Trong báo cáo dự báo thị trường vàng 2021 của VietnamGold, các chuyên gia tại đây cho rằng kim quý đang nắm giữ một loạt lợi thế để duy trì đà tăng trưởng mạnh như năm 2020.
Tuy nhiên, dù có các trợ lực vĩ mô tốt, bản thân kim loại quý cũng cần đáp ứng một số điều kiện kỹ thuật về giá nếu muốn duy trì đà tăng mạnh, nếu không, xu hướng tăng của vàng có thể phải rời sang năm 2022.
Cụ thể, theo VietnamGold, thị trường vàng đã trải qua một năm bùng nổ khi giá thế giới có thời điểm tăng 34% so với đầu năm. Dù giá đóng cửa năm 2020 giảm 12% so với đỉnh mọi thời đại hồi tháng 8/2020 (2.075 USD/ounce), kim quý vẫn kết thúc năm 2020 với mức tăng 22%.
Tại thị trường trong nước, vàng miếng còn ghi nhận xu hướng tăng mạnh hơn khi vàng SJC có lúc lên tới 62 triệu đồng/lượng, cao nhất lịch sử. Dù đóng cửa năm ở mức 56 triệu/lượng, thấp hơn gần 10% giá đỉnh, vàng SJC vẫn ghi nhận tăng 33% năm qua.
Theo các chuyên gia, đây là mức tăng kỷ lục mà không dễ để một tài sản trú ẩn an toàn như vàng có được trong một năm tài chính.
Giá vàng có tiếp tục tăng năm 2021
Không ghi nhận xu hướng tăng mạnh trong 3-4 tháng gần nhất, nhưng với trợ lực chính là môi trường lãi suất thấp và suy thoái kinh tế toàn cầu, giá vàng được dự báo vẫn tiếp tục tăng trong năm 2021.
Trong đó, những yếu tố chính ảnh hưởng đến giá vàng bao gồm lãi suất, lạm phát; sức mạnh đồng USD; lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ; thị trường chứng khoán; và một số yếu tố khác.
Theo các chuyên gia tại VietnamGold, lãi suất thấp là môi trường tốt với đà tăng giá của vàng. Cuối năm 2020, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tuyên bố duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp gần 0% đến 2023. Với điều kiện này, giá vàng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc nắm giữ không mất chi phí.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng nhấn mạnh mức lạm phát kỳ vọng sẽ đạt trên 2% trong giai đoạn tới với dự báo đưa ra là 1,2% năm 2020; 1,8% năm 2021; và 2-2,2% vào năm 2023. Như vậy, kỳ vọng lãi suất thực sẽ ở mức âm trong ít nhất 3 năm tới, và có xu hướng thấp dần theo thời gian khi lãi suất điều hành không đổi nhưng lạm phát kỳ vọng tăng lên.
Do đó, 2021 vẫn là năm rất tốt cho việc nắm giữ vàng. Mức lãi suất thực âm có thể thúc đẩy nhu cầu vào kim loại quý tăng mạnh mẽ trong năm nay.
Với yếu tố đồng USD, kim quý và đồng bạc xanh luôn có tương quan với nhau trong ngắn và trung hạn.
Diễn biến đồng USD (màu cam) và giá vàng (màu xanh) trong gần 2 thập niên trở lại đây. Nguồn: VietnamGold/Tradingview. |
Trong ngắn hạn, vàng và USD thường dao động trái chiều nhau, khi vàng tăng thì USD giảm và ngược lại. Chỉ số ít thời điểm ghi nhận vàng và USD diễn biến cùng chiều, tuy nhiên thời gian này cũng diễn ra rất ngắn.
Dưới góc độ kỹ thuật, đồng USD vẫn giữ xu hướng giảm liên tục từ năm 2002 đến nay và có nguy cơ giảm tiếp trong năm 2021, từ đó hỗ trợ vàng tăng giá.
