Dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của cố hoạ sĩ Nguyễn Cương, gia đình ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về chân dung một Nguyễn Cương qua những tác phẩm để lại.
Cuốn sách do nhà phê bình nghệ thuật Quang Việt và Đan Sa - con gái hoạ sĩ Nguyễn Cương cùng sưu tầm tư liệu để hoàn thành, Nhà xuất bản Mỹ thuật phát hành.
Bà Nguyễn Thị Lâm - vợ hoạ sĩ Nguyễn Cương - xúc động vì sau bốn năm ấp ủ, cuốn sách đã thành hình. Bà hy vọng đây là ấn phẩm tốt, đáp ứng được sự trông đợi của gia đình, bạn bè cũng như nhu cầu của bạn đọc yêu nghệ thuật muốn tìm hiểu về hội họa Việt Nam và các họa sĩ khác.
Cuốn sách song ngữ dày 150 trang bắt đầu bằng việc giới thiệu tác phẩm sơn mài Xưởng đóng tàu Hải Phòng, sáng tác năm 1974. Đây là bài thi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam của Nguyễn Cương. Tác phẩm đầu tay này đã vượt qua sự thẩm định, đánh giá khắt khe, thận trọng của giới mỹ thuật để đưa vào bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Gần 50 năm qua, giới mộ điệu khi vào bảo tàng đều thấy sự hiện diện của tác phẩm này. Bức tranh được xếp vào di sản của phong trào nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Với Nguyễn Cương, đó cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất, được biết đến sớm nhất của ông.
Tác phẩm "Xưởng đóng tàu Hải Phòng". |
Với Xưởng đóng tàu Hải Phòng, tác giả chỉ sử dụng mấy màu gốc của sơn mài truyền thống như đen, cánh gián và vàng phủ hoàn kim để vẽ trên nền bạc mà vẫn diễn tả được mọi sắc thái tương phản về đậm nhạt, sáng tối, nóng lạnh, trong đục; các đường tiếp giáp khi mềm khi cứng cùng những hình diện gợi đầy tính xúc giác đặc trưng cho một quang cảnh công nghiệp.
Khác hẳn bức vẽ Xưởng đóng tàu Hải Phòng, sau 6 năm, với tác phẩm Những cô gái thông tin, ông không bận tâm đến những gì ngẫu nhiên mà rút gọn tất cả vào một lối vẽ cách điệu phong cách hoá duy nhất, đặt các hình tượng và mô típ trên nhiều tầng nhiều lớp, theo nhiều góc hướng nhìn, tạo ra một bố cục ước lệ liên hoàn đầy nhịp điệu như có cả vũ, cả nhạc trong đó.
Qua bức tranh này, Nguyễn Cương đã thể hiện đầy đủ một năng lực khá xuất sắc trong nghệ thuật tập hợp và chuyển hoá “tư liệu sống” thành một tác phẩm quy mô đồng bộ về không gian và tạo hình bằng giá trị thực, độc lập của thể loại, đề tài và chất liệu. Giải Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980 cho tác phẩm này chính là sự ghi nhận và tôn vinh đóng góp quan trọng của ông trong mỹ thuật.
Nhà phê bình nghệ thuật Quang Việt cho biết khi được hai mẹ con bà Nguyễn Thị Lâm ngỏ lời nhờ viết cuốn sách về họa sĩ Nguyễn Cương, ông khá e dè vì “cuốn sách lúc đó đã lên sơ bộ, làm lại sợ khó, sợ gia đình thất vọng”.
“Viết những trang đầu của cuốn sách, tôi hơi lúng túng vì chỉ biết họa sĩ Nguyễn Cương thôi, không thân, không có tình cảm. Cơ duyên lần đầu biết tới tranh ông là năm 1994. Tôi ấn tượng với bức ông vẽ về một chú bộ đội đã mất bên chiếc áo trấn thủ và cuốn nhật ký. Bức tranh thực sự ám ảnh.
Tôi viết sách khá nhiều nhưng đây là lần đầu tiên viết về hoạ sĩ ở lứa tuổi đã đi qua hai cuộc kháng chiến, lại có phong cách hội hoạ rất phức tạp. Tôi thực sự gặp sức ép lớn. Nhưng khi cuốn sách hoàn thành, mang tới Nhà xuất bản Mỹ thuật in, chị biên tập viên nói: Đọc cuốn sách này thấy một Nguyễn Cương vĩ đại một cách rất giản dị. Thế là tôi yên tâm. Tôi không dám khẳng định mình viết hay nhưng đã cố gắng đạt yêu cầu của gia đình. Quy mô cuốn sách không quá lớn nhưng cũng không hề nhỏ”, ông Quang Việt chia sẻ.
Họa sĩ Nguyễn Cương (Nguyễn Văn Cương) sinh năm 1943 tại Hải Phòng. Ông nguyên là Giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quân đội. Trong cuộc đời nghệ thuật kéo dài 45 năm, họa sĩ Nguyễn Cương đã vẽ khoảng 500 bức tranh, trong đó chủ yếu là sơn mài. Ngoài hội họa, ông còn sáng tác nhiều tranh tường khổ lớn và thực hành cả điêu khắc.
Ông từng giành Huy chương Đồng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1980 với tác phẩm khổ lớn Những cô gái thông tin. Năm 1983, ông có triển lãm cá nhân tại Budapest (Hungary), toàn bộ tác phẩm trưng bày khi đó đã được nhà sưu tập nghệ thuật mua hết.