Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 9/2016, cả nước thu về 32,6 triệu USD xuất khẩu sản phẩm gốm sứ tính chung từ đầu năm đến hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 312,5 triệu USD.
Sản phẩm gốm sứ Việt Nam có mặt tại 23 quốc gia trên thế giới, trong đó Nhật Bản là thị trường chủ lực, chiếm 20% tổng kim ngạch, đạt 52,6 triệu USDđứng thứ hai là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với 38,2 triệu USD, kế đến là Mỹ đạt 34,9 triệu USD.
Ngoài ba thị trường chính kể trên, sản phẩm gốm sứ còn có mặt tại các quốc gia khác nữa như: Hàn Quốc, Trung Quốc (Đại lục), Đan Mạch, Singpaore, Thụy Điển…
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển ngành gốm sứ và thủ công mỹ nghệ, bởi lẽ có nhiều làng nghề gốm sứ cổ truyền, sản phẩm khác biệt và kỹ thuật chế tác tinh xảo. Tuy nhiên, tốc độ xuất khẩu đang chậm lại. Bên cạnh nguyên nhân khách quan từ sức tiêu thụ, thị hiếu của thị trường chung, tự mỗi doanh nghiệp cần đưa ra cách khắc phục.
Ông Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long 1, đơn vị có sản phẩm đã chinh phục được các thị trường khó như Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ, Anh, Mỹ chia sẻ chiến lược chinh phục của họ. Theo đó, năng lực cạnh tranh phụ thuộc rất nhiều vào thương hiệu. "Hội nhập mà không hoà tan” đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải biết tận dụng những thế mạnh sẵn có, đặc biệt là các giá trị văn hoá truyền thống, tạo nên bản sắc riêng trong sản phẩm, dịch vụ.
“Gốm sứ Việt Nam có thiết kế riêng, phong cách riêng và được nhiều quốc gia mến mộ. Chúng ta nên lưu giữ, phát huy và quảng bá những nét văn hoá truyền thống ấy, bởi giá trị văn hoá là sức mạnh, là đòn bẩy để thương hiệu gốm sứ Việt Nam hội nhập”, ông Lý Huy Sáng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tham quan gian trưng bày sản phẩm của công ty Minh Long.
|
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, một trong những “tem bảo chứng” cho chất lượng gốm sứ Việt khi ra sân chơi thế giới là các giải thưởng quan trọng như Thương hiệu Quốc gia.
Đây là chương trình duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, quảng bá hình ảnh thương hiệu quốc gia thông qua việc xây dựng hình ảnh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; giải thưởng uy tín do Hội đồng thương hiệu quốc gia, Ban Thư ký thương hiệu quốc gia phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức.
“Trong bối cảnh hội Việt Nam hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia - Trần Tuấn Anh phát biểu tại Lễ công bố các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia tối 30/11.
|
Với giải thưởng Thương hiệu Quốc gia 2016, trong ngành đồ gốm, gốm sứ, thủ công mỹ nghệ, Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long 1 là đại diện duy nhất được đánh giá đạt chuẩn Thương hiệu Quốc gia. Công ty cũng là một trong 23 doanh nghiệp đạt danh hiệu 5 lần liên tiếp.
Ông Lý Huy Sáng chia sẻ: “5 lần đạt giải thưởng Thương hiệu Quốc gia là niềm tự hào lớn của Minh Long. Giải thưởng xem như sự ghi nhận đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp và khách hàng đối với công ty, tạo đòn bẩy cho con đường hội nhập sắp tới”.
Ông Lý Huy Sáng đại diện Công ty TNHH Minh Long 1 nhận giải thưởng Thương hiệu Quốc gia 2016.
|
Bên cạnh những thiết kế mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, các kỹ thuật khó như vẽ màu dưới men hay nung ở nhiệt độ cao đã được Minh Long sử dụng thành công. Đại cát - An gia là bộ tác phẩm đầu tiên mà sắc màu của sứ được tạo ra từ nhiều dãy màu sống động. Bộ tượng gà được làm kỳ công trong suốt hơn một năm đã được Minh Long trưng bày tại Lễ công bố các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia “Vietnam Value 2016”. Bộ sản phẩm thu hút sự quan tâm của đông đảo khách mời tham dự.