Tương tự, trái phiếu chính phủ Mỹ cũng được xem là tài sản tương quan với vàng khi cả 2 đều là tài sản trú ẩn an toàn nhất thị trường tài chính hiện nay.
Thông thường, khi có nhu cầu trú ẩn an toàn, nhà đầu tư sẽ tìm đến 2 tài sản này. Như năm 2020, cả giá vàng và trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đều tăng vọt khi các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản an toàn trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái.
Tại cuộc họp của Ủy ban thị trường mở (FOMC) diễn ra tháng 12/2020, cùng với tuyên bố duy trì lãi suất thấp, Fed cũng cam kết tiếp tục chương trình mua trái phiếu hỗ trợ nền kinh tế. Đặc biệt, Chủ tịch Fed còn khẳng định can thiệp sâu hơn vào thị trường bằng việc xem xét mua trái phiếu kỳ hạn dài hơn.
Đây là phương thức để điều chỉnh đường cong lợi tức, chặn lợi tức để không cho chỉ số này gia tăng. Với động thái này, vàng sẽ trở nên hấp dẫn hơn nếu đặt cạnh trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Một yếu tố được dự báo tác động tiêu cực đến giá vàng là thị trường chứng khoán. Năm 2020, lượng tiền lớn ngân hàng trung ương các nước bơm ra thị trường và chảy vào chứng khoán đã giúp hàng loạt chỉ số đạt đỉnh mọi thời đại.
Năm nay, thị trường được dự báo tiếp tục tăng nhờ những gói kích thích tài khóa lớn hơn và kỳ vọng vaccine có hiệu quả sẽ đưa hoạt động kinh tế trở lại.
Mới đây, một quan chức trong nhóm chuyển tiếp quyền lực của Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết ông sẽ công bố gói cứu trợ 1.900 tỷ USD trong vài ngày tới. Gói cứu trợ gồm 415 tỷ USD để cải thiện khả năng ứng phó dịch bệnh và triển khai vaccine Covid-19, 1.000 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp đến các gia đình và khoảng 440 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng bởi đại dịch.
Năm 2020 có thời điểm ghi nhận cả giá vàng và chứng khoán đều tăng mạnh do dòng tiền mới được các ngân hàng trung ương bơm ra thị trường. Ảnh: Chí Hùng. |
Điều này đồng nghĩa với việc lại sắp có thêm dòng tiền mới chảy vào thị trường và chứng khoán là điểm đến lớn. Các chuyên gia lo ngại xu hướng này có thể ngăn đà tăng của vàng năm 2021, tương tự xu hướng đã xảy ra trong 3 tháng cuối năm 2020.
Tuy nhiên, 2021 được dự báo có thể là năm tăng trưởng đồng pha của cả 2 thị trường chứng khoán và vàng. Thực tế cũng ghi nhận hơn một thập niên qua, không ít lần 2 thị trường này dao động cùng chiều, đặc biệt khi thanh khoản thị trường dồi dào.
Một số yếu tố có thể tác động tới giá vàng năm nay như sức khỏe nền kinh tế; hoạt động nắm giữ của các quỹ tín thác đầu tư; các gói kích thích tài khóa mới; và chu kỳ tăng giá của hàng hóa… nhưng nhìn chung kim quý vẫn đứng trước cơ hội lớn để tăng mạnh trong năm 2021.
Điều kiện để vàng tăng giá
Dưới góc độ kỹ thuật, việc giá vàng giá đóng cửa năm 2020 sát mốc 1.900 USD/ounce cũng là tín hiệu tích cực với các nhà đầu tư. Nếu duy trì được đà tăng giá và giữ được mốc trên 1.900 USD trong tháng 1, vàng sẽ có cơ hội để chinh phục mốc cao mới trong quý I hoặc quý II năm nay.
Tuy nhiên, xu hướng giá vàng sẽ yếu hơn vào quý III và IV khi nền kinh tế dự báo phục hồi tốt. Nếu kim quý chưa thể vượt trên 1.960-2.000 USD, giá vàng sẽ đứng trước nguy cơ giảm sâu về 1.750 USD hoặc 1.700 USD trước khi tìm được động lực tăng mới. Nếu điều này xảy ra, xu hướng tăng của vàng có khả năng phải chờ đến năm 2022.
Dựa trên các yếu tố này, VietnamGold dự báo 3 kịch bản với vàng năm 2021 bao gồm tích cực nhất, vàng thế giới ghi nhận mức 2.300 USD; ở kịch bản trung bình, giá vàng sẽ dao động quanh mốc 2.000 USD; và ở kịch bản tiêu cực, giá vàng sẽ giảm về 1.750 USD.
Tương ứng với 3 mốc giá này của vàng thế giới, vàng miếng SJC trong nước cũng có 3 mốc tương ứng gồm 65 triệu/lượng (cao); 58 triệu/lượng (trung bình); và 52 triệu/lượng (thấp).
Diễn biến giá vàng thế giới 1 năm gần nhất. Nguồn: Tradingview. |
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có nhiều yếu tố tác động tới giá vàng năm 2021, một trong đó là khủng hoảng tài chính và xã hội. Tuy nhiên, cũng có lực cản với giá vàng đến từ sức chống chịu của nền kinh tế cũng như phản ứng của các nhà đầu tư trên thị trường tài chính.
Theo ông Hiếu, vàng đã trải qua 2 đợt sóng năm 2020 vào tháng 3 và tháng 8 giữa thời điểm khủng hoảng về kinh tế diễn ra. Nhưng sau đó, khi chính phủ nhiều nước đưa ra các biện pháp hỗ trợ mạnh đã giúp thị trường tài chính ổn định lại và đẩy giá vàng xuống dưới 1.900 USD.
Giới đầu tư cũng nhận ra các gói hỗ trợ đã phần nào giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn và họ tự tin rằng các biện pháp mới có thể chặn đứng khủng hoảng, từ đó khiến thị trường vàng không còn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, khi giá vàng tăng lên quá cao, xu hướng chốt lời bắt đầu xuất hiện và là một trong những nguyên nhân khiến giá giảm liên tục từ tháng 8/2020 đến nay.
“Từ đó đến nay, không có trợ lực nào đủ mạnh để đẩy giá vàng lên quá 1.950 USD. Khủng hoảng thì đã được kiểm soát, căng thẳng địa chính trị cũng phần nào lắng xuống. Vàng đang không có lý do để tăng trở lại”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tuy vậy, vị chuyên gia cho rằng 2021 vẫn là năm kim loại quý có triển vọng tăng trưởng tốt. Trong đó, xu hướng giá sẽ dựa vào 2 yếu tố gồm dịch bệnh và biến động kinh tế, chính trị thế giới.
Dù đã có vaccine nhưng số người được tiêm vẫn ở mức rất thấp so với số người nhiễm, để đạt được miễn dịch cộng đồng có thể phải đợi đến cuối năm 2021. Vì vậy, nếu dịch bệnh có xu hướng nghiêm trọng hơn trong những tháng đầu năm 2021, giá vàng sẽ ghi nhận xu hướng tăng.
Ở yếu tố kinh tế và địa chính trị, các gói kích thích mới dưới thời ông Biden có thể tác động tiêu cực tới giá vàng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, dòng tiền tràn ngập thị trường vẫn sẽ giúp mọi loại tài sản tăng giá, gồm cả vàng.
“Nếu thế giới ổn định, giá vàng sẽ không có động lực để tăng. Ngược lại, nếu có diễn biến tiêu cực xảy ra những tháng đầu năm, đặc biệt tại Mỹ, giá vàng sẽ tăng lên. Giá vàng có thể tăng năm 2021 nhưng có vượt được mốc 2.000 USD hay không còn tùy thuộc vào cuộc khủng hoảng lớn đến đâu và tâm lý nhà đầu tư thế nào”, ông Hiếu khẳng định.