Thị trường tài chính toàn cầu vẫn đang ghi nhận những biến động mạnh sau khi các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine không ghi nhận kết quả khả quan. Trong đó, giá dầu thô tuy đã hạ nhiệt nhưng hiện vẫn giao dịch quanh vùng 123 USD/thùng, tăng 2% trong ngày và 17,4% so với một tuần trước.
Tương tự, giá vàng thế giới đã hạ nhiệt và giảm về dưới mức 2.000 USD/ounce nhưng vẫn duy trì ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2020.
Cụ thể, giá vàng giao ngay trên sàn New York đêm qua (giờ Việt Nam) ghi nhận mức tăng 25,7 USD, đóng cửa ở 1.998,6 USD/ounce. Trên sàn Kitco, sau phiên sớm đầu tuần tăng vượt mốc 2.000 USD, hiện giá vàng vật chất tại đây đã giảm về mức 1.989,5 USD. So với cuối tuần trước, giá mặt hàng này vẫn cao hơn 16,6 USD, tương đương 0,9% giá trị.
Trong bối cảnh giá vàng thế giới đã hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì ở mức cao, giá vàng miếng trong nước vẫn tiếp tục tăng mạnh chưa thấy dấu hiệu dừng lại.
Sau khi đóng cửa ở mức 71,7 - 73,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) cuối ngày hôm qua (7/3), tăng 3,7 triệu giá mua và 4,5 triệu đồng giá bán so với sáng cùng ngày, đến sáng nay (8/3), Công ty Vàng bạc Đá quý SJC tiếp tục nâng giá mua vàng miếng thêm 1 triệu đồng và giá bán thêm 800.000 đồng, hiện phổ biến ở mức 72,7 triệu/lượng (mua) và 74,3 triệu/lượng (bán).
GIÁ VÀNG MIẾNG SJC VƯỢT 74 TRIỆU/LƯỢNG | ||||||||||||||||||
Diễn biến giá vàng miếng SJC gần đây. Nguồn: SJC; Tổng hợp | ||||||||||||||||||
Nhãn | 27/2 | Sáng 28/2 | chiều | Sáng 1/3 | chiều | Sáng 2/3 | chiều | Sáng 3/3 | chiều | Sáng 4/3 | chiều | Sáng 5/3 | chiều | 6/3 | Sáng 7/3 | chiều | Sáng 8/3 | |
Mua vào | triệu đồng/lượng | 64.55 | 65.1 | 65.15 | 65.25 | 65.25 | 66 | 66.55 | 66.6 | 66.6 | 66.65 | 66.6 | 67.25 | 68 | 68 | 68 | 71.7 | 72.7 |
Bán ra | 65.75 | 66 | 65.95 | 66 | 66.05 | 66.8 | 67.3 | 67.4 | 67.35 | 67.4 | 67.35 | 68.4 | 69.3 | 69.3 | 69 | 73.5 | 74.3 |
Với việc tăng vượt mốc 74 triệu/lượng, vàng miếng SJC một lần nữa thiết lập đỉnh giá mới trong lịch sử.
Trong khi vàng miếng tiếp đà tăng mạnh, giá vàng nhẫn SJC loại 99,99% lại ghi nhận diễn biến gần hơn với vàng thế giới khi chỉ tăng 50.000 đồng, hiện cố định ở mức 55,8 - 56,8 triệu/lượng (mua vào - bán ra).
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Trong đó, giá bán vàng nhẫn PNJ vẫn đi ngang vùng 56,75 triệu/lượng, nhưng giá vàng miếng đã tăng lên 74,2 triệu đồng. Dù chỉ tăng 200.000 đồng so với chiều 7/3, nhưng so với cùng giờ sáng, mức giá này đã tăng tới 4,7 triệu đồng.
Giá mua vào tại đây hiện phổ biến ở 72 triệu/lượng, tăng 1,1 triệu so với chiều qua và cao hơn 4,5 triệu so với sáng 7/3.
Tập đoàn DOJI sáng nay cũng tăng mạnh giá mua vàng miếng so với hôm qua, hiện cố định ở 72,2 triệu/lượng, tăng 1,2 triệu đồng. Trong khi đó, giá bán ra được điều chỉnh tăng 400.000 đồng, hiện giao dịch ở 74,4 triệu/lượng.
Việc các doanh nghiệp tăng mạnh giá mua so với giá bán, cho thấy nguồn cung vàng miếng trên thị trường vẫn hạn chế, và các nhà kinh doanh buộc phải mua vào giá cao mới có vàng miếng để bán giá cao.
Giá vàng miếng SJC vẫn tăng dựng đứng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Chí Hùng. |
Hiện tại, giá vàng miếng tại hầu hết doanh nghiệp như Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Phú Quý, Vàng Mi Hồng… đều giao dịch ở mức 72 - 74,4 triệu/lượng (mua vào - bán ra).
Mức giá này cao hơn tới 19,3 triệu đồng so với giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt (khoảng 55,1 triệu/lượng). Đây là mức chênh lệch kỷ lục từ trước đến nay giữa 2 thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người mua vàng miếng trong nước đang phải trả mức giá đắt hơn 35% để sở hữu cùng một lượng vàng như thế giới.
Tuy vậy, chênh lệch giữa vàng nhẫn và vàng thế giới vẫn dao động ở mức dưới 2 triệu đồng.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng thay vì đầu tư vàng miếng đã bị thổi giá quá cao và chênh lệch quá lớn so với thế giới, nhà đầu tư nên tìm tới các sản phẩm vàng nhẫn do các doanh nghiệp chế tác với nguồn cung dồi dào hơn và diễn biến sát hơn với quốc tế.
Điều này cũng giúp nhà đầu tư tránh rủi ro thua lỗ khi các sự kiện địa chính trị qua đi và giá vàng miếng cân bằng trở lại.