Giá vàng đã giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần trên sàn New York (Mỹ). Theo dữ liệu của Kitco.com, giá có lúc rớt xuống dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce rồi đóng cửa ở mức 2.004 USD/ounce, giảm hơn 36 USD/ounce so với phiên liền trước.
"Giá vàng lao dốc vì doanh số bán lẻ cốt lõi tại Mỹ sụt giảm ít hơn dự kiến trong tháng 3. Cùng với đó là những bình luận 'diều hâu' từ phía Cục Dự trữ LIên bang Mỹ (Fed). Điều này có thể làm tăng nguy cơ Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ sau cuộc họp tháng 5, và duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Mỹ - giải thích với Zing.
Trong phiên giao dịch cuối tuần tại Mỹ, giá vàng đã rớt mạnh từ mức cao nhất hơn một năm. Ảnh: Kitco.com. |
Nhà đầu tư thận trọng
"Trong ngắn hạn, giá vàng có thể liên tục trồi sụt. Để kìm hãm được lạm phát, chúng ta cần phải nhìn thấy nền kinh tế bị tổn thương. Và điều đó sẽ hỗ trợ thị trường kim loại quý", vị chuyên gia nói thêm.
Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ hôm 14/4, doanh số bán lẻ đã giảm 1% trong tháng 3 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. "Doanh số bán lẻ thấp hơn dự kiến, nhưng phần lớn do giá xăng đi xuống. Trên thực tế, đây lại là tin tích cực đối với chi tiêu", CNBC dẫn lời ông Chris Zaccarelli - Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance - nhận định.
"Lạm phát hạ nhiệt khi giá xăng giảm, nhưng điều đó có thể đảo ngược ngay lập tức", ông lập luận.
Dự báo của thị trường về động thái của Fed trong tháng 5 | |||
Dữ liệu: CME FedWatch Tool | |||
Nhãn | Giữ nguyên lãi suất | Tăng lãi suất 0,25 điểm % | |
Ngày 7/4 | % | 28.8 | 71.2 |
Ngày 13/4 | 33 | 67 | |
Ngày 14/4 | 22 | 78 |
Các nhà đầu tư vẫn đang thận trọng. Theo dữ liệu của CME Group, các thị trường đang định giá khả năng Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản là 78%, tăng từ mức 67% của ngày 13/4.
Trong khi đó, khả năng Fed giữ nguyên lãi suất dựa trên định giá của thị trường là 22%, giảm từ mức 33% trong phiên 13/4.
Cùng ngày, ông Christopher Waller - Thống đốc Fed - khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ vẫn "chưa đạt được nhiều tiến bộ" trong việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%. Ông nhấn mạnh rằng cần phải tăng lãi suất điều hành lên cao hơn nữa.
Quan điểm diều hâu của Fed
"Các thước đo quan trọng về lạm phát cốt lõi nói chung vẫn đi ngang, và không có xu hướng hạ nhiệt rõ ràng", ông Waller cho biết.
Theo ông, vẫn chưa rõ liệu tình trạng căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng có tác động tiêu cực tới hoạt động cho vay và tăng trưởng kinh tế hơn mức cần thiết hay không. "Tuy nhiên, sự ổn định trên thị trường tài chính cho thấy Fed đã đúng khi tăng lãi suất trong cuộc họp trước và giữ mục tiêu trọng tâm của chính sách tiền tệ là chống lạm phát", vị thống đốc nhấn mạnh.
"Cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Mức độ thắt chặt sẽ phụ thuộc vào dữ liệu về lạm phát, nền kinh tế thực và các điều kiện tín dụng", ông cho biết.
Các quan chức Fed đã nhất trí tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tháng 3. Lãi suất điều hành của Mỹ tăng từ gần 0% cách đây một năm lên 4,75-5%.
Vàng rất nhạy cảm với lãi suất. Bởi lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn không mang lại lợi suất. Kim loại quý cũng thường biến động ngược chiều USD.
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều giảm điểm trong phiên giao dịch cuối tuần. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 143,22 điểm, tương đương 0,42%.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng giảm lần lượt 8,58 điểm (-0,21%) và 42,81 điểm (-0.35%).
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...