Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá vàng rơi tự do

Giá vàng thế giới vừa rơi một mạch xuống mức thấp nhất 3 tháng. Các động thái "diều hâu" của những ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang bóp nghẹt giá vàng.

Trên sàn New York, giá vàng đã rớt mạnh trong phiên giao dịch ngày 22/6 (giờ Mỹ). Giá của mỗi ounce vàng ghi nhận mức giảm lên tới 18,8 USD so với phiên trước đó.

Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 23/6 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đã rớt xuống 1.912,2 USD/ounce, đánh dấu mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3.

Dòng tiền chảy khỏi kim loại quý do các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới vẫn duy trì quan điểm diều hâu. Điều này triệt tiêu sức hấp dẫn của vàng và đè nặng lên giá.

thi truong vang anh 1

Giá vàng giảm mạnh trong phiên 22/6 trên sàn New York. Ảnh: Kitco.com.

BoE bất ngờ tăng lãi suất mạnh tay

Ngày 22/6, các thị trường đều ngỡ ngàng sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) công bố tăng lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản. Đây là đợt nâng lãi suất thứ 13 liên tiếp của ngân hàng trung ương nước này nhằm kìm hãm lạm phát dai dẳng.

Như vậy, lãi suất điều hành của Anh đã được đưa lên mức 5%. Trước đó, các thị trường định giá khả năng BoE tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm là khoảng 60%.

"Động thái của BoE được đưa ra sau dữ liệu lạm phát đáng lo ngại. Cùng với đó, các dữ liệu trong tháng 4 và tăng trưởng tiền lương cho thấy bóng ma lạm phát vẫn bủa vây nền kinh tế nước này", ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính cấp cao có trụ sở ở London - nhận định với Tri thức Trực tuyến.

"Các dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát vẫn còn dai dẳng, trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt và nhu cầu tiếp tục phục hồi", Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BoE (MPC) cho biết trong tuyên bố hôm 22/6.

thi truong vang anh 2

Giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3. Ảnh: Trading Economics.

"MPC sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu về áp lực lạm phát dai dẳng trong toàn bộ nền kinh tế, bao gồm sự thắt chặt của thị trường lao động, tăng trưởng tiền lương và lạm phát giá dịch vụ. Nếu các dữ liệu cho thấy áp lực lạm phát dai dẳng hơn, cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa", cơ quan này nhấn mạnh.

"Áp lực lạm phát tại Anh dai dẳng hơn so với các nền kinh tế phương Tây khác. Điều đó buộc ngân hàng trung ương phải diều hâu. Tuyên bố ngày hôm nay làm gia tăng lo ngại về việc lãi suất sẽ bị đẩy lên cao hơn nhiều, có thể tới 6%", ông Joseph Little - chiến lược gia trưởng toàn cầu tại HSBC Asset Management - bình luận.

Fed, ECB chưa hết "diều hâu"

Trước quyết định của BoE một ngày, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - cũng khẳng định rằng sẽ còn có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa, cho đến khi lạm phát hạ nhiệt.

Fed đã ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6. Nhưng một tuần sau cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - ông Powell chỉ ra việc giữ nguyên lãi suất chỉ là quãng thời gian tạm nghỉ ngắn ngủi, chứ không phải dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương đã dừng tăng lãi suất.

"Gần như mọi thành viên tham gia cuộc họp đều cho rằng việc tăng lãi suất thêm một chút nữa vào cuối năm nay là phù hợp", ông cho biết trong bài phát biểu sắp được trình lên Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện.

Sau cuộc họp kéo dài hai ngày của FOMC vào tuần trước, các quan chức dự báo tiếp tục tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm. Lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương Mỹ hiện được cố định trong khoảng 5-5,25%.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất điều hành 0,25 điểm phần trăm lên 3,5%. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết việc nâng thêm 25 điểm cơ bản nữa là hoàn toàn có khả năng.

Ngoài ra, mới đây, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau hơn 2 năm. Lãi suất điều hành của nước này được tăng gần gấp đôi từ 8,5% lên 15%.

Quyết định tăng lãi suất đánh dấu sự thay đổi trong chính sách kinh tế của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan. Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng băng lãi suất kể từ tháng 3/2021.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm