Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 3/4, giá vàng thế giới vừa rơi xuống dưới ngưỡng 1.960 USD/ounce, kéo dài đà giảm từ cuối tuần trước, rồi phục hồi phần nào về 1.963 USD/ounce.
Giá kim loại quý chịu sức ép lớn sau khi OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) gây rúng động với tuyên bố tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu. Điều này làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải hành động mạnh tay hơn nữa để kìm hãm lạm phát, vốn đã nóng trở lại vào đầu năm nay. Và đây là tin xấu với vàng.
Giá vàng rất nhạy cảm với lãi suất. Bởi lãi suất tăng cao khiến chi phí cơ hội của vàng - một tài sản phi rủi ro - tăng lên. Hơn nữa, USD mạnh cũng đồng nghĩa với việc cần ít USD hơn để mua 1 ounce vàng.
Động thái gây chấn động của OPEC+
Mới đây, những quốc gia quyền lực nhất trên thị trường dầu thế giới đột ngột thông báo giảm sản lượng từ tháng sau, với tổng sản lượng bị cắt giảm lên tới hơn 1 triệu thùng/ngày. Riêng sản lượng của Arab Saudi sẽ giảm 500.000 thùng/ngày từ tháng 5 tới hết năm nay.
Động thái này khiến cuộc chiến chống lạm phát của Fed trở nên khó khăn hơn. Trong cuộc họp chính sách hồi tháng 3, cơ quan hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ nhất trí tăng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 4,75-5%, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Trong khi đó, lạm phát tại Mỹ đang có dấu hiệu nóng trở lại sau khi hạ nhiệt hồi cuối năm ngoái. Theo dữ liệu mới được Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tăng 0,2% trong tháng 2 và cao hơn 6% so với một năm trước đó.
Nếu loại trừ giá năng lượng và lương thực biến động, CPI cốt lõi của Mỹ đã tăng 0,5% so với tháng 1 và 5,5% sau một năm.
Giá dầu tăng dựng đứng sau quyết định của các quốc gia thành viên OPEC+. Ảnh: Trading Economics. |
Quyết định của OPEC+ đã đẩy giá dầu tăng vọt. Giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ có thời điểm tăng dựng đứng lên 80,89 USD/thùng. Dầu Brent cũng chạm ngưỡng 85,54 USD/thùng. Hiện tại, hai loại hàng hóa này lần lượt được giao dịch ở mức giá 79,7 USD/thùng và 84,2 USD/thùng.
Sau khi tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - lưu ý rằng vẫn chưa chắc chắn về các động thái tiếp theo, và điều này sẽ phụ thuộc vào những dữ liệu sắp tới.
"Ủy ban sẽ theo dõi sát sao thông tin và đánh giá tác động đối với chính sách tiền tệ", FOMC tuyên bố sau cuộc họp. Cơ quan này cho rằng các chính sách phù hợp sẽ được đưa ra để giảm lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Triển vọng trong trung - dài hạn
Giá vàng đã giảm mạnh so với mức hơn 2.000 USD/ounce được thiết lập hồi giữa tháng 3, thời điểm các vụ sụp đổ trong ngành ngân hàng Mỹ khiến nhà đầu tư đổ xô vào vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Thời điểm đó, các nhà đầu tư cũng đặt cược vào khả năng Fed dừng tăng lãi suất để hỗ trợ ngành ngân hàng.
Dù vàng đã quay đầu giảm, một số nhà đầu tư vẫn tin vào triển vọng trung và dài hạn của kim loại quý. "Tôi cho rằng giá vàng có thể lấy lại mốc 2.000 USD/ounce trong trung hạn vì Fed sẽ duy trì chính sách ôn hòa, và trong kịch bản bất ổn gia tăng hơn nữa, kim loại quý sẽ thu hút dòng tiền trú ẩn an toàn", chuyên gia phân tích Carlo Alberto De Casa tại Kinesis Money nhận định.
Theo công cụ CME FedWatch, các nhà đầu tư đang đặt cược 43,5% rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 5.
"Fed phải lựa chọn giữa lạm phát hoặc suy thoái, và cả 2 kết quả đều có lợi cho vàng", bà Nicky Shiels, Trưởng bộ phận chiến lược kim loại tại công ty kim loại quý MKS Pamp, nhận xét. Bà dự báo giá vàng sẽ tăng lên 2.200 USD/ounce trong thời gian tới.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về doanh nhân, câu chuyện kinh doanh, khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, kinh nghiệm quản trị... tại Tủ sách doanh nhân. Những cuốn sách được chia sẻ bởi các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk...