Sau khi giảm gần 33 USD trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022, triển vọng ngắn hạn của giá vàng thế giới đang bị đánh giá kém tích cực khi đóng cửa tuần ở dưới vùng 1.800 USD/ounce.
Cụ thể, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế đóng cửa cuối tuần trước ở mức 1.797 USD/ounce, tăng 6,1 USD trong ngày nhưng giảm gần 33 USD so với cuối tuần liền trước, tương đương mức giảm ròng 1,8% trong tuần.
Tương tự, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 2 cũng khép lại tuần đầu năm với mức giảm gần 35 USD, đóng cửa ở 1.796,5 USD.
Theo các chuyên gia, giá vàng đã khởi đầu năm mới với diễn biến không mấy tích cực sau khi biên bản cuộc họp tháng 12/2021 của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được công bố.
Trong đó, báo cáo cho biết đa số thành viên của FED đang có quan điểm cần thắt chặt hơn chính sách tiền tệ. Cụ thể, một vài thành viên FED đã ủng hộ việc tăng lãi suất nhanh hơn và giảm lượng mua tài sản hàng tháng lớn hơn để đối phó với tình trạng việc làm thấp, trong khi lạm phát tăng cao.
Tuy nhiều chuyên gia cho rằng quan điểm này không còn phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động từ biến chủng Omicron của dịch Covid-19, nhưng, việc giá vàng đóng cửa tuần dưới vùng tâm lý quan trọng 1.800 USD luôn khiến triển vọng ngắn hạn của kim quý kém hấp dẫn.
Diễn biến giá vàng thế giới trong tuần đầu tiên của năm 2022. Nguồn: Tradingview. |
Tuần này, ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho biết vùng 1.770 USD/ounce sẽ là mức hỗ trợ cho giá vàng cần quan sát.
Tương tự, ông Gary Wagner, chuyên gia phân tích giá vàng của Kitco, cho rằng giá vàng sẽ nhận được mức hỗ trợ tại các vùng 1.785 USD và 1.770 USD/ounce nếu giảm vào tuần này.
Ngược lại, nếu tăng trở lại, vàng sẽ phải đối mặt với ngưỡng kháng cự quan trọng 1.800 USD, trước khi muốn trở lại vùng 1.815-1.833 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước tuần trước, trong khi giá vàng nhẫn ghi nhận diễn biến cùng chiều giảm với vàng thế giới, giá vàng miếng lại tiếp tục đi ngược và tăng trong tuần đầu năm 2022.
Cụ thể, giá vàng miếng SJC chốt tuần giao dịch đầu năm mới ở mức 61 - 61,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cao hơn 100.000 đồng so với cuối tuần liền trước. Diễn biến trái ngược này đã nâng chênh lệch giá so với vàng thế giới vượt mức 12 triệu đồng/lượng, mức cao kỷ lục giữa 2 thị trường.
Trong những lần biến động ngược chiều thế giới trước đó, giá vàng miếng chỉ duy trì được mức chênh so với vàng thế giới từ 12 triệu đồng trở xuống.
Vì vậy, việc giá vàng thế giới bị đặt vào triển vọng kém tích cực tuần này cũng khiến giá vàng miếng trong nước khó tăng mạnh.
Thực tế, trong khi giá vàng thế giới đã 5 lần giao dịch ở vùng giá trên 1.800 USD/ounce trong 1 tháng rưỡi gần đây, giá vàng miếng lại chưa thể trở lại vùng 62 triệu/lượng từ tháng 11/2021.
Với giá vàng nhẫn, mặt hàng này vẫn thường xuyên có diễn biến sát với vàng thế giới, hiện phổ biến giao dịch ở mức 52,1 - 52,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cao hơn 3,15 triệu/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi.
Việc triển vọng tăng của giá vàng thế giới tuần này không cao cũng tác động tương tự lên giá mặt hàng này.
Hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt chỉ vào khoảng 49,7 triệu đồng/lượng, rẻ hơn giá vàng miếng trong nước 24,2% và 6,2% nếu so với vàng nhẫn.