc họp tháng 7 là 76,9%. Trong khi đó, kịch bản giữ nguyên lãi suất chỉ được định giá là 23,1%.
Các nhà đầu tư cũng bi quan về kịch bản Fed cắt giảm lãi suất ngay trong năm nay. Khả năng Fed cắt giảm lãi suất điều hành về 4,75-5% đang được định giá chỉ 4,7%.
Đa số nhà đầu tư (51,1%) nghiêng về khả năng lãi suất điều hành kết thúc năm ở mức 5,25-5,5%, tức Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm thêm một lần nữa. Khả năng lãi suất điều hành ở mức 5-5,25% (mức hiện tại) và 5,5-5,75% được định giá lần lượt là 29,7% và 13,6%.
Giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào bài phát biểu sắp tới của ông Powell. Cùng với đó là một loại dữ liệu kinh tế quan trọng được công bố hôm 29/6.
"Từ giờ đến lúc đó, các vị có thể thấy thị trường vàng đi ngang, giao dịch ảm đạm, trừ khi xuất hiện một tin tức mới", Reuters dẫn lời ông Bob Haberkorn - chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures - nhận định.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.