Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết căng thẳng địa chính trị và xu hướng mua vào của các ngân hàng trung ương là hai trong nhiều động lực chính, khiến nhu cầu vàng tiếp tục tăng trong năm 2024.
Trong báo cáo triển vọng năm 2024, WGC dự báo nếu lãi suất giảm 75-100 điểm cơ bản thì giá vàng sẽ tăng 4%. Các chuyên gia của tổ chức này cũng dự báo 3 kịch bản được đưa ra cho vàng.
Kịch bản thứ nhất, nếu kinh tế Mỹ hạ cánh nhẹ nhàng, tránh được suy thoái, GDP giảm và lạm phát ở mức độ nhẹ, không có quá nhiều khủng hoảng, vàng sẽ được hỗ trợ để duy trì ở mức hiện tại. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm 2024. Tuy nhiên, các chuyên gia của WGC cũng đánh giá dù phần lớn thị trường ủng hộ kịch bản Fed hạ cánh mềm nhưng đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng đạt được.
Kịch bản thứ hai, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Đây sẽ là môi trường cực tốt cho vàng. Nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng sẽ tăng mạnh. Fed buộc phải quyết liệt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Kịch bản thứ ba, giả định kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định, không có dấu hiệu suy thoái, vàng sẽ chịu áp lực giảm giá.
Nhiều người lầm tưởng sức mua của người dân là yếu tố tác động lớn đến giá vàng. Thế nhưng, thực tế ngân hàng trung ương các nước mới được coi là nhà đầu tư vàng lớn nhất.
Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng của WGC trong quý III/2023 cho thấy, các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì tốc độ mua vàng ở mức kỷ lục, đưa nhu cầu vàng toàn cầu trong quý III (không bao gồm thị trường OTC) chạm mức 1.147 tấn, vượt 8% so với mức trung bình trong 5 năm qua.
Dữ liệu của WGC chỉ ra ngân hàng trung ương các quốc gia như Ba Lan, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là các “ông lớn” trên thị trường vàng.
Giới phân tích cũng cho rằng xung đột địa chính trị, bất ổn từ cuộc bầu cử tại các nền kinh tế lớn năm tới và lực mua của các ngân hàng trung ương, dẫn đầu là Trung Quốc, sẽ kéo nhu cầu trú ẩn vào vàng trong năm tới lên cao.
Riêng tại thị trường tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới là Trung Quốc đang chứng kiến nhu cầu mua vàng trang sức lên cao. Xu hướng này có thể kéo dài sang năm sau, nhờ các chính sách kích thích của giới chức.
Còn theo cuộc thăm dò của Reuters đối với các chuyên gia tài chính, giá vàng sẽ ở mức trung bình 1.986 USD/ounce vào năm 2024. Ngoài ra, ngân hàng J.P. Morgan nhận thấy sẽ có “một đợt phục hồi đột phá” của vàng vào giữa năm 2024, với mục tiêu đạt mức cao nhất là 2.300 USD/ounce nhờ việc cắt giảm lãi suất theo dự kiến của Fed. Trong khi đó, ngân hàng UBS dự báo mức giá kỷ lục 2.150 USD/ounce vào cuối năm 2024 nếu việc cắt giảm lãi suất trở thành hiện thực.
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...