Cả thị trường vàng thế giới và trong nước đã khép lại tuần giao dịch đầu tháng 1/2021 với xu hướng biến động mạnh. Trong khi giá vàng thế giới kết thúc phiên cuối tuần 8/1 (giờ Mỹ) với mức giảm 3,5% giá trị thì vàng miếng trong nước cũng giảm 1,5%.
Hiện tại, giá vàng thế giới cố định ở mức 1.850 USD/ounce, thấp hơn 110 USD so với đỉnh giá đạt được tuần này và là vùng thấp nhất một tháng trở lại đây. Giá vàng tương lai tháng 2 trên sàn Comex cũng phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1.850 USD/ounce, giảm gần 3,9% xuống mức 1.839,4 USD/ounce.
Tương tự, giá vàng miếng do Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết đóng cửa tuần này cũng ở mức 55,3 - 56 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,3 triệu đồng so với giá đỉnh trong tuần (6/1) và cũng là vùng thấp nhất 2 tuần.
Theo giới chuyên gia, giá vàng lao dốc trong phiên thứ 6 tuần này diễn ra trong bối cảnh thị trường lợi suất kho bạc Mỹ tăng.
Giá vàng thế giới giảm gần 110 USD từ mức đỉnh (6/1) tuần này. Nguồn: Kitco. |
Ông Peter Hug, Giám đốc giao dịch toàn cầu của Kitco Metals, cho biết có hai chất xúc tác khiến vàng bán tháo là lợi suất trái phiếu tăng và nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Trong đó, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng trên 1,1%, là mức tăng đáng kể của lợi suất này những năm qua. Trong khi đó, dữ liệu việc làm nền kinh tế số 1 thế giới công bố cuối tuần trước cũng ghi nhận xu hướng tiêu cực hơn cuối năm 2020, điều này cho thấy kinh tế Mỹ có thể còn gặp khó khăn trong quý I/2021.
Ông Peter Hug cho biết phản ứng thông thường của nhà đầu tư đối với tin tức kinh tế xấu là chuyển sang nắm giữ tiền mặt. “Các nhà giao dịch đang thoát ra khỏi vàng và thu về tiền mặt, dòng vốn này sẽ triển khai vào thị trường cổ phiếu, hoặc lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm”, vị chuyên gia nhận định.
Giám đốc giao dịch toàn cầu của Kitco Metals cũng cho rằng thị trường đang có những dấu hiệu tương tự đợt bán tháo hồi tháng 3/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Ông Sean Lusk, Giám đốc của Walsh Trading, cho biết góp phần vào đà giảm của giá vàng tuần vừa qua là sự dịch chuyển dòng vốn từ kim loại quý sang thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, ông cũng cho rằng lợi suất trái phiếu kho bạc tăng là một trong những thủ phạm chính khiến giá vàng giảm.
Còn theo nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của OANDA, còn một yếu tố khác tác động đến giá kim loại quý là sự cạnh tranh của bitcoin. Trong khi giá vàng mất 100 USD trong tuần này, bitcoin đã tăng hơn 10.000 USD, chạm mức cao nhất mọi thời đại mới trên 41.000 USD vào thứ 6.
Theo hầu hết chuyên gia, tuần tới (11-16/1), xu hướng giảm của kim loại quý sẽ tiếp tục và có thể kiểm tra lại mốc 1.800 USD/ounce.
Ông Peter Hug cho rằng nếu vàng giảm xuống dưới 1.850 USD, mốc 1.825 USD sẽ là ngưỡng hỗ trợ tiếp theo. Trường hợp vàng giảm sâu hơn, mốc 1.800 USD/ounce sẽ được kiểm tra lại.
Ông Sean Lusk cho biết đang xem xét kim loại quý có giữ được mốc 1.828 USD vào tuần tới hay không. “Nếu giá vàng giảm xuống dưới 1.828 USD/ounce, giá sẽ giảm xuống dưới 1.800 USD sau đó và mốc 1.778 USD mới là ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của vàng”, vị chuyên gia cho biết.
Có cái nhìn thận trọng hơn, ông nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, Edward Moya thậm chí còn cho rằng giá vàng sẽ kiểm tra lại ngưỡng 1.770 USD vào tuần tới, mức thấp nhất ghi nhận trong tháng 11/2020